Sức sống đảo xa - Bài 3: Lý Sơn vững vàng bám biển

Sức sống đảo xa - Bài 3: Lý Sơn vững vàng bám biển

Từ hơn 200 năm trước, nơi đây đã sản sinh ra đội hùng binh Hoàng Sa vâng mệnh chúa Nguyễn giong buồm ra khơi khẳng định chủ quyền của nước nhà trên Biển Đông. Trải qua bao biến thiên của lịch sử, khốc liệt của thiên nhiên, ngày nay nối tiếp truyền thống cha ông, những cư dân huyện đảo Lý Sơn từ ghe thuyền thô sơ đến tàu công suất lớn vẫn vững vàng bám đảo, bám biển để tồn tại, vươn lên và phát triển mạnh mẽ.

“Mở” biển

Cách đất liền trên 30 km, Cù lao Ré - nay là huyện đảo Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi như một con tàu khổng lồ nhấp nhô trên mặt nước. Với diện tích gần 10km2, gồm 3 xã đảo An Hải, An Vĩnh, An Bình, huyện đảo này đang là nơi cư trú, làm ăn, sinh sống của hơn 21.000 người. 

Giữa bao la đại dương, Lý Sơn thường xuyên đối mặt với nhiều mối hiểm nguy rình rập, nhất là thiên tai. Có lẽ chính sự khắc nghiệt của bão tố phong ba, trọng yếu về vị trí địa lý đã hình thành nên đội hùng binh Hoàng Sa chinh phục biển khơi, mở cõi và cắm mốc chủ quyền của Việt Nam tại quần đảo Hoàng Sa.

Sức sống đảo xa - Bài 3: Lý Sơn vững vàng bám biển ảnh 1

Lão ngư Dương Chính kể lại những gian truân trong quá trình tìm kiếm ngư trường ở Hoàng Sa. Ảnh: HÀ MINH

“Cha ông đã mở cõi, thế hệ tiếp nối phải tiếp bước giữ gìn để khẳng định chủ quyền thiêng liêng của đất nước. Những đội tàu lớn nhỏ vẫn ngày đêm bám biển Hoàng Sa - Trường Sa đánh bắt thủy hải sản, cũng là khẳng định vùng biển, chủ quyền của Việt Nam” - lão ngư Dương Chính, ở thôn Đông, xã An Hải, chia sẻ. Với hơn 30 năm đi biển, trong đó có trên 20 năm vẫy vùng, ngang dọc khắp ngư trường Hoàng Sa, người được coi là thủ lĩnh tiên phong ra Hoàng Sa này bộc bạch: “Hơn 25 năm trước, đảo Lý Sơn chỉ có tàu thuyền công suất nhỏ, phương tiện thô sơ, ngư dân chỉ đánh bắt ven bờ nên nguồn hải sản dần cạn kiệt, cuộc sống khốn khó. Sau nhiều đêm thao thức, tui quyết tâm “mở” biển, đưa tàu cá về phía Hoàng Sa”.

Năm 1984, với 3 tàu cá, công suất chỉ 33CV, ông Chính lần tìm trên hải đồ, chấm từng tọa độ, đo tỷ lệ xích để ngày 9-6-1987, tàu mang các số hiệu QNg-071 TS, QNg-072 TS và QNg-073 TS với 40 ngư dân, trong đó tàu QNg-071 TS do ông trực tiếp cầm lái “đạp luồng sóng giữ” nhằm hướng Hoàng Sa trực chỉ. Hơn 10 ngày sau, 3 chiếc tàu lừng lững quay về, trên khoang đầy ắp sản vật đại dương trong sự ngưỡng mộ và hân hoan của những cư dân trên đảo. Chuyến xuất phát ra ngư trường Hoàng Sa thành công của ông đã khai phá một “con đường tơ lụa trên biển” cho ngư dân Lý Sơn làm giàu. “Từ 3 chiếc tàu đầu tiên ấy, Lý Sơn bây giờ đã có đội tàu hơn 400 chiếc. Trong đó có trên 100 chiếc từ 100CV trở lên trang bị thiết bị liên lạc, đánh bắt hiện đại, tiên tiến, luôn ẩn hiện trên các vùng biển của đất nước, khai thác sản vật để hàng năm đóng góp ngân sách huyện gần 200 tỷ đồng. Nhiều gia đình nhờ vậy thoát nghèo, vươn lên làm giàu nên mức sống trên đảo hiện rất khấm khá, bình quân trên 1 triệu đồng/người/tháng” - Chủ tịch UBND huyện đảo Lý Sơn Võ Xuân Huyện tự hào.

