Sử dụng thuốc bảo vệ thực vật an toàn, hiệu quả - Bài 1: Con dao hai lưỡi

Sự “xuất hiện” của thuốc bảo vệ thực vật đã giúp ích rất nhiều cho người nông dân. Thế nhưng, tình trạng lạm dụng thuốc đã và đang để lại nhiều hậu quả không tốt cho con người và môi trường. Sử dụng thuốc an toàn, hiệu quả là điều mà người nông dân cần hướng tới.

Từ thập niên 1970, sự phát triển trong lĩnh vực hóa học đã kéo theo nhiều thay đổi trong việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật (BVTV). Bên cạnh mặt tích cực cho cây trồng, do bị lạm dụng, thiếu kiểm soát hay dùng sai nên mặt tiêu cực của thuốc BVTV đã bộc lộ dần thời gian qua. 

Phun thuốc bảo vệ lúa. Ảnh: THÀNH TRÍ


Vòng lẩn quẩn!

Năm 2017, trong số 36,2 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản, riêng ngành trồng trọt đã chiếm hơn 20 tỷ USD. Việc ứng dụng công nghệ hiện đại và các giải pháp nông nghiệp tiên tiến trong những thập kỷ vừa qua cho phép người nông dân sản xuất ra nguồn lương thực dồi dào, giá thành hợp lý, đáp ứng nhu cầu tiêu thụ nội địa và xuất khẩu. Trong chuỗi sản xuất này, thuốc BVTV có vai trò quan trọng, nếu không nói là không thể thiếu, là công cụ hữu hiệu trong việc hỗ trợ sản xuất nhiều lương thực hơn với ít nguồn tài nguyên hơn. Các nhà chuyên môn cho rằng, thiếu đi công cụ quan trọng này, hơn nửa sản lượng lương thực toàn cầu sẽ bị thất thoát do tác hại của sâu, bệnh và cỏ dại, dẫn đến những thiệt hại to lớn về kinh tế và tác động xấu đến đời sống người nông dân. 

Ở Việt Nam, không ai có thể phủ nhận vai trò quan trọng của các loại thuốc BVTV trong canh tác, giúp giữ vững năng suất, chất lượng cây trồng. Nếu không có các loại thuốc đặc trị chống rầy nâu, ngành lương thực, đặc biệt là cây lúa ở đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) sẽ bị tàn phá nặng nề bởi rầy nâu như vào cuối thập niên 1970, đầu thập niên 1990 và đầu những năm 2000 mang theo virus vàng lùn, lùn xoắn lá gây hại trên cây lúa sau đó. Bên cạnh giống, nếu không có thuốc BVTV và phân bón sẽ không thể có năng suất và sản lượng lương thực tăng ấn tượng, đặc biệt là ở vựa lúa ĐBSCL. Cùng với chủ trương đúng của nhà nước, từ chỗ thiếu lương thực phải nhập khẩu, đến nay nước ta đã đảm bảo an ninh lương thực và còn xuất khẩu. 

Vậy nhưng, nhìn theo khía cạnh khác, do “quen tay” sử dụng các loại thuốc BVTV để diệt các côn trùng gây bệnh, giúp mang đến năng suất cao cho mùa vụ nên gần như người nông dân bị sa đà vào việc sử dụng thuốc BVTV khi canh tác, tạo thành thói quen tai hại, xem thuốc BVTV như là phương tiện duy nhất để phòng bệnh. Nhìn thấy sâu là phun xịt thuốc ngay thay vì bình tĩnh xem xét mật độ để có các biện pháp xử lý khác như tính mật độ thiên địch (côn trùng có ích cho cây trồng) để tiêu diệt các loài gây hại. Khi hết cách mới sử dụng đến thuốc BVTV và khi dùng phải theo nguyên tắc 4 đúng (đúng lúc, đúng liều lượng, đúng thuốc và đúng cách). Nói cách khác, thay vì cần phải xem ngưỡng để phun, nông dân lại phun phòng hay thấy là phun. Một nguyên tắc đã được khuyến cáo là lúa sau sạ 40 ngày không cần phun xịt vì không cần thiết, nhưng thực tế sau 7 - 8 ngày nông dân vẫn phun phòng bọ trĩ, sau 17 - 18 ngày phun lần thứ 2 để phòng trừ sâu cuốn lá. Nông dân thường tăng liều lượng khi phun xịt gần gấp đôi thay vì theo khuyến cáo, chỉ cần 1 lít/ha thì bà con lại nâng 2 lít/ha.

Việc này dẫn đến tình trạng lạm dụng và thuốc BVTV trở thành con dao hai lưỡi. Một nguyên lý gần như luôn đúng, cái gì dù hữu ích đến đâu nhưng khi đã lạm dụng đều dẫn đến những tác hại do bị phản tác dụng. Việc sản xuất thâm canh, tăng vụ, thậm chí 2 năm 7 vụ (một thời được ca ngợi do tăng sản lượng và năng suất), làm cho đất không có thời gian ngơi nghỉ, vô tình giúp sâu bệnh có điều kiện tích tụ dần do nối vụ liên tục và trở thành dịch bệnh. Theo đánh giá của các chuyên gia quốc tế, có tới 80% thuốc BVTV tại Việt Nam đang sử dụng không đúng cách, không cần thiết và lãng phí. Khảo sát của cơ quan chuyên môn, trung bình nông dân sử dụng 4 - 6 lần thuốc BVTV/năm, nhưng với cây rau màu, số lần sử dụng tăng gấp nhiều lần.

