Sửa đổi Luật Quốc tịch: Lợi ích quốc gia phải đặt lên hàng đầu

Ngày 15-2, tại Hà Nội, Bộ Tư pháp đã tổ chức tổng kết 9 năm thực hiện Luật Quốc tịch Việt Nam năm 1998 và lấy ý kiến của một số cơ quan về việc sửa đổi bộ luật này.

Xin chứng nhận quốc tịch Việt Nam đang tăng

Theo ông Trần Thất, Vụ trưởng Vụ Hành chính Tư pháp, Bộ Tư pháp, sau 9 năm thực hiện Luật Quốc tịch Việt Nam năm 1998, tính từ tháng 1-1999 đến tháng 12-2007 đã có 2.232 người được cấp giấy chứng nhận quốc tịch Việt Nam (QTVN) và con số này đang có chiều hướng tăng trong những năm gần đây, nhất là khi Việt Nam gia nhập WTO. Chỉ tính riêng trong 2 năm 2006 - 2007, con số này là trên 1.000 người. Trong đó, số người xin giấy chứng nhận QTVN, chủ yếu là người Việt Nam đang định cư ở nước ngoài (chiếm trên 80%). Bên cạnh đó, số người xin nhập QTVN cũng lên tới 674 người và đã giải quyết cho 231 người.

Ngoài ra, trong 9 năm qua cũng có tới 61.460 người xin thôi quốc tịch Việt Nam để nhập quốc tịch nước ngoài, chủ yếu là người Việt Nam đang định cư ở nước ngoài (chiếm 99,6%), còn lại là công dân Việt Nam đang thường trú ở trong nước.

Theo đánh giá của Bộ Tư pháp, sau 9 năm thực hiện luật này, công tác quốc tịch đã có những bước phát triển mới, đáp ứng được yêu cầu quản lý nhà nước về quốc tịch cũng như yêu cầu của người dân trong và ngoài nước về vấn đề quốc tịch.

Một quốc tịch hay hai quốc tịch?

Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện luật này cũng đã bộc lộ nhiều hạn chế như: thời gian giải quyết các hồ sơ về quốc tịch còn kéo dài quá thời hạn, các thủ tục pháp lý về việc xin nhập, thôi quốc tịch vẫn còn rườm rà và bất hợp lý. Đáng chú ý, việc thực hiện nguyên tắc một quốc tịch triệt để như quy định tại Điều 3 Luật Quốc tịch Việt Nam năm 1998 “Nhà nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam công nhận công dân Việt Nam có một quốc tịch là quốc tịch Việt Nam” đã không đáp ứng được nguyện vọng của đại đa số kiều bào Việt Nam đang sinh sống và làm việc tại nước ngoài, nhất là trong hoàn cảnh vị thế và uy tín của Việt Nam trên thế giới ngày càng được khẳng định và nâng cao.

Do đó, hầu hết ý kiến của các cơ quan chức năng đều thống nhất cần thiết phải sửa đổi Luật Quốc tịch năm 1998, trong đó việc sửa đổi Điều 3 của luật hiện hành được quan tâm hơn cả. Theo đó, có 2 hướng được đề xuất, bãi bỏ nguyên tắc một quốc tịch triệt để hoặc vẫn giữ nguyên nhưng sửa đổi theo hướng mềm dẻo và linh hoạt hơn. Góp ý cho việc sửa đổi Điều 3, đại diện Cục Lãnh sự Bộ Ngoại giao cho rằng, nên bãi bỏ nguyên tắc một quốc tịch, sau đó giải quyết các vấn đề khác phát sinh bằng những quy định khác ở trong luật, cũng như các văn bản dưới luật. Đại diện Bộ Công an cũng cho rằng, việc thực hiện nguyên tắc một quốc tịch hiện nay cũng đang gây ra nhiều khó khăn trong việc quản lý người xuất nhập cảnh, nhất là những người có 2 hộ chiếu.

Tuy nhiên về phía Vụ Hành chính Tư pháp, đơn vị được giao đầu mối soạn thảo việc sửa đổi luật này lại cho rằng, nếu bỏ nguyên tắc một quốc tịch mà thực hiện nguyên tắc 2 quốc tịch sẽ có nhiều vấn đề nảy sinh liên quan tới quyền công dân mà chúng ta khó có thể giải quyết được. Chẳng hạn người Việt Nam định cư ở nước ngoài vừa có quốc tịch Việt Nam vừa có quốc tịch của nước sở tại thì chúng ta sẽ quản lý việc thực hiện nghĩa vụ và trách nhiệm công dân Việt Nam của họ như nghĩa vụ quân sự, lao động công ích, thuế, bầu cử như thế nào?

Trước những ý kiến còn khác nhau, Thứ trưởng Thường trực Bộ Tư pháp Hoàng Thế Liên, chủ trì hội nghị nêu rõ, đằng sau quốc tịch là vấn đề chính sách. Bởi vậy, việc bỏ hẳn nguyên tắc một quốc tịch hay chỉ sửa đổi thì phải căn cứ trên nhiều lợi ích khác nhau, trong đó lợi ích quốc gia phải được đặt lên hàng đầu. Do đó, Thứ trưởng Hoàng Thế Liên đã đề nghị, Ban soạn thảo tiếp tục chỉnh sửa chi tiết, tổng kết các vấn đề liên quan tới thực tiễn thực hiện luật này và xin ý kiến các cơ quan chức năng ở cấp cao hơn để việc sửa đổi cho đảm bảo được lợi ích quốc gia, cũng như phù hợp được với thực tiễn nhất. 

KHÁNH NGUYỄN

Tin cùng chuyên mục