Cách TP Phan Thiết khoảng 120km, cư dân huyện đảo Phú Quý (có diện tích khoảng 18km², thuộc tỉnh Bình Thuận), thường xuyên đối mặt với sóng to, gió lớn, bền chí đồng lòng sống chung với sự khắc nghiệt của thiên nhiên bao đời qua. Diện mạo Phú Quý đang từng ngày đổi thay, người dân huyện đảo luôn khát vọng làm giàu để xây dựng, bảo vệ Tổ quốc.
Sức mạnh cộng đồng
Do nằm biệt lập với đất liền, nên từ xưa đến nay người dân Phú Quý chủ yếu lấy biển làm nơi mưu sinh. Gắn bó với biển từ nhỏ, nên hầu hết lao động biển nơi đây đều rất hiểu biển và rất giỏi nghề đánh bắt thủy sản khơi xa, tới tận quần đảo Trường Sa. Không chỉ giỏi chịu đựng sóng to, gió lớn trên thuyền, nhiều người có thể trầm mình hàng buổi dưới nước kiếm sống. Dẫu thế, sức người vẫn nhỏ bé giữa biển khơi nên sự liên kết cộng đồng để cùng mưu sinh, hỗ trợ nhau như một lẽ tự nhiên từ xa xưa của cư dân trên đảo này.
Do vậy, khi có điều kiện sắm tàu to, máy lớn, vươn ra khơi xa trên vùng biển của Tổ quốc, ngư dân ở đảo đã liên kết thành các tổ đánh bắt thủy hải sản. Rõ nhất là từ đầu năm 2008, khi tỉnh Bình Thuận chủ trương xây dựng các tổ đoàn kết khai thác hải sản trên biển (gọi tắt là tổ đoàn kết - PV) trong toàn tỉnh, bà con Phú Quý hưởng ứng cái rụp. Bốn tiêu chí cơ bản làm cơ sở để xây dựng, thành lập các tổ đoàn kết là cùng nghề, cùng ngư trường, cùng địa bàn cư trú và cùng dòng họ, thân thích với nhau.
Ông Tý nhớ lại, cuối năm 2008 (thời điểm thường có gió lớn trên biển), ngư dân của tổ đoàn kết trên đường tìm nơi trú gió, đã cùng nhau giúp một tàu cá ở Cam Ranh hỏng máy vào nơi an toàn. Ngoài ra, mỗi khi ra biển, các tàu thuyền ở Phú Quý đều có những cam kết (bằng hợp đồng) với Đồn Biên phòng cửa khẩu cảng Phú Quý về vấn đề bảo đảm thông tin liên lạc. Hợp đồng quy định rõ việc thông tin liên lạc giữa hai bên phải được cập nhật thường xuyên phòng ngừa khi có tình huống khẩn. “Nhờ sự đoàn kết chặt chẽ, chúng tôi rất yên tâm mỗi khi ra biển, không sợ bất cứ một lực lượng chống phá nào”- ngư dân Lê Hải Minh, xã Tam Thanh, tâm sự. |
Tất nhiên, việc hình thành nên các tổ này là do từng tàu cá, từng lao động tự nguyện cam kết gắn bó, thực hiện theo quy chế chung. Mục đích chính của chủ trương này nhằm phát huy tinh thần tương trợ, giúp đỡ lẫn nhau của các thành viên ở từng tổ trong khai thác hải sản; tiêu thụ sản phẩm; kinh nghiệm sản xuất, phòng chống thiên tai, tai nạn, cứu hộ, cứu nạn và đấu tranh với các hành vi vi phạm chủ quyền… Từ khi có chủ trương đến nay, 3 xã đảo Tam Thanh, Ngũ Phụng, Long Hải đã thành lập được 68 tổ đoàn kết gồm 412 tàu cá và khoảng 3.200 ngư dân.
Là một thành viên của Tổ đoàn kết số 5 ở xã Long Hải, lão ngư Nguyễn Văn Tý cho biết, tổ đoàn kết của ông có 7 thuyền câu mực với 25 ngư dân. Mỗi lần xuất bến, thuyền phải đi 60 - 70 hải lý về hướng Nam tìm nguồn mực. Khoảng một tuần, các thuyền trong tổ dồn sản phẩm cho 2 thuyền chạy vào đất liền bán, rồi lấy đá lạnh, dầu máy, lương thực, thực phẩm mang ra lại cho các thuyền đang bám biển. Nhờ làm tốt công tác này, lúc thời tiết tốt, thời gian bám biển của tổ kéo dài cả tháng, vừa giảm được chi phí sản xuất, vừa tăng sản lượng hải sản khai thác - tất nhiên thu nhập cũng tăng thêm đáng kể... Nhờ đó, bất chấp thời tiết xấu, những cơn áp thấp nhiệt đới mang theo gió lớn như muốn nuốt chững đội thuyền, các ngư dân vẫn vững chãi tinh thần tương thân, tương ái để chống chọi với thiên tai.
