Sức mạnh của sự đồng thuận: An cư ở khu tái định cư “kiểu mẫu”

Những khu tái định cư kiểu mẫu với đầy đủ hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, kết hợp hài hòa với khu dân cư hiện hữu đã giúp hàng ngàn bà con diện di dời, nhường đất đai, nhà cửa cho các dự án có thêm động lực ổn định cuộc sống, vươn lên thoát nghèo bền vững.

LTS: Giải phóng mặt bằng, di dân tái định cư là hai trong nhiều nhiệm vụ mà hệ thống chính trị và người dân các tỉnh Thừa Thiên Huế, Quảng Ngãi và Bình Định thực hiện hiệu quả thời gian qua. Qua đó, góp phần thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh trật tự, xây dựng quê hương giàu đẹp.

Những khu tái định cư kiểu mẫu với đầy đủ hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, kết hợp hài hòa với khu dân cư hiện hữu đã giúp hàng ngàn bà con diện di dời, nhường đất đai, nhà cửa cho các dự án có thêm động lực ổn định cuộc sống, vươn lên thoát nghèo bền vững.

Kỳ tích ở An Dũng

Trở lại đại ngàn An Lão, chúng tôi tận mắt thấy và nghe nhiều câu chuyện hay ở huyện miền núi vốn nghèo khó nhất của tỉnh Bình Định. Trong đó, việc di dời 1.800 người (chủ yếu người Hrê) của xã An Dũng để thực hiện công trình thủy lợi hồ Đồng Mít là một kỳ tích.

Ông Đinh Văn Phiên, Chủ tịch UBND xã An Dũng, kể, cuộc dời dân hồ Đồng Mít diễn ra năm 2020, ban đầu gặp rất nhiều cam go do người dân không đồng thuận, nhưng tinh thần là khó chỗ nào tập trung tháo gỡ chỗ đó. “Các buổi vận động diễn ra ban đêm vì ban ngày bà con đều lên nương, lên rẫy. Chính quyền và người dân ngồi lại thảo luận, gỡ từng vấn đề nhỏ nhất, kể cả chuyện đền bù cây dừa, cây mít cũng phải để người dân đồng thuận”, ông Phiên nhớ lại.

Những lớp nhà mới xây tại khu tái định cư của người dân Hrê (huyện An Lão, tỉnh Bình Định). Ảnh: NGỌC OAI
Những lớp nhà mới xây tại khu tái định cư của người dân Hrê (huyện An Lão, tỉnh Bình Định). Ảnh: NGỌC OAI

Già Đinh Văn Đua (83 tuổi, thôn 1, xã An Dũng) là cán bộ cách mạng, người có uy tín trong làng đi đầu nhường đất, dời đi. Cùng với các hộ dân, ông Đua được bố trí 7 lô đất ở (mỗi lô từ 300-400m2) do gia đình ông có 7 người con. Ngoài ra, ông còn được bố trí 3ha đất rẫy, ruộng lúa để canh tác. Đến làng mới, không còn lo chuyện đất đai nên bà con đua nhau xây dựng nhà cửa khang trang. Số tiền bà con có được để xây nhà, mua sắm là nhờ vào việc đền bù, giải tỏa. Chẳng mấy chốc, các lớp nhà mới dần phủ kín 3 phân khu tái định cư (TĐC), tạo nên đô thị mới kiên cố giữa đại ngàn. Làng mới gần trung tâm huyện nên các em học sinh học lên cấp 2, 3 không cần ở lại bán trú như trước mà đi về thuận lợi. Từ đây, nhiều ngành nghề dịch vụ mới hình thành, nhiều hộ mở hàng quán, tăng gia sản xuất, chăn nuôi mở rộng đàn gia súc nên đời sống dần nâng cao.

“Bây giờ, làng thoát khỏi cảnh biệt lập sâu trong hốc núi. Mùa mưa không còn lo sạt lở, lũ quét, đường sá bị cuốn trôi cô lập làng nữa rồi, mừng lắm”, già Đua nói.

“Trả nợ” cho di sản

Trước đây, mỗi lần đến khu vực 1 di tích Kinh thành Huế, chúng tôi lại chứng kiến sự mòn mỏi của bao thế hệ người dân về nơi ăn, chốn ở. Oái oăm, nhiều gia đình sinh sống ở đây 2-3 thế hệ, mưu sinh đủ nghề, rồi sinh con đẻ cái, khiến Thượng Thành (di tích Kinh thành Huế được UNESCO công nhận là Di sản thế giới từ năm 1993) như “ổ chuột”, trong khi cuộc sống người dân đa phần đều khó khăn. Tuy nhiên, sau gần 4 năm (2019-2023) triển khai Dự án di dời dân cư, giải phóng mặt bằng khu vực 1 di tích Kinh thành Huế, hơn 5.000 hộ đã được bố trí đất tại khu TĐC Hương Sơ (TP Huế ) với đầy đủ cơ sở hạ tầng, điện, đường, trường, trạm để xây dựng nhà cửa mới khang trang, cuộc sống bước sang trang mới.

