Sức sống đảo xa - Bài 1: Phú Quốc - địa thế lòng dân

Cùng sự chuyển mình rất lớn của huyện đảo Phú Quốc (Kiên Giang) với hàng loạt công trình hạ tầng kỹ thuật đang trong giai đoạn hoàn tất, những người con Phú Quốc đang góp phần không nhỏ tạo nên sự khác biệt để “Đảo Ngọc” phía cực Nam này trở thành thiên đường du lịch, trung tâm giao thương quốc tế, cửa ngõ đường biển quan trọng của đất nước.
Sức sống đảo xa - Bài 1: Phú Quốc - địa thế lòng dân

Cùng sự chuyển mình rất lớn của huyện đảo Phú Quốc (Kiên Giang) với hàng loạt công trình hạ tầng kỹ thuật đang trong giai đoạn hoàn tất, những người con Phú Quốc đang góp phần không nhỏ tạo nên sự khác biệt để “Đảo Ngọc” phía cực Nam này trở thành thiên đường du lịch, trung tâm giao thương quốc tế, cửa ngõ đường biển quan trọng của đất nước.

  • Thiên đường du lịch không xa

Với tâm trạng phấn chấn khi đã “gạn đục” được những nhà đầu tư “mượn đầu heo nấu cháo” nhằm xí phần, dành đất, Bí thư Huyện ủy Phú Quốc Văn Hà Phong cho biết: “Đến nay, tất cả 13 khu du lịch trên đảo đã hoàn tất quy hoạch 1/2000, nhiều khu đã cho phép lập quy hoạch 1/500.

Để tránh tình trạng “xé nát” Phú Quốc, chúng tôi không giao đất cho các nhà đầu tư khi chưa hoàn tất các thủ tục theo quy trình”. Nhờ đường đến trung tâm đô thị các nước Đông Nam Á gần nhất so với bất kỳ nơi nào ở nước ta, nhờ chất lượng nước biển và bãi cát ven biển tuyệt hảo, Phú Quốc đã thu hút được nguồn vốn đầu tư rất lớn phục vụ phát triển du lịch, thương mại, đô thị. Đến nay, có 52 dự án được cấp phép đầu tư vào Phú Quốc với tổng vốn đăng ký hơn 43.000 tỷ đồng. Trong số này có 7 dự án về du lịch đã đi vào hoạt động như: Berjaya Long Beach, Veranda, Cataco, Miramar…

Ngày 11-5-2010, Thủ tướng ban hành Quyết định số 633/QĐ-TTg phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng huyện đảo Phú Quốc đến năm 2030. Theo đó, mục tiêu sẽ xây dựng Phú Quốc hài hòa giữa phát triển kinh tế với bảo tồn di tích lịch sử, văn hóa và bảo vệ môi trường; bảo đảm an ninh quốc phòng vùng và quốc gia. Từng bước xây dựng Phú Quốc trở thành một thành phố biển đảo, trung tâm du lịch và dịch vụ cao cấp; trung tâm khoa học công nghệ của quốc gia và khu vực Đông Nam Á.

Thời gian qua, lãnh đạo tỉnh và huyện đặc biệt chú trọng kêu gọi đầu tư bảo tồn, phát huy thế mạnh, đặc trưng vốn có của đảo. Dự án Bảo tồn và nghiên cứu phát triển cây sim rừng Phú Quốc trên diện tích 200 ha tại xã Hàm Ninh nằm trong sự đặc biệt ấy.

Với hơn 30 năm gắn bó Phú Quốc, nhà đầu tư Trịnh Công Phát cho rằng: Để Phú Quốc thật sự trở thành “thiên đường hạ giới”, cần có những sản phẩm du lịch đặc trưng từ các đặc sản nơi đây như trái sim, hoa sim…

Ông Phát bộc bạch: “Vùng sim chất lượng cao trên đảo đang bị thu hẹp nghiêm trọng, nên việc bảo tồn rừng sim phục vụ phát triển du lịch, kết hợp với nâng cao thu nhập cho người dân là rất cấp thiết. Do vậy, bên cạnh việc đầu tư dây chuyền sản suất rượu, trà, xirô… từ sim rừng Phú Quốc từ trước, chúng tôi sẽ thành lập trung tâm nghiên cứu và phát triển cây sim rừng, xây dựng mô hình trồng sim trên đất rừng, đất vườn, chuyển giao công nghệ, giống, phân bón cho người dân và đảm nhận bao tiêu toàn bộ sản phẩm”.  

Sinh trưởng trong gia đình có 3 đời gắn bó với Phú Quốc, anh Huỳnh Phước Huệ thể hiện sự tâm huyết với quê nhà bằng một cách khá độc đáo: Xây dựng bảo tàng tư nhân mang tên “Cội nguồn Phú Quốc” trưng bày hơn 2.000 hiện vật sau gần 18 năm sưu tầm, phục chế, bảo tồn những giá trị của Phú Quốc sau hơn 300 năm khai phá.

