Sức sống đô thị trẻ

Sau 10 năm thành lập, từ một thị trấn nhỏ, heo hút thuộc huyện Đắk Nông (tỉnh Đắk Lắk cũ), thị xã Gia Nghĩa (tỉnh Đắk Nông) đã vươn mình trở thành đô thị phát triển năng động tại khu vực Nam Tây Nguyên. Sở hữu lợi thế là cầu nối giữa Tây Nguyên với các thành phố du lịch: Phan Thiết, Đà Lạt, Buôn Ma Thuột…, thị xã Gia Nghĩa đang ngày càng khẳng định mình trên hành trình phát triển và hội nhập.
Sức sống đô thị trẻ

Sau 10 năm thành lập, từ một thị trấn nhỏ, heo hút thuộc huyện Đắk Nông (tỉnh Đắk Lắk cũ), thị xã Gia Nghĩa (tỉnh Đắk Nông) đã vươn mình trở thành đô thị phát triển năng động tại khu vực Nam Tây Nguyên. Sở hữu lợi thế là cầu nối giữa Tây Nguyên với các thành phố du lịch: Phan Thiết, Đà Lạt, Buôn Ma Thuột…, thị xã Gia Nghĩa đang ngày càng khẳng định mình trên hành trình phát triển và hội nhập.

Gia Nghĩa sẽ là đô thị hiện đại, xanh, sạch đẹp trong tương lai. Ảnh: CÔNG HOAN

Gia Nghĩa sẽ là đô thị hiện đại, xanh, sạch đẹp trong tương lai. Ảnh: CÔNG HOAN

Thuở ban sơ

Chúng tôi có mặt ở thị xã Gia Nghĩa vào một ngày cuối tháng 12. Thời điểm này, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân nơi đây đang nô nức chuẩn bị đón chào kỷ niệm 10 năm thành lập tỉnh (1-1-2004 – 1-1-2014). Dưới cái nắng chói chang của mùa khô Tây Nguyên, đi trên những con đường rộng thênh thang giữa lòng đô thị, chúng tôi như bị hút hồn trước các trụ sở cơ quan Nhà nước được xây dựng kiên cố, còn thơm mùi sơn mới và muôn kiểu nhà dân với kiến trúc hiện đại, nhấp nhô bên các sườn đồi.

10 năm, một quãng thời gian không quá dài để Gia Nghĩa vượt qua những khó khăn ngày đầu, vươn mình thành một đô thị mới, căng tràn sức sống.

Nhớ những năm cuối thập niên 90 của thế kỷ 20, Gia Nghĩa trong tư thế thị trấn huyện lỵ của huyện Đắk Nông (tỉnh Đắk Lắk cũ), cũng chỉ là khu thị tứ đìu hiu hoang sơ, nhà cửa thưa thớt với bạt ngàn cây cối.

Ông Nguyễn Thanh Bình, một cư dân ở xã Quảng Thành (thị xã Gia Nghĩa), nhớ lại: “Quê tôi ở Thanh Hóa, nhưng cuộc sống khó khăn quá nên vợ chồng dắt díu nhau vào Tây Nguyên lập nghiệp. Tính đến nay, tôi làm dân Gia Nghĩa cũng tròm trèm 25 năm rồi. Hồi đó, vùng đất này hoang vu lắm, khắp nơi đều là rừng rậm. Để có nhà cửa, nương rẫy vợ chồng tôi cũng phải khai hoang vỡ đất như nhiều gia đình khác. Mặc dù sống cùng thôn nhưng nhà này cách nhà kia cả vài trăm mét, thậm chí cả cây số; đêm đêm thú rừng về gầm rú, thỉnh thoảng nai, hoẵng còn chạy xộc vào nhà. Rồi chuyện học hành, khám chữa bệnh cho con cái là một vấn đề nan giải, bởi ở thị trấn nhỏ của huyện nghèo cái gì cũng thiếu…”.

Rồi khi chia tách thành 2 tỉnh mới, thị trấn Gia Nghĩa được “đôn” lên thành thị xã tỉnh lỵ của tỉnh Đắk Nông, cái khó của một đô thị trẻ mới bắt đầu lộ diện. Dân cư không có, nên cửa hàng, cửa hiệu, tiệm ăn, quán xá thiếu thốn mọi bề. Cán bộ tăng cường từ các sở, ngành của tỉnh Đắk Lắk xuống công tác tại tỉnh mới đầy tâm tư, trăn trở. Bởi, nhà công vụ chưa có, trụ sở làm việc chưa xây, nước máy lúc có, lúc không; về đêm gió thổi bàng bạt trên các ngọn đồi, còn ban ngày, cả thị xã Gia Nghĩa như một công trường, đất đỏ bay đầy đường sá, lởm chởm…

Thực tế, kể từ khi tỉnh Đắk Nông được thành lập vào đầu năm 2004, huyện Đắk Nông cũng chia thành thị xã Gia Nghĩa và huyện Đăk G’long. Từ đó Gia Nghĩa mới dần định hình được hình bóng của mình. Thị xã có thời tiết, địa hình thuận lợi để phát triển du lịch, nhất là du lịch văn hóa, cảnh quan sinh thái, nghỉ dưỡng.