Tương tự, với trái cây mùa nghịch (sầu riêng, thanh long…) để có sản phẩm bán quanh năm hay sản phẩm bán được giá vào mùa nghịch buộc phải sử dụng hóa chất BVTV và phun xịt nhiều hơn. Việc quá lạm dụng thuốc BVTV đã và đang dẫn đến tình trạng sâu bệnh kháng thuốc, người nông dân phải gia tăng lượng sử dụng thuốc BVTV. Tình trạng dùng thuốc không đúng khuyến cáo thời gian dài tạo nên sự kháng thuốc của sâu bệnh. Khi sâu bệnh xuất hiện nhiều hơn phải tăng liều lượng thuốc BVTV sử dụng. Đó là cái vòng lẩn quẩn của người nông dân!

Phun thuốc bảo vệ ruộng rau muống. Ảnh: THÀNH TRÍ


Hậu quả

Các chuyên gia trong ngành từng cảnh báo, việc sử dụng không đúng theo khuyến cáo sẽ làm cho những hạn chế, tiêu cực của thuốc BVTV càng lớn, càng nguy hại tới con người và môi trường. Trong đề tài nghiên cứu sử dụng nấm Pleurotus sp. để phân hủy thuốc trừ cỏ Glyphosate trên đất nông nghiệp của nhóm tác giả Đỗ Thị Trúc Ly, Lương Bảo Uyên (Trường ĐH Khoa học tự nhiên, ĐH Quốc gia TPHCM) và Nguyễn Đăng Nghĩa (Trung tâm Nghiên cứu và tư vấn nông nghiệp nhiệt đới) cho biết, mặt tiêu cực của thuốc BVTV khi bị lạm dụng là gây ô nhiễm nguồn nước và đất, để lại dư lượng trong nông sản, gây độc cho con người và động vật máu nóng. Ngoài ra, làm mất cân bằng tự nhiên, suy giảm tính đa dạng quần thể sinh học, xuất hiện loài dịch hại mới, tạo tính chống thuốc của dịch hại (kháng thuốc) và làm đảo lộn các mối quan hệ phong phú giữa các loài sinh vật trong hệ sinh thái, gây bùng và tái phát dịch hại, dẫn đến hiệu lực phòng trừ của thuốc bị giảm sút hoặc mất hẳn. Việc lạm dụng thuốc BVTV, đặc biệt là thuốc trừ cỏ gây ra nhiều hậu quả: làm cho đất bị chua, giữ phân bón kém nên cây trồng hấp thu dinh dưỡng không đủ và không cân đối, không thể có năng suất như mong muốn. Diệt cả côn trùng và vi sinh vật có ích (thiên địch), là điều kiện để dịch bệnh phát triển, làm tăng chi phí sản xuất, tăng giá thành sản phẩm. Làm tăng nguy cơ về an toàn thực phẩm. Dư lượng thuốc BVTV còn tồn dư trên nông sản, làm giảm chất lượng và khả năng cạnh tranh của nông sản trên thị trường, làm ngộ độc cấp tính người tiêu dùng...

Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN-PTNT) cho biết, kết quả thanh, kiểm tra tình hình sử dụng thuốc BVTV thời gian gần đây với gần 14.000 hộ nông dân sử dụng thuốc BVTV, có đến hơn 4.160 hộ (chiếm 29,9%) sử dụng thuốc BVTV chưa đúng quy định, như không đảm bảo lượng nước, không có bảo hộ lao động, sử dụng thuốc không đúng nồng độ, liều lượng; bao bì sau khi sử dụng vứt bừa bãi không đúng nơi quy định. Phần lớn bà con nông dân chỉ dựa vào thuốc BVTV hóa học trong phòng trừ sâu bệnh như là biện pháp chính. Tỷ lệ sử dụng thuốc sinh học còn rất thấp. Lý do, tâm lý người nông dân khi phun xịt muốn thấy hiệu quả tức thì nhưng với thuốc sinh học phải vài ngày sau mới có tác dụng. Các mô hình ứng dụng tiến bộ kỹ thuật an toàn, hiệu quả trong BVTV chậm được nhân rộng... 

Tại hội nghị “Định hướng về công tác BVTV trong tình hình mới” vừa qua, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường cho rằng, lạm dụng thuốc BVTV đang là một vấn đề lớn trong việc sử dụng và quản lý thuốc BVTV của ngành nông nghiệp. Việc quản lý sử dụng thuốc BVTV vẫn còn nhiều bất cập. Theo kết quả điều tra, thống kê về các điểm tồn lưu hóa chất BVTV từ năm 2007 đến năm 2009 phát hiện 1.153 khu vực gây ô nhiễm môi trường ở 35 địa phương. Trong đó, hóa chất BVTV tồn lưu trên địa bàn 17 tỉnh, TP với hơn 860 khu vực môi trường đất bị ô nhiễm, 189 khu vực trong số này bị ô nhiễm nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng; 87 khu vực bị ô nhiễm và 588 khu vực đất có ô nhiễm hóa chất BVTV tồn lưu nhưng vẫn chưa đánh giá chi tiết mức độ ô nhiễm. Số liệu khảo sát của Viện Môi trường nông nghiệp Việt Nam cho thấy, lượng thuốc BVTV còn bám lại trên vỏ bao bì bình quân chiếm 1,85% tỷ trọng bao bì. Người dân hầu như chưa có ý thức xử lý lượng thuốc BVTV còn trong vỏ bao bì. Trên 65% người nông dân được hỏi cho biết, vỏ bao bì bị bỏ tại nơi pha thuốc.

Tin cùng chuyên mục