Sức sống đảo xa - Bài 4: Giữ bền mạch sống đại dương

Sức sống đảo xa - Bài 4: Giữ bền mạch sống đại dương

(SGGP).- Cửa biển Nhật Lệ, TP Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình một sáng đầu tháng 6, tàu thuyền vào ra tấp nập. Nhiều chiếc chờ thủ tục ra khơi tại trạm kiểm soát biên phòng, có chiếc vào bờ khẳm đầy hải sản. Tất cả đều sẵn sàng chuyến biển mới...

“Biển của ta, ta đánh bắt”

Hàng chục năm tay lưới lập nghiệp, vậy mà lần nào sắp ra khơi lão ngư Hoàng Thống (Hải Thành, Đồng Hới) vẫn cứ nao nao như ngày đầu thấy biển. Lần này, ông hớn hở khoe: “Chuyến ni đi chắc chỉ vài ngày, nhìn con nước biết cá tôm sẽ khẳm mạn thuyền”. Ai cũng tin vì biết ông có tài nhìn con nước quyết định cho bạn thuyền rẽ sóng ra khơi. Ông tài thế cũng bởi dân làng Hải Thành đời đời chung thủy với biển, xem đại dương như mạch sống, hơi thở của mình.

Cách Đồng Hới khoảng chục cây số, biển bãi ngang ở xã Đức Trạch (huyện Bố Trạch) có đội tàu đánh bắt hải sản hơn 500 chiếc, được xem hùng hậu nhất các xã biển ở Quảng Bình. Ngư dân nơi đây có truyền thống bám biển từ khi dựng đất lập làng đến những năm kháng chiến cứu quốc, thi đua đánh bắt để hoàn thành nhiệm vụ chi viện chiến trường. Nếu cả nước có hơn 1.500 tàu đánh bắt trong khu vực đánh bắt chung ở vịnh Bắc bộ thì Quảng Bình được cấp phép 540 tàu. Trong đó Đức Trạch tham gia 155 chiếc, xem như xã được ưu tiên nhất tỉnh để ngư dân bám biển.

Thành quả bám biển mỗi ngày của ngư dân Cảnh Dương

Thành quả bám biển mỗi ngày của ngư dân Cảnh Dương

Khi biết tin Trung Quốc đơn phương tự ý phát lệnh cấm biển, Chủ tịch UBND xã Lê Văn Thục đã đến từng hộ dân động viên bà con yên tâm ra khơi, vì không ai có quyền cấm đánh bắt hải sản trên vùng biển Việt Nam. Cùng suy nghĩ như vậy, nhiều ngư dân xã Cảnh Dương (huyện Quảng Trạch) nói chắc như đinh đóng cột: “Biển ta ta đánh bắt. Có cấm, Nhà nước mình cấm từng thời điểm nhất định để đảm bảo chất lượng hải sản đánh bắt được tốt. Nước ngoài mần răng cấm vô chủ quyền của ta được. Ai nghe!”. Cảnh Dương là vùng biển có tiếng trong các cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại của dân tộc, người nơi đây chất phác và yêu nước, yêu biển da diết. Bởi nói như ông Phạm Ngọc Văn (thôn Cảnh Thượng): Biển là máu thịt nuôi chảy mãi huyết quản ngư dân.

Thượng tá Hồ Tiến Lợi, Phó Tham mưu trưởng Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng Quảng Bình, khẳng định, ngư dân bám biển không hề đơn độc. Trước mỗi mùa đánh bắt, đồn biên phòng đều cử các tổ, đội xuống từng xóm biển tuyên truyền chủ quyền vùng biển Việt Nam, xác định rõ các khu vực đánh bắt hải sản để ngư dân nắm chắc, áp dụng. Việc ngư dân đánh bắt hải sản trên vùng biển đó là thể hiện chủ quyền của chúng ta và chứng tỏ ngư dân làm chủ biển của ta. Công tác bảo vệ ngư dân thường xuyên được chú trọng với nòng cốt là hải quân và bộ đội biên phòng.

Các địa phương vùng biển cũng phát huy thế mạnh tổ đội đoàn kết đánh cá trên biển, để ngoài giúp nhau thông tin ngư trường, còn hỗ trợ nhau khi gặp hoạn nạn trên biển. Quảng Bình hiện có 183 tổ đội đoàn kết với 1.113 tàu đánh bắt xa bờ tham gia. Nếu ngư dân bị đẩy đuổi trong vùng chủ quyền Việt Nam, chiến sĩ biên phòng sẵn sàng bảo vệ ngư dân. Nếu tàu nước ngoài xâm phạm lãnh hải Việt Nam, ngư dân cung cấp thông tin, chứng cứ để phục vụ cho công tác ngoại giao.

