Tuy nhiên, đất đai vẫn là một trong những lĩnh vực “nóng”, liên quan đến tham nhũng, khiếu nại, tố cáo. Qua rà soát Luật Đất đai năm 2013, một lãnh đạo Tổng cục Quản lý đất đai (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho biết, nhiều nội dung về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất “chưa theo kịp nhu cầu quản lý, sử dụng đất”.
Theo Luật Đất đai và văn bản hướng dẫn thi hành, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất được quy định khá chi tiết, từ lập, thẩm định, phê duyệt đến điều chỉnh, thực hiện. Tuy nhiên trong thực tế, chất lượng quy hoạch, lập kế hoạch và thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cũng còn nhiều vấn đề đáng bàn. Cụ thể, việc lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất và điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch này được tiến hành định kỳ. Tuy nhiên, do chất lượng dự báo còn thấp và trong việc xây dựng kế hoạch sử dụng đất thường chủ yếu dựa vào việc đăng ký nhu cầu sử dụng đất của các tổ chức, cá nhân, nên tính khoa học, nhu cầu sử dụng đất rất khó kiểm chứng. Kế hoạch sử dụng đất hàng năm của đa số các tỉnh thường không đạt chỉ tiêu đề ra. Có thể kể ra một số ví dụ yếu kém điển hình như việc thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất khu đô thị đại học Láng - Hòa Lạc; làng đại học Đà Nẵng; khu đô thị Bình Quới - Thanh Đa…
Theo quy định, vào cuối năm, HĐND cấp tỉnh thông qua danh mục công trình, dự án cần thu hồi đất năm kế tiếp, trong đó có danh mục dự án, công trình chuyển mục đích sử dụng đất. Giữa năm sau, HĐND cấp tỉnh lại thông qua danh mục công trình, dự án cần thu hồi đất điều chỉnh. Điều này đã đáp ứng được sự thích ứng trong tiến trình phát triển kinh tế xã hội. Nhưng do kế hoạch này thay đổi nhiều nên dẫn đến sự bị động trong bố trí nguồn vốn; trong phân bố nhân lực, đào tạo nghề, nhất là trong khu vực nông nghiệp khi chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa, đất trồng rừng phòng hộ, rừng đặc dụng. Đặc biệt, nội dung “lấy ý kiến đóng góp của nhân dân về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất và công khai ý kiến” đã được quy định, song còn chung chung và thực tế nhiều nơi, người sử dụng đất chỉ biết đến quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất khi bắt đầu triển khai công tác thu hồi đất. Đây cũng là nội dung gây ra khiếu kiện kéo dài, làm ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện thu hồi đất và thực hiện dự án.
Như vậy, có thể thấy chất lượng công tác lập, điều chỉnh, bổ sung, thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất không cao và còn bị động, dẫn đến phải điều chỉnh nhiều. Việc công khai còn hình thức, chưa đảm bảo đủ điều kiện cho công tác giám sát của nhân dân và nhất là việc đối thoại để có được tiếng nói chung trong quản lý, sử dụng đất hiệu quả.
Để khắc phục nhược điểm này, các chuyên gia trong ngành cho rằng nên quy định hàng năm HĐND cấp tỉnh chỉ điều chỉnh kế hoạch sử dụng đất một lần vào cuối năm, không điều chỉnh 6 tháng một lần như hiện nay, gắn với các quy hoạch, ngành, lĩnh vực có nhu cầu sử dụng đất theo hướng tiết kiệm và tối đa hóa giá trị đất. Về nội dung lấy ý kiến nhân dân về quy hoạch, cần quy định chi tiết hình thức, nội dung địa điểm công khai, dưới sự chủ trì của Mặt trận Tổ quốc cấp trên (nơi lấy ý kiến nhân dân) và quy định này phải có tính bắt buộc thực hiện. Bên cạnh nội dung công khai, giải trình thì nhấn mạnh đến nội dung đối thoại. Thông tin về nội dung của quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất ngoài đăng trên trang điện tử chính quyền cấp tỉnh, huyện cần công bố công khai tại UBND cấp xã, nhà văn hóa thôn… Sau khi đã tổng hợp ý kiến nhân dân, tiếp thu và giải trình thì cơ quan có trách nhiệm mới báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét phê duyệt.
Tăng tính công khai và trách nhiệm giải trình sẽ góp phần làm tăng khả năng tiếp cận thông tin về đất đai, giảm cơ hội tham nhũng đối với những người nắm thông tin quy hoạch và những người tiếp tay cho tham nhũng, đồng thời tạo điều kiện cho công tác giám sát cộng đồng có hiệu quả.