Và “khát” biển

“Mỗi ngư dân là một chiến sĩ, mỗi chiếc tàu là một pháo đài giữa biển khơi. Những chiến sĩ trên pháo đài với lá cờ Tổ quốc tung bay đi đến đâu chính là khẳng định chủ quyền của nước ta đến đó. Chúng tôi cũng đã nỗ lực tạo mọi điều kiện để ngư dân tiếp tục vươn khơi bám biển, giữ chủ quyền. Rất mong một chính sách vĩ mô của Chính phủ tiếp thêm sức cho chương trình đánh bắt xa bờ của Lý Sơn”- Chủ tịch UBND huyện Võ Xuân Huyện mong mỏi.

Người chứng kiến những thay da đổi thịt rõ rệt nhất của Lý Sơn cũng chính là Chủ tịch Võ Xuân Huyện. Sinh ra ở Lý Sơn, gần 50 năm thức ngủ cùng quê hương, đã gần qua 2 nhiệm kỳ làm chủ tịch huyện nên ông cảm nhận một Lý Sơn vững chãi giữa biển khơi vươn mình lên mạnh mẽ. “30 năm trước, chưa có thuyền chạy bằng động cơ, muốn từ đảo vào đất liền, phương tiện duy nhất là chiếc ghe chèo nửa ngày mới tới. Ghe thì thủng, nước biển cứ sùi bên trong. Người chèo, người tát nước.

Không biết đã bao lần đi gặp gió lớn, ghe xoay tròn cứ muốn lật úp, số phận người ngồi trên ghe thật mỏng manh”- ông thoáng rùng mình khi nhớ lại những khoảnh khắc không quên đó. Rồi nét mặt ông giãn ra: “Bây giờ chỉ cần ngồi trên tàu cao tốc 1 giờ là bước chân lên đất liền hay ra tới đảo”. 3 chiếc tàu cao tốc trị giá gần 50 tỷ đồng của tỉnh Quảng Ngãi và tư nhân đầu tư vẫn đều đặn xuất bến lúc 8 giờ sáng hàng ngày vận chuyển hành khách, lương thực, thực phẩm vào - ra Lý Sơn hơn 3 năm qua, như minh chứng đầu tiên cho những thay da đổi thịt của hòn đảo này.

Trên 20 km đường nhựa phẳng lì chạy ngang qua những khu dân cư, cánh đồng bắp xanh biêng biếc như kéo những tấm lòng của người dân Lý Sơn gần hơn. “Nay mai con đường cơ động dài gần 6 km từ đầu đến cuối đảo thông suốt, sẽ cơ bản giải quyết vấn đề hạ tầng giao thông phục vụ kinh tế, xã hội và an ninh quốc phòng. Vũng neo đậu tàu thuyền đã hoàn thành phục vụ cho những phương tiện đánh bắt của địa phương cũng như các tỉnh lân cận tránh trú tại chỗ khi có gió bão đã tiết kiệm hàng chục tỷ đồng của ngư dân thay vì phải chạy vào đất liền. Cầu cảng Bến Đình, cảng hàng hóa và dịch vụ, các hồ chứa nước, âu thuyền cứu hộ cứu nạn được đầu tư sẽ biến Lý Sơn thành nơi an toàn và tin cậy khi xảy ra sự cố trên biển…”- như một kiến trúc sư, ông Huyện khái quát một bức tranh về Lý Sơn bề thế trong tương lai.

Dĩ nhiên, khó khăn lớn nhất hiện nay với người dân trên đảo vẫn là điện sinh hoạt. Hiện trên đảo có một máy phát 1,7 MW chạy bằng dầu diezel nên chỉ cấp điện cho dân lúc 17 giờ đến 23 giờ hàng ngày. “Vậy còn dự án nhiệt điện Lý Sơn do Tập đoàn Than- khoáng sản Việt Nam làm chủ đầu tư, có vốn trên 237 tỷ đồng ra sao?”- chúng tôi thắc mắc. Ông Huyện trầm ngâm: Dự án dự kiến hoàn thành vào năm 2011 nhưng hiện mới… san lấp mặt bằng. Ngừng một lát, ông Huyện nói tiếp: Chí ít điện đã có hướng ra, nhưng còn một mối lo nữa cho ngư dân là hiểm nguy rình rập khi họ bám biển.

