Kỷ niệm 62 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (7-5-1954 - 7-5-2016)
62 năm trôi qua, sau thắng lợi “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” của chiến dịch Điện Biên Phủ lịch sử, Điện Biên - mảnh đất đầy gian khó và hiểm trở nơi địa đầu Tây Bắc của Tổ quốc đang không ngừng “thay da đổi thịt”, phát huy những tiềm năng vốn có để phát triển mọi mặt đời sống kinh tế -xã hội, góp phần to lớn vào nhiệm vụ giữ vững quốc phòng - an ninh của đất nước.
Điểm sáng nơi cuối trời Tây Bắc
Một bên vực sâu thăm thẳm, một bên núi cao sừng sững; với liên tục đèo, dốc quanh co, con đường vùng cao dài hơn 200km từ TP Điện Biên Phủ anh hùng lên mảnh đất biên ải huyện Mường Nhé (tỉnh Điện Biên) quanh co, uốn lượn, nhỏ xíu như sợi chỉ xuyên vắt ngang các vách núi, rừng già và những bản làng ôi. Chiếc xe khách chở chúng tôi lên Mường Nhé liên tục lắc lư, chao đảo khiến ai cũng cảm thấy rất mệt mỏi vì say xe. Sau gần 7 giờ, chúng tôi mới tới nơi và bất ngờ với sự thay đổi của Mường Nhé hôm nay khi nhận được sự quan tâm đầu tư rất lớn của Đảng và Nhà nước để phát triển kinh tế, xã hội.
Mường Nhé hiện ra trước mắt chúng tôi sầm uất và sôi động chẳng kém dưới xuôi. Một con đường hai chiều rộng thênh thang chạy dọc trung tâm huyện, hai bên đường là những công sở, nhà dân, hàng quán, khách sạn xen kẽ. Đặc biệt, Trung tâm Y tế huyện Mường Nhé được xây dựng ngay giữa trung tâm huyện với những dãy nhà hai tầng khang trang, sạch đẹp được liên kết với nhau rất hiện đại chẳng khác gì bệnh viện ở dưới thành phố. BS Lò Văn Dũng, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế Mường Nhé - người có hơn 10 năm gắn bó với vùng đất xa xôi này, chia sẻ trước đây Trung tâm Y tế Mường Nhé chỉ là những dãy nhà tạm lụp xụp ở chung với đồn biên phòng. Tuy nhiên, 5 năm trở lại đây được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, huyện Mường Nhé đã có được một trung tâm y tế hiện đại, quy mô trên 50 giường bệnh, cùng đội ngũ cán bộ y tế khá đầy đủ với hơn 20 bác sĩ. Không chỉ vậy, tất cả 11 trạm y tế của Mường Nhé đều đã có cán bộ y tế chăm sóc sức khỏe ban đầu cho đồng bào.
Thành phố Điện Biên Phủ không ngừng phát triển
Cùng với y tế, Mường Nhé cũng đã có những bước tiến quan trọng về giáo dục. Ông Trần Văn Kiên, Trưởng phòng GD-ĐT huyện Mường Nhé, cho biết, qua các dự án đầu tư xây dựng trường lớp và nhà bán trú, đến nay huyện Mường Nhé đã có trên 70% học sinh được nội trú trong những ngôi nhà kiên cố. Toàn huyện duy trì đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi, 11/11 xã đạt chuẩn phổ cập giáo dục THCS.
Khơi dậy tiềm năng
Trở về với TP Điện Biên Phủ anh hùng, trong những ngày tháng 5 lịch sử này; mỗi góc phố, con đường cũng như địa danh lịch sử như: đồi A1, hầm Đờ Cát, cánh đồng Mường Thanh... bỗng trở nên tươi đẹp và gần gũi hơn. Dẫn chúng tôi đi thăm cánh đồng Mường Thanh năm, ông Lò Văn Hương (82 tuổi, người dân tộc Thái, ở TP Điện Biên Phủ) bồi hồi nhớ lại: “Sau chiến dịch Điện Biên Phủ, nơi đây đầy những hố bom, vết đạn… thì nay Mường Thanh đã trở thành cánh đồng xanh tốt, rộng lớn, thẳng cánh cò bay. Mỗi năm sản xuất ra hàng triệu tấn gạo đặc sản “Tám thơm Điện Biên” thơm dẻo, ngọt lành nức tiếng khắp cả nước”.
62 năm trôi qua, sau thắng lợi vang dội của chiến dịch Điện Biên Phủ lịch sử, Điện Biên mảnh đất hào hùng nơi địa đầu Tây Bắc của Tổ quốc đang không ngừng “thay da đổi thịt”, phát triển mọi mặt đời sống xã hội, góp phần to lớn vào nhiệm vụ giữ vững quốc phòng - an ninh nơi địa đầu đất nước. Ông Mùa A Sơn, Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên, cho biết: “Mỗi một năm nhìn lại, kinh tế xã hội của Điện Biên không ngừng phát triển, đời sống nhân dân nâng cao về vật chất, chuyển biến về tinh thần. Những kết quả đó minh chứng rõ nét cho sự đoàn kết, thống nhất, đồng lòng của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc trong tỉnh Điện Biên. Đến nay 100% xã, phường, thị trấn của Điện Biên đã có đường ô tô đến trung tâm xã, trong đó 116/130 xã, giao thông đi lại được quanh năm. Bộ mặt đô thị nhiều vùng nông thôn khởi sắc và đổi thay đáng kể, đây là điều kiện tốt hình thành và phát triển các vùng chuyên canh sản xuất hàng hóa tập trung”.
Mặc dù còn nhiều khó khăn, thách thức nhưng trong giai đoạn từ nay tới năm 2020, Điện Biên tiếp tục kiên trì thực hiện mục tiêu tập trung phát triển kinh tế - xã hội trên cơ sở tiềm năng, lợi thế sẵn có và đẩy mạnh thu hút, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực đầu tư phát triển. Đặc biệt, với niềm tự hào là một vùng đất có những địa danh lừng lẫy năm châu, cùng với nhiều danh lam thắng cảnh hùng vĩ, hoang sơ và nền văn hóa đậm đà bản sắc của 19 dân tộc anh em, Điện Biên sẽ tập trung đẩy mạnh đầu tư khai thác, phát huy tiềm năng, lợi thế về phát triển du lịch lịch sử, du lịch sinh thái, du lịch văn hóa các dân tộc, sớm đưa Điện Biên trở thành trung tâm du lịch của vùng Tây Bắc.
Ghi dấu ấn đậm nét, ấn tượng nhất trong sự phát triển của Điện Biên là tốc độ tăng trưởng kinh tế, với mức tăng trưởng liên tiếp trong 5 năm qua ước đạt 9,11%/năm. Thu nhập bình quân đầu người ước đạt 23,6 triệu đồng, tăng gần gấp đôi so với năm 2010. |
NGUYỄN QUỐC