Sức hút đến từ công khai, minh bạch

Chỉ số công khai ngân sách quốc gia (OBI) của Việt Nam và Chỉ số công khai ngân sách bộ, cơ quan Trung ương (MOBI) trong năm 2019 vừa công bố cho thấy, Việt Nam đã đạt được những tiến bộ rõ rệt về công khai minh bạch ngân sách cấp quốc gia và cấp bộ, ngành. Các chỉ số ở cả 3 trụ cột: minh bạch ngân sách; sự tham gia của người dân; sự giám sát của Quốc hội và kiểm toán đều được cải thiện, trong đó trụ cột thứ 3 đạt điểm khá cao (72/100 điểm với sự giám sát của Quốc hội và 78/100 điểm với sự giám sát của kiểm toán).

Khảo sát về minh bạch ngân sách là sáng kiến nhằm thúc đẩy công khai minh bạch ngân sách do Tổ chức Quan hệ đối tác ngân sách quốc tế (IBP) tiến hành định kỳ 2 năm/lần kể từ năm 2006 và thực hiện tại hơn 100 quốc gia trên thế giới. Với kết quả lần này, Việt Nam không chỉ tăng 14 bậc so với các quốc gia được khảo sát mà còn vượt lên chính mình. 

Còn nhớ, tháng 3-2018, một thông tin không vui chạy trên nhiều phương tiện thông tin đại chúng: Việt Nam xếp hạng dưới mức trung bình toàn cầu về công khai ngân sách và sự tham gia của công chúng vào các quá trình liên quan đến ngân sách. So với khu vực, ở thời điểm ấy, Việt Nam chỉ đứng trên Myanmar và thua khá xa Philippines hay Indonesia. Trong lần khảo sát này, điều rất đáng lưu ý là OBI năm 2019 tăng tới 23 điểm so với năm 2017. Nhờ đó, Việt Nam đủ điều kiện gia nhập vào Câu lạc bộ Chính phủ Mở, đồng nghĩa với việc được quốc tế công nhận nằm trong nhóm quốc gia có Chính phủ hướng tới công khai minh bạch.

Không khó để thấy kết quả này có nguyên nhân quan trọng là việc áp dụng các quy định của Luật Ngân sách Nhà nước năm 2015 (có hiệu lực từ năm ngân sách 2017), theo đó phạm vi, đối tượng, nội dung và hình thức công khai được mở rộng hơn rất nhiều so với trước đây. Bên cạnh đó, việc công khai số liệu và báo cáo thuyết minh về dự toán ngân sách nhà nước khi Chính phủ trình Quốc hội, kèm theo báo cáo ngân sách công dân với ngôn ngữ đơn giản, dễ hiểu đã tạo cơ hội thuận lợi để người dân thực sự “đọc - hiểu” được thông tin, từ đó quan tâm và tham gia tích cực hơn vào quá trình xây dựng, giám sát ngân sách… Tất nhiên, trong thành quả này không thể không kể đến sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ trưởng, trưởng ngành và chủ tịch UBND các cấp, chính quyền địa phương đối với công tác công khai ngân sách của các bộ ngành, địa phương.

Việc cải thiện chỉ số công khai minh bạch ngân sách được các tổ chức quốc tế ghi nhận và đánh giá cao sẽ góp phần quan trọng trong việc củng cố niềm tin của người dân, doanh nghiệp; tạo ra sự đồng thuận xã hội, đồng thuận giữa người dân và nhà nước từ đó tạo động lực để người dân có ý thức đóng góp tích cực hơn cho ngân sách quốc gia.
Sự công khai, minh bạch nói chung và công khai, minh bạch ngân sách nói riêng đồng thời cũng là yếu tố quan trọng để nhà đầu tư nước ngoài, nhất là các nhà đầu tư nước ngoài chân chính, xem xét khi lựa chọn điểm đến để đầu tư, kinh doanh lâu dài. Điều này càng đặc biệt quan trọng trong bối cảnh kinh tế thế giới đang chứng kiến thời kỳ khó khăn bậc nhất trong hàng thập niên qua; còn ở trong nước, Quốc hội khóa XIV vừa thông qua Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công - tư (PPP) với kỳ vọng khơi dậy và sử dụng nguồn lực nhà nước - tư nhân một cách hiệu quả nhất. Thông tin ngân sách công khai, minh bạch trong quá trình phát triển kinh tế tri thức cũng có thể tạo nên những giá trị gia tăng rất lớn. Ở khía cạnh xã hội, không nghi ngờ gì nữa, công khai và minh bạch là giải pháp quan trọng nhất để phòng, chống tham nhũng, hướng tới một xã hội “dân chủ, công bằng, văn minh” thực sự.

Hy vọng, với những thuận lợi căn bản là Luật Ngân sách 2015, Luật Tiếp cận thông tin 2016 cộng với sức ép cải cách lành mạnh từ các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã trở thành thành viên như EVFTA và EVIPA, chỉ số công khai, minh bạch ngân sách của Việt Nam sẽ tiếp tục bứt tốc ngoạn mục những năm tới.

Tin cùng chuyên mục