Mối lo mà chủ tịch UBND huyện đang băn khoăn được lão ngư Dương Văn Thọ, xã An Hải, tiết lộ: “Đã bao đời qua, dù có lúc bão tố phong tỏa, cô lập Lý Sơn, đời sống người dân khổ cực, nhưng chúng tui vẫn không rời đảo, rời biển bởi từ sâu trong tiềm thức, đây là mảnh đất cha ông, “phía ấy” là chủ quyền của đất nước. Bây giờ ngoài lo thiên tai, còn lo bị các tàu nước ngoài bắt giữ, phạt tiền và tịch thu tài sản.

10 năm qua, hơn 100 tàu, với hàng tỷ đồng đã bị thiệt hại chính từ những mối đe dọa đang hiện hữu đó”. “Rồi có bám biển nữa không?”. “Biển là hơi thở, là nguồn sống, là quê hương và là chủ quyền của nước ta, phải bám biển, giữ biển chứ”- lão ngư Dương Lúa, xã An Hải, khẳng định. Khát vọng bám biển, giữ biển của những ngư dân Lý Sơn cũng như miền Trung đã dần hiện rõ khi những đội tàu được thành lập từ 10 chiếc trở lên cùng xuất phát, cùng đánh bắt, cùng bảo vệ nhau khi xảy ra hiểm nguy.

“Sự có mặt của những ngư dân trên Biển Đông, không đơn thuần là kiếm kế sinh nhai. Chúng tôi mong Nhà nước hỗ trợ tiền dầu, cho vay vốn để nâng công suất tàu thuyền, trang bị ngư lưới cụ. Đặc biệt là máy tầm ngư để khi đánh bắt xa bờ được dài ngày, sớm phát hiện các mối đe dọa đểø phòng tránh”- thủ lĩnh Dương Chính chia sẻ với trăn trở lớn nhất của các ngư dân.

Khi đó, dù hiểm nguy rình rập nhưng lúc bình minh lên hay hoàng hôn ập đến, những mũi tàu vẫn xé nước ra khơi, khẳng định chủ quyền Tổ quốc chốn hải đảo khơi xa.

Cù lao Chàm: Thiên thai cõi trần

Được biết đến như chốn thiên thai giữa cõi trần Việt Nam từ lâu, nhưng mãi đến ngày 26-5-2009, Cù lao Chàm (xã đảo Tân Hiệp, TP Hội An, tỉnh Quảng Nam) mới chính thức trình làng dung nhan của một khu dự trữ sinh quyển thế giới theo quyết định của Ủy ban Điều phối quốc tế Chương trình con người và sinh quyển (MAB thuộc UNESCO).

Như làn tóc thiếu nữ bởi sóng và gió tạo nên đã từ ngàn năm, Cù lao Chàm bồng bềnh hiển hiện ra giữa mênh mông sóng nước như hòn ngọc giữa biển khơi với những đàn chim én . Với 8 đảo lớn nhỏ, Cù lao Chàm sở hữu một hệ sinh thái biển và rừng núi phong phú bậc nhất miền Trung với gần 1.000 loài sinh vật, trong đó có nhiều loại nằm trong Sách đỏ của Việt Nam như khỉ đuôi dài và chim yến.

Ông Lê Văn Giảng, Chủ tịch UBNDTP Hội An, tâm sự: Khu dự trữ sinh quyển Cù lao Chàm có tiềm năng lớn về du lịch sinh thái, nhưng chúng tôi chủ trương khai thác thận trọng vì sợ tác động đến tự nhiên. Tạo hóa đã dâng tặng Hội An một khu dự trữ sinh quyển tuyệt vời, con người đã tạo ra một phố cổ Hội An- di sản văn hóa đặc sắc nên phố cổ Hội An và Cù lao Chàm như anh em sinh đôi, thích hợp quy hoạch thành một quần thể sinh thái-văn hóa độc nhất vô nhị.

Tuy nhiên, giao thông giữa đảo và đất liền đang là bài toán nan giải, khi tàu cao tốc và tàu gỗ- phương tiện duy nhất ra vào đảo luôn gặp trở ngại khi biển động. Cù lao Chàm vẫn chưa có khách sạn, nhà nghỉ, nên du khách sau khi đến đây phải đi về trong ngày hoặc lưu trú nhà dân hay ngủ lều ngoài bãi biển. Chỉ khi nào giải được bài toán lưu trú, năng lượng và giao thông, chúng ta mới có thể nghĩ đến chuyện phát triển của Cù lao Chàm thành “thiên đường du lịch sinh thái- văn hóa”.

Ng.Khôi

Hà Minh

- Bài 1: Phú Quốc - địa thế lòng dân

- Bài 2: Phú Quý - Cần giàu

Tin cùng chuyên mục