Thành quả và ước mong

Ngàn đời, vạn đời qua, người dân Quảng Bình bám biển sinh sống. Biển cả không phụ lòng người. Nhiều làng biển làm ăn ngày một khấm khá. “Biển bạc” đã giúp không ít ngư dân xây nhà lầu, tậu ô tô. Chủ tịch UBND xã Đức Trạch Lê Văn Thục khoe rằng, năm rồi nghề biển đem lại doanh thu cho xã vài chục tỷ đồng từ 6.800 tấn hải sản đánh bắt được. Còn năm nay, tính đến cuối tháng 5, ngư dân xã đánh bắt hơn 4.000 tấn. Ông khẳng định: “Hơn 500 tàu cá quê tôi chắc đạt sản lượng 8.000 tấn trong năm 2010, vượt chỉ tiêu đề ra. Bám được biển là sống tốt thôi”.

Theo Bộ đội Biên phòng Quảng Bình, từ đầu năm 2010 đến nay, tàu đánh cá nước ngoài xâm phạm lãnh hải Việt Nam tăng hơn nhiều so với cùng kỳ năm 2009. Do vậy, Hải đội 2 Bộ đội Biên phòng tỉnh đã nhiều lần xuất kích tuần tra biển, tổ chức xua đuổi, giảm áp lực sự hiện diện của tàu đánh cá nước ngoài, nhằm tránh suy giảm nguồn lợi hải sản thuộc vùng biển chủ quyền Việt Nam, giúp ngư dân bám biển khai thác ngư trường thuận lợi hơn.

Xã biển Cảnh Dương có 323 tàu khai thác với gần 2.000 lao động địa phương, thu nhập mỗi người hơn 2 triệu đồng/tháng. Mỗi năm giá trị biển đưa lại cho xã Cảnh Dương 55 tỷ đồng. Chủ tịch Hội ngư dân xã Đồng Thanh Đắng xủi chân xuống cát, tính toán: Biển cho quê tôi sức sống lớn như thế, nên 5 năm tới, nghề biển sẽ đưa lại cho dân toàn xã 100 tỷ đồng. Dân Cảnh Dương thạo lắm nghề, từ hậu cần nghề biển đến khai thác ngư trường. Về Cảnh Dương, đường làng như phố, nhà tầng mọc lên san sát.

Trước đây, đất đai làng biển rộng rãi, nay được tận dụng từng mét vuông đất do nghề biển phát triển, mức sống người dân ngày một khấm khá. Người làng đang tính chuyện thuê đất những địa phương khác trong vùng, mở rộng các nhà xưởng chế biến hải sản để tăng thêm thu nhập. Ở địa phương nhỏ bên bờ biển Đông này mỗi năm xuất hiện thêm nhiều chủ tàu bám biển thành công như Nguyễn Ngọc Nam, Hồ Văn Hóa, Võ Tuấn Sơn, Lê Ngọc Tình, Đậu Ngọc Phương, Nguyễn Linh... Ước tính, họ thu vào 150-200 triệu đồng mỗi chuyến ra khơi, cá biệt thắng đậm đến 300 triệu đồng/chuyến.

Nhưng trong hành trình mưu sinh giữa biển cả bao la đượm mồ hôi đại dương còn có những giọt nước mắt cay đắng nếu chẳng may họ bị bắt đòi tiền chuộc. Với tầm nhìn xa, nhiều lão ngư kinh nghiệm truyền đời ở Đức Trạch, Cảnh Dương mạnh dạn đề xuất: “Chúng ta phải có những chiếc tàu to từ năm ngàn đến vài chục ngàn tấn để bảo vệ nguồn lợi thủy sản trên biển Đông, bất chấp sóng to gió lớn hay tàu lạ của nước ngoài. Mỗi tỉnh đóng ít nhất một chiếc để bảo vệ ngư dân và tài nguyên biển”.

Đi khắp các làng biển Quảng Bình, ai cũng tin tưởng bám biển càng tốt, biển càng mang lại nhiều lợi ích. Bởi vậy mà ngư dân Trương Thanh Lơi (Cảnh Dương) đã quyết định thành lập công ty chuyên kinh doanh các nghề liên quan đến biển và đóng mới 10 tàu đánh bắt xa bờ để làm ăn lớn. Bởi ông tin biển cả quê hương là máu thịt Việt Nam, đời đời bám biển là phát triển ấm no.

Minh Phong

Tin cùng chuyên mục