Sức bật mới

Giáo dục và đào tạo là quốc sách hàng đầu, là sự nghiệp của Đảng, Nhà nước và của toàn dân. Đầu tư cho giáo dục là đầu tư phát triển, được ưu tiên đi trước trong các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế xã hội.

Giáo dục và đào tạo là quốc sách hàng đầu, là sự nghiệp của Đảng, Nhà nước và của toàn dân. Đầu tư cho giáo dục là đầu tư phát triển, được ưu tiên đi trước trong các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế xã hội.

Quan điểm chỉ đạo đó, một lần nữa, được Đảng ta khẳng định và làm rõ thêm về định hướng, mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp thực hiện qua Nghị quyết Trung ương 8 khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế. Nghị quyết đã được dư luận cả nước quan tâm đón nhận và kỳ vọng sẽ tạo ra sức bật mới trong việc nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài nhằm đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.

Nhìn lại thời gian qua, qua ba lần cải cách và quá trình đổi mới những năm gần đây, giáo dục - đào tạo nước ta đã đạt được nhiều thành tựu, góp phần quan trọng vào thắng lợi của công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Tuy nhiên, giáo dục - đào tạo cũng đã bộc lộ những yếu kém, bất cập, trong đó có những vấn đề gây bức xúc xã hội kéo dài. Hạn chế đó có nguyên nhân do việc thể chế hóa các quan điểm, chủ trương của Đảng và Nhà nước về phát triển giáo dục - đào tạo, nhất là quan điểm “Giáo dục là quốc sách hàng đầu” còn chậm và lúng túng. Mục tiêu giáo dục toàn diện chưa được hiểu và thực hiện đúng. Bệnh hình thức, hư danh, chạy theo bằng cấp… chậm được khắc phục.

Trước tình hình đó, Nghị quyết Trung ương 8 đã xác định đổi mới căn  bản, toàn diện giáo dục và đào tạo là đổi mới những vấn đề lớn, cốt lõi, cấp thiết, từ quan điểm, tư tưởng chỉ đạo đến mục tiêu, nội dung, phương pháp, cơ chế, chính sách, điều kiện bảo đảm thực hiện. Đổi mới từ sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước đến hoạt động quản trị của các cơ sở giáo dục - đào tạo và việc tham gia của gia đình, cộng đồng, xã hội và bản thân người học. Đổi mới ở tất cả các bậc học, ngành học. Trong quá trình đổi mới, cần kế thừa, phát huy những thành tựu, phát triển những nhân tố mới, tiếp thu những kinh nghiệm của thế giới; kiên quyết chấn chỉnh những nhận thức, việc làm lệch lạc. Đổi mới phải bảo đảm tính hệ thống, tầm nhìn dài hạn, phù hợp với từng loại đối tượng và cấp học. Chuyển mạnh quá trình giáo dục từ chủ yếu trang bị kiến thức sang phát triển toàn diện năng lực và phẩm chất người học. Phát triển giáo dục - đào tạo gắn với nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ Tổ quốc, phù hợp quy luật phát triển khách quan và những tiến bộ khoa học công nghệ.

Một trong những mục tiêu của việc đổi mới lần này được nhiều người quan tâm là xây dựng nền giáo dục mở, thực học, thực nghiệp, dạy tốt, học tốt, quản lý tốt; có cơ cấu và phương thức giáo dục hợp lý, gắn với xây dựng xã hội học tập; bảo đảm các điều kiện nâng cao chất lượng; hệ thống được chuẩn hóa, hiện đại hóa, dân chủ hóa, xã hội hóa và hội nhập quốc tế; giữ vững định hướng xã hội chủ nghĩa và bản sắc dân tộc.

Năm 2014 là năm đầu tiên thực hiện nghị quyết quan trọng này. Khởi điểm quan trọng để thực hiện vấn đề quan trọng. Chúng ta có được thuận lợi hết sức to lớn là Đảng, Nhà nước và toàn xã hội đặc biệt quan tâm, chăm lo phát triển giáo dục - đào tạo, mong muốn đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục, tận dụng cơ hội phát triển đất nước trong giai đoạn “cơ cấu dân số vàng” và hội nhập quốc tế mạnh mẽ. Nếu việc triển khai thực hiện nghị quyết được tiến hành một cách khẩn trương, chủ động, sáng tạo thì chắc chắn chúng ta sẽ tạo được chuyển biến căn bản, mạnh mẽ về chất lượng, hiệu quả giáo dục - đào tạo, một sức bật mới trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

SÀI GÒN GIẢI PHÓNG

Tin cùng chuyên mục