Theo nhiều chuyên gia, về giá trị vật chất có thể tính số hiện vật trên bằng tiền nhưng xét ở góc độ giá trị tinh thần, lịch sử, khoa học thì quả là… vô giá. Đơn giản vì trong số này, Hội đồng Thẩm định cổ vật (Sở VH- TT- DL Kiên Giang) xác định có đến 1.120 cổ vật, với bộ rìu đá khoảng 3.500 năm tuổi. Hay như bộ xương Dugong (bò biển) 0,5 tấn mà anh Huệ quyết tâm giữ lại làm tài sản cho đảo, không xao lòng trước trước bao lời dạm mua đường mật của các nhà buôn lắm tiền…

“Độc quyền” hơn, bảo tàng lưu giữ một hiện vật của Anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực: mảnh chiến thuyền mà ông dùng trong các trận đánh chìm tàu Pháp ở khu vực ấp Ba Trại, xã Cửa Cạn. Nên không khó hiểu khi hơn 80% du khách đến Phú Quốc thường chọn bảo tàng làm điểm dừng chân bắt buộc.

Chứng kiến những biến chuyển mạnh mẽ của đảo ngọc Phú Quốc, nhiều người tin rằng đích đến thiên đường du lịch không còn xa!

Sản xuất nước mắm Phú Quốc, thương hiệu vươn tầm thế giới. Ảnh: B. ĐẠI

Sản xuất nước mắm Phú Quốc, thương hiệu vươn tầm thế giới. Ảnh: B. ĐẠI

  • Trợ lực nghề đặc trưng

Đến Phú Quốc vào trung tuần tháng 4 Âm lịch, sông Dương Đông ken cứng tàu thuyền. Ngư dân đang hối hả chuẩn bị nhiên liệu, ngư cụ, nhu yếu phẩm… cho một chuyến ra khơi ngay mùa đánh bắt. Với hơn 30 năm trong nghề đánh bắt cá cơm làm nguyên liệu sản xuất nước mắm Phú Quốc cùng đội tàu 4 chiếc đánh bắt xa bờ, lão ngư Nguyễn Văn Đức (Bảy Đức) tâm sự: “Làm nghề bây giờ khó hơn trước nhiều lắm. Chi phí đánh bắt tăng cao nhưng sản lượng đang cạn kiệt, lượng tàu khai thác ngày một đông. Để trụ lại được với nghề, mình phải tự liên kết theo nhóm (đối với những phương tiện cùng loại hình đánh bắt) để giảm bớt chi phí, hỗ trợ lẫn nhau. Khi đánh ngoài biển vào mùa khai thác, lượng cá nhiều thì cử 1-2 tàu chở đi bán. Các tàu còn lại tiếp tục bám biển khai thác. Tàu trong nhóm cùng đi chiếc nào phát hiện luồng cá thì cho hay hoặc có các trường hợp bất đắc dĩ như gặp gió bão, thậm chí hải tặc, phải cùng ứng cứu”.

Nhiều ngư dân cho biết, hiện họ còn khó khăn về vốn, mỗi chuyến ra khơi phải vay nóng bên ngoài (thường là các chủ thu mua) cả trăm triệu đồng với lãi suất cao, nên đến lúc bán thường bị ép giá. Huyện Phú Quốc có lượng tàu khai thác hải sản “hùng mạnh” nhất tỉnh Kiên Giang với hơn 3.300 chiếc, tổng công suất 145.000CV, sản lượng khai thác 90.000-100.000 tấn/năm. Tuy nhiên đa số là phương tiện nhỏ, khai thác ven bờ, chỉ có 550 tàu công suất hơn 45CV trở lên.

Ông Nguyễn Minh Trực, Trưởng phòng Kinh tế huyện Phú Quốc, cho biết: Trước nguy cơ cạn kiệt nguồn nguyên liệu, chúng tôi đang thực hiện chủ trương hỗ trợ vốn để ngư dân hiện đại hóa các đội tàu cá, tái cơ cấu tổ chức để khai thác theo hướng vươn ra xa bờ.

Thế mạnh thứ hai mang nét đặc trưng độc đáo của huyện đảo này đang phát huy tốt, với thương hiệu ngày càng vươn ra thế giới là nghề sản xuất nước mắm Phú Quốc. Toàn huyện có hơn 100 nhà thùng sản xuất hơn 10 triệu lít nước mắm/năm. Trong quy hoạch phát triển, đảo đã dành 2 khu vực tập trung cho làng nghề sản xuất nước mắm tại khu vực Bến Tràm (dành cho các nhà thùng ở Dương Đông) và Cầu Sấu (phục vụ các cơ sở ở An Thới). Ngoài ra, trong quy hoạch phát triển, Phú Quốc cũng quyết tâm giữ lại, đầu tư chiều sâu cho 500 ha tiêu đặc sản nổi tiếng, gắn với hoạt động du lịch

Bình Đại

Đột phá về cơ sở hạ tầng

Những ngày này, đặt chân đến Phú Quốc, nhiều người sẽ cảm nhận ra sự chuyển mình rất lớn từ hàng loạt công trình hạ tầng đang trong giai đoạn nước rút như: Cảng hàng không quốc tế Phú Quốc hơn 900 ha, hệ thống đường vòng quanh đảo, trục đường chính, trục Bắc- Nam… Đặc biệt, Cảng biển quốc tế An Thới sẽ được đưa vào khai thác trong quý 3-2010. Chủ tịch UBND huyện Phạm Vũ Hồng phấn khởi nói: Chậm nhất là đến tháng 6-2012, nhiều công trình quan trọng sẽ đưa vào hoạt động như sân bay quốc tế, dự án cáp ngầm cung cấp điện xuyên biển Hà Tiên- Phú Quốc, nhà máy nước…

Tin cùng chuyên mục