Trăn trở
Vấn đề ngư dân Phú Quý đang quan tâm nhất chính là việc xây dựng một âu neo đậu tàu thuyền trên đảo để đảm bảo an toàn tài sản của bà con. Ông Phạm Mạnh Hải (xã Long Hải) âu lo: Bấy lâu nay, việc neo đậu tàu thuyền được di chuyển theo mùa, theo cơn gió. Vào các mùa gió lớn, chúng tôi chỉ biết kéo tàu thuyền lên bờ để trú ẩn, những tàu có công suất lớn thường chạy thẳng vào đất liền neo đậu nên rất nguy hiểm.
Trong cơn bão số 9 vào cuối năm 2006, do không có chỗ neo đậu nên hàng trăm tàu thuyền bị hư hỏng, bị đánh chìm. Đó là chưa kể cả ngàn chiếc thuyền được các lực lượng vũ trang kịp thời sơ tán. Rồi khi áp thấp nhiệt đới hay những cơn gió lớn đi qua, việc đưa các tàu thuyền trên bờ xuống lại biển cũng rất khó khăn, tốn kém.
Ông Nguyễn Văn Trị, Phó Chủ tịch UBND huyện đảo Phú Quý, cho biết: Trong chiến lược phát triển kinh tế của huyện, chúng tôi vẫn chọn đánh bắt, nuôi trồng và chế biến thủy hải sản là ngành kinh tế mũi nhọn. Do vậy, nhu cầu về xây dựng các trung tâm hậu cần nghề cá, đặc biệt các cụm công nghiệp chế biến hải sản và các dịch vụ như kho xăng dầu trung chuyển, hệ thống điện, nước ngọt… trên địa bàn huyện là hết sức cần thiết. Năm 2009, tổng sản lượng đánh bắt thủy sản hơn 21.000 tấn, kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng này đạt khoảng 3,5 triệu USD.
Tuy nhiên, các mặt hàng này chỉ mới qua sơ chế, nên chênh lệch giá khá lớn (khoảng 12-15%). Hiện nay, trên địa bàn Phú Quý có gần 100 chiếc tàu công suất lớn (trong số gần 1.400 thuyền đánh bắt hải sản) chuyên đi thu mua hải sản trên biển. Đây là điều kiện thuận lợi giúp ngư dân bán ngay hải sản trên biển và có thêm thời gian bám biển để tăng năng suất đánh bắt. Tuy nhiên, lợi nhuận của ngư dân vẫn không tăng là bao vì các tàu thu mua nhiên liệu, thực phẩm chở ra cung ứng cho bà con với giá khá cao. Do đó, theo ông Nguyễn Văn Trị, để nâng tầm giá trị hải sản đánh bắt được, tốt nhất là xây dựng các cụm công nghiệp chế biến trên đảo cùng với các trung tâm đầu mối thu mua tập trung.
Hiện Phú Quý đã có tên trên bản đồ thế giới về hệ thống cảng biển, có thể đón tàu hàng ngàn tấn, một thuận lợi lớn cho việc chế biến và xuất khẩu hải sản đi các nước trên thế giới. Là điểm gần với huyện đảo Trường Sa nhất, nên việc xây dựng một số kho xăng dầu trung chuyển trên đảo không chỉ giúp Phú Quý phát triển mà còn rất thuận tiện để cung ứng nguyên liệu cho Trường Sa… Chỉ có như thế, Phú Quý mới thêm cơ hội tăng tốc.
Thượng tá Ngô Xuân Bờ, Chính trị viên Đồn Biên phòng Cửa khẩu cảng Phú Quý, tâm sự: “Hàng năm, ngư dân và các lực lượng vũ trang trên đảo gặp rất nhiều khó khăn mỗi khi gió lớn và bão về. Thậm chí, vào mùa gió lớn, có thêm hàng trăm tàu thuyền đánh bắt xa bờ của các tỉnh lân cận vào Phú Quý để trú, nên việc xây dựng các âu neo đậu càng sớm càng đỡ thiệt hại cho dân. Đáng mừng là Chính phủ vừa đầu tư xây dựng một trung tâm cứu hộ, cứu nạn trên đảo, dự kiến năm tới sẽ đưa vào sử dụng. Chắc chắn khi đó, việc cứu hộ, cứu nạn sẽ thuận lợi hơn khi được trang bị một chiếc tàu không hạn chế sức gió. Dù vậy, ước nguyện căn cơ nhất của ngư dân và chúng tôi là sớm có chỗ neo đậu tàu thuyền thật sự an toàn. Bộ NN-PTNT vừa khảo sát tính chuyện xây dựng một âu neo đậu có sức chứa khoảng 1.000 tàu thuyền cho Phú Quý (ở xã Tam Thanh). Mong sao dự án sẽ sớm được triển khai”. |
VĂN NGỌC
>> Sức sống đảo xa - Bài 1: Phú Quốc - địa thế lòng dân