Ông Phan Ngọc Thọ, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế, cho biết, song song với việc thực hiện Dự án di dời dân cư, giải phóng mặt bằng khu vực 1 di tích Kinh thành Huế, công tác bảo tồn, trùng tu, tôn tạo các yếu tố gốc của di tích trên cơ sở hồ sơ, tư liệu lịch sử đang được địa phương gấp rút triển khai. Qua đó, góp phần vào quá trình hồi sinh diện mạo bề thế của quần thể di tích Cố đô Huế.

Anh Thái Văn Bửu dẫn chúng tôi tham quan ngôi nhà mới xây tươm tất của mình, niềm vui hiện rõ trên khuôn mặt khắc khổ. Đây là 1 trong số 25 nhà liền kề mà chính quyền tỉnh Thừa Thiên Huế huy động từ nhiều nguồn, xây tặng các hộ dân nghèo thuộc diện di dời ra khỏi Thượng Thành đến khu TĐC Hương Sơ, trị giá 220 triệu đồng/ căn.

Anh Bửu cho biết: “Ngày rời nhà cũ, thực chất là túp lều xiêu vẹo cỡ chục mét vuông, lửng lơ trên Thượng Thành, khi đến nhận chìa khóa nhà mới mà tôi cứ ngỡ giấc mơ. Nhà rộng 60m2, hạ tầng điện, nước, cáp quang đầy đủ. Phía trước nhà, hàng cây xanh mới trồng đâm chồi như chào đón những cư dân mới với tâm nguyện an cư lập nghiệp”, anh Bửu khoe.

Chưa dừng lại, một số hộ dân vướng cơ chế, chính sách trong giải tỏa đền bù cũng được các cơ quan chức năng linh hoạt giải quyết. Như gia đình ông Phan Minh Dũng, trú 35/6 đường Xuân 68, phường Thuận Lộc là hộ dân không thuộc diện bố trí đất. Giải tỏa mối lo của ông Dũng, sau khi rà soát và các quy định khung chính sách được điều chỉnh, bổ sung, Trung tâm Phát triển quỹ đất TP Huế đã bố trí đất TĐC cho gia đình ông.

“Việc làm này thể hiện sự quan tâm của chính quyền, lo lắng cho người dân, thực hiện chính sách minh bạch, rõ ràng, tạo niềm tin cho chúng tôi”, ông Phan Minh Dũng cảm kích.

Giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất TP Huế Nguyễn Anh Tuấn thông tin, để thực hiện di dời dân cư, giải phóng mặt bằng, tỉnh Thừa Thiên Huế xây dựng kế hoạch cụ thể và được Chính phủ phê duyệt một chính sách đặc biệt. Khung chính sách kèm nhiều chế độ ưu đãi có lợi cho các hộ diện di dời, như: hỗ trợ chuyển đổi nghề và tìm kiếm việc làm, tiền thuê nhà ở tạm cư, hỗ trợ đối tượng chính sách, hộ nghèo/ cận nghèo, hỗ trợ di chuyển chỗ ở và bàn giao mặt bằng đúng tiến độ... Đây là bước đột phá giúp địa phương giải quyết điểm nghẽn về cơ chế, chính sách kéo dài nhiều năm qua. Giờ đây, những xóm nhỏ cheo leo, nép mình bên những mảnh tường thuộc di tích Kinh thành Huế đã là ký ức. Một cuộc sống tươi mới, xán lạn hơn đang hiện hữu tại khu TĐC của những gia đình trả lại đất cho di sản Huế.

Nhờ người dân đồng thuận, công trình hồ chứa Đồng Mít vốn đầu tư 2.140 tỷ đồng được triển khai, cung cấp nguồn nước sinh hoạt cho 276.000 người dân, phục vụ tưới tiêu 6.742ha đất canh tác vùng hạ du huyện An Lão, Hoài Ân và thị xã Hoài Nhơn cùng các vùng hạn nặng phía Bắc huyện Phù Mỹ.

“Mấu chốt di dời được gần 2.000 dân hồ Đồng Mít chỉ trong vài tháng là quá trình dân vận sát sườn, đi sâu vào lòng dân để dân hiểu, tin tưởng và đồng thuận. Ở đây, vai trò cán bộ, đảng viên cơ sở và người uy tín là rất quan trọng trong dân. Bên cạnh đó, việc công khai chính sách đền bù hỗ trợ, công bằng, nhân văn với tất cả mọi người đã thuyết phục được người dân”, Phó Chủ tịch UBND huyện An Lão Đỗ Tùng Lâm đúc kết.

Tin cùng chuyên mục