(SGGPO).- Ngày 18-11, tại Hội thảo khoa học “Sử dụng amiang trắng an toàn và có kiểm soát” do Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương, Bộ Kế hoạch - Đầu tư tổ chức tại Hà Nội, các ý kiến tham luận khẳng định, trong khi thế giới chưa tìm được vật liệu thay thế thì amiăng trắng vẫn có thể được sử dụng trong điều kiện kiểm soát chặt chẽ.
Tại hội thảo, TS John Hoskins cho biết, amiăng hiện có mặt trong 3.000 loại sản phầm từ giản đơn đến phức tạp, từ tấm lợp, ống thoát nước…và những sản phẩm công nghệ cao như thiết bị vi tính và tên lửa.
Nghiên cứu của Hội hóa học Hoàng gia Vương quốc Anh cho thấy các loại sợi khoáng amiăng có thể gây nên một số bệnh nhất định, nhưng không phải là nguyên nhân duy nhất dẫn đến các bệnh như: bụi phổi, ung thư phổi, u rung biểu mô…“Những bệnh này là hậu quả của việc phơi nhiễm với amiang nồng độ cao hoặc phơi nhiễm trong thời gian kéo dài. Ngày nay, do ngưỡng phơi nhiễm được quy định rất thấp, những bệnh này có thể được coi là những bệnh đã thuộc về quá khứ” – nhà khoa học này nhấn mạnh.
Vẫn theo ông John Hoskins, hầu hết các vật liệu chứa amiăng được sản xuất và sử dụng hiện nay đều được làm từ xi măng amiăng có mật độ kết dính cao. Trong các sản phẩm này, amiăng trắng bị kết dính bởi một ma trận chặt chẽ và không dễ dàng phát tán sợi trong quá trình sử dụng hàng ngày. Vì vậy, rủi ro do xi măng amiăng gây ra cũng giảm đi đáng kể.
Bà Srichant Uthayopas, Chuyên gia Hiệp hội Sức khỏe Công nghiệp Châu Á (IHAA) Thái Lan cũng cho rằng, thông thường, hầu hết các sản phẩm amiăng trắng (còn gọi là tấm AC hay tấm fibro xi măng) có tỷ lệ phối trộn amiăng trắng nhỏ hơn 10%. Đại biểu phát biểu: “Không giống như amiăng nâu và xanh thuộc nhóm Amphibole, amiăng trắng thuộc nhóm Serpentine khi thâm nhập vào cơ thể sẽ dễ dàng bị phân hủy bởi môi trường acid do các đại thực bào tạo ra. Do vậy, khả năng mắc bệnh nghề nghiệp do phơi nhiễm amiăng trắng thấp hơn so với khả năng mắc bệnh nghề nghiệp do phơi nhiễm với các chất khác”.
Tại hội thảo, các chuyên gia cũng cho rằng, các vấn đề liên quan đến amiăng cần phải được cân nhắc kỹ lưỡng, tiếp tục nghiên cứu để có những chứng cứ minh bạch, thuyết phục dựa trên cơ sở khoa học, để vừa đảm bảo không gây ảnh hưởng tới sức khỏe người dân, vừa phù hợp với lợi ích của người dân và doanh nghiệp.
Trước đó, ngày 17-11, trong khuôn khổ phiên chất vấn tại kỳ họp thứ 10 của Quốc hội, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải cho biết, muộn nhất đến năm 2030, Việt Nam sẽ chấm dứt sử dụng amiăng trắng.
|
ANH THƯ