Cô Tô, huyện trẻ nhất của tỉnh Quảng Ninh, có diện tích nhỏ nhất, dân số ít nhất và khó khăn nhất, với hơn 30 hòn đảo chơi vơi ngoài tuyến khơi xa bờ nhất và trên 200 km đường biên giới trên biển với Trung Quốc. Năm 1961, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói với bà con các dân tộc ở Cô Tô:“... Tuy cách xa các đảo, nhưng Đảng và Chính phủ luôn luôn quan tâm đến đồng bào các đảo và mong đồng bào đoàn kết cố gắng và tiến bộ”. Sự cách xa mà Bác nói ngày đó, hôm nay không còn nữa...
Cô Tô - trăn trở đầu con sóng
Trước đây, trừ những tàu đánh cá chuyên nghiệp, còn đối với đa số người dân, chuyện đi lại giữa đất liền và Cô Tô khá khó khăn. Vài ba ngày mới có một chuyến tàu, lúc biển động cả tuần mới có một chuyến. Nhưng bây giờ đã khác, mỗi ngày đều có chuyến ra - vào nhờ các tàu khách ở cảng Cái Rồng, Vân Đồn. Ngoài đội tàu nhỏ đang hoạt động, hiện tỉnh Quảng Ninh đã đầu tư gần 50 tỷ đồng đóng một con tàu chở khách và hàng hóa cỡ lớn nối Cô Tô với đất liền.
Vùng biển Cô Tô có nguồn hải sản phong phú. Nằm trong khu hệ cá vịnh Bắc bộ, ngư trường Cô Tô có gần 1.000 loài cá, trong đó khoảng 60 loài có giá trị kinh tế cao như: cá hồng, song, mú, thu, chim, nục, trích, bạc má... Các loài giáp xác, nhuyễn thể cũng có trữ lượng lớn: tôm rồng, mực, trai ngọc, bào ngư, ngao, sò, ốc. Cạnh đảo Cô Tô còn 2 bãi trai ngọc và bào ngư từng được khai thác tốt trước đây.
Sau một thời gian đình trệ, hiện dự án nuôi ngọc trai ở Cô Tô được triển khai và cấy được 30 vạn con trai có ngọc. Gắn bó với Cô Tô từ năm 1978, ngư dân Bùi Văn Điển (62 tuổi) cho biết, không phải vùng nào cũng có ngư trường tốt như Cô Tô, nhưng nếu khai thác và nuôi trồng tốt mà không chế biến và xuất khẩu được, hiệu quả kinh tế thật sự không là bao. Điều đó cần sự đầu tư lớn của Nhà nước vì sức dân có hạn. Trong vụ sứa vừa rồi, nhờ biết cách thu mua và chế biến xuất khẩu qua Trung Quốc, gia đình ông đã thu lời 300 triệu đồng. Hiện nay qua cơ quan khuyến ngư của tỉnh, ông đang truyền lại kinh nghiệm làm ăn cho bà con ở Cô Tô cũng như một số đảo lân cận.
Phó Chủ tịch UBND huyện Cô Tô Vũ Ngọc Thân cho biết, dự án xây dựng Cô Tô trở thành trung tâm hậu cần nghề cá phía Bắc vịnh Bắc bộ (dự kiến vốn hơn 287 tỷ đồng) đã được triển khai. Trong đó, dự án xây âu tàu đã được khởi công từ năm 2008, có thể đưa vào sử dụng đầu năm 2012. Khi đó Cô Tô đón tàu 600CV, chứ không chỉ 200CV như bây giờ. Thời gian tới sẽ triển khai xây dựng trung tâm thu mua, chế biến hải sản và các khu chức năng, dịch vụ đi kèm. Cô Tô sẽ thực sự thay đổi trong 2-3 năm tới... Tuy nhiên, theo lão ngư Bùi Văn Điển, khi trung tâm hậu cần nghề cá hoạt động, các cơ quan thẩm quyền cần nghiên cứu đầu tư tiếp để Cô Tô trở thành một nơi trung chuyển và đầu mối xuất khẩu hải sản.
Hầu hết người dân và cán bộ cho rằng, lúc này Cô Tô cần điện nhất vì công suất máy phát điện diezel hiện không đủ đáp ứng 50% nhu cầu của đảo. Điện sinh hoạt chỉ có từ 7 giờ đến 21 giờ nên không đủ chế biến hải sản hay các dịch vụ thương mại nghề cá. Vấn đề giao thông nối liền Cô Tô với đất liền cũng hết sức quan trọng. Chỉ khi người dân dễ dàng đi lại, hàng hóa lưu thông thuận lợi, mới có thể tập trung phát triển kinh tế- xã hội ở Cô Tô.
Nhìn về Vân Đồn
“Vân Đồn từng là thương cảng quốc tế đầu tiên và lớn nhất của Việt Nam thời nhà Lý và nhà Trần. Hy vọng trong tương lai, Vân Đồn sẽ tìm lại vị thế đó. Tôi tin điều đó sẽ thành hiện thực, bởi Vân Đồn có quá nhiều điều kiện tốt, nhất là về mặt địa lý và tự nhiên, môi trường...”- ông Phạm Ngọc Huân, Chánh Văn phòng UBND huyện Vân Đồn, khẳng định. |
Điều mà những người dân Vân Đồn và Cô Tô nhắc đến nhiều từ cuối năm 2009 đến nay là Quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 đã được Thủ tướng phê duyệt.
Với quy mô khoảng 2.171 km², trong đó diện tích đất tự nhiên 551 km², vùng biển 1.620 km², đây là khu kinh tế tổng hợp được vận hành theo quy chế riêng nhằm phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế- xã hội của Quảng Ninh và vùng Duyên hải Bắc bộ; là đầu mối giao thương quốc tế, động lực chính để phát triển vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ, đồng thời đảm bảo an ninh, quốc phòng khu vực Đông Bắc của Tổ quốc.
Quy hoạch giai đoạn đầu đến năm 2015, Khu kinh tế Vân Đồn tập trung ưu tiên phát triển tại đảo lớn Cái Bầu, quy hoạch xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội thiết yếu, tạo động lực phát triển khu kinh tế trong giai đoạn trước mắt. Trong đó, tập trung trong lĩnh vực du lịch, thương mại, tài chính và phát triển đô thị, công nghiệp, nông nghiệp, giao thông và các điều kiện cần thiết về cơ sở hạ tầng, phát triển nguồn nhân lực, bảo vệ môi trường...
Theo TS Vũ Đức Đam, Bí thư Tỉnh ủy kiêm Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh, mô hình hoạt động Khu kinh tế Vân Đồn, cùng với Phú Quốc (Kiên Giang), là hoàn toàn mới. Mặc dù còn nhiều khó khăn trong triển khai và thực hiện, nhưng chắc chắn khi có những chính sách phù hợp và đầu tư đúng mức, Vân Đồn sẽ trở thành khu kinh tế mở, năng động, hiện đại và phát triển bền vững, thân thiện với môi trường; là “đầu tàu” cho tỉnh Quảng Ninh cũng như vùng Đông Bắc Việt Nam. Đặc biệt là từ đây, kinh tế- xã hội của toàn vùng biển phía Bắc vịnh Bắc bộ sẽ có cơ sở để phát triển về mọi mặt.
TRẦN LƯU