Sẽ là “Đà Lạt thứ hai” ở khu vực Tây Nguyên nếu thị xã Gia Nghĩa tận dụng được lợi thế có nhiều di tích lịch sử, văn hóa truyền thống, cảnh quan của núi rừng, sông suối, thác, hồ… Đây cũng là điều kiện để hình thành các cụm du lịch, tour du lịch của tỉnh Đắk Nông nếu được gắn kết được với các tuyến du lịch phía Nam của các tỉnh Đắk Lắk, Bình Thuận, Lâm Đồng và TPHCM. Từ vùng đất Nam Tây Nguyên này sẽ tạo nên hành trình du lịch hấp dẫn đối với du khách trong và ngoài nước.

Cất cánh

Ngay sau khi thành lập, nhận thức vai trò, tầm quan trọng của đô thị Gia Nghĩa trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, ngày 24-10-2007, Tỉnh ủy Đắk Nông đã ban hành Nghị quyết số 15-NQ/TU về xây dựng, phát triển đô thị Gia Nghĩa giai đoạn 2008-2010 và định hướng đến năm 2020, nhằm xây dựng Gia Nghĩa trở thành đô thị văn minh, hiện đại, xanh, sạch, đẹp, mang đậm bản sắc văn hóa riêng của vùng Nam Tây Nguyên, xứng đáng với vị trí là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh - quốc phòng của tỉnh.

Sau 10 năm thành lập, thị xã Gia Nghĩa đã có bước phát triển khá toàn diện, tốc độ tăng trưởng kinh tế năm sau cao hơn năm trước; cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực, hầu hết thôn, buôn, tổ dân phố và hộ dân được sử dụng điện lưới quốc gia; số hộ nghèo theo tiêu chí mới ngày càng giảm; công tác quy hoạch và đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng đô thị đạt được nhiều kết quả đáng phấn khởi…

Để khai thác hiệu quả tiềm năng, thế mạnh sẵn có, từ khi mới thành lập, chính quyền thị xã Gia Nghĩa đã tích cực triển khai nhiều hoạt động kêu gọi đầu tư; tham gia, góp ý với tỉnh về một số chính sách khuyến khích đầu tư, ưu đãi đầu tư và cơ chế kêu gọi đầu tư phù hợp với tình hình thực tế của thị xã, nên bước đầu đã gặt hái được một số kết quả đáng khích lệ trong việc thu hút các dự án đầu tư, đóng góp đáng kể vào mục tiêu chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh Đắk Nông.

Trong lĩnh vực thương mại - dịch vụ - du lịch, thị xã Gia Nghĩa đang kêu gọi đầu tư vào các dự án: Khu vui chơi giải trí Hồ Thiên Nga, Khu đô thị phía Đông hồ Trung tâm, Khu phức hợp trung tâm thương mại - dịch vụ - nhà ở Gia Nghĩa, Trung tâm Thương mại Gia Nghĩa...; trong lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao là các dự án: sản xuất rau củ, quả an toàn tại các xã, phường…

Sự thay đổi lớn của đô thị Gia Nghĩa, đặc biệt là kết cấu hạ tầng đã tạo điều kiện thuận lợi cho người dân chuyển đổi từ lao động nông nghiệp sang lao động phi nông nghiệp, mở rộng sản xuất, kinh doanh, nâng cao đời sống về mọi mặt. Sự thay đổi này thể hiện rõ rệt trong đời sống và suy nghĩ của người dân thị xã Gia Nghĩa.

Bác Lê Minh Hùng, ở phường Nghĩa Phú (thị xã Gia Nghĩa), tâm sự: “Sống gần hết đời người rồi, nhưng chưa bao giờ tôi thấy Gia Nghĩa phát triển, lớn và đẹp như hôm nay. Cách đây khoảng 10 năm thôi, các dịch vụ như nhà hàng, khách sạn… là những thứ xa xỉ, có tìm mỏi mắt cũng chẳng ra. Chung quanh thị trấn nhìn đâu cũng thấy rừng, giao thông chủ yếu là đường đất nhỏ, gồ ghề. Chợ và trường học thì tạm bợ, chắp vá, bệnh viện cũng ở rất xa.

Ấy thế mà, chỉ trong chớp mắt, những con đường đất đầy bụi đỏ, trơn trượt đã được thay thế bằng đường nhựa; bệnh viện, chợ, trường học được xây dựng kiên cố; nhà dân với nhiều kiểu kiến trúc hiện đại mọc lên ngày càng nhiều. Sự đổi thay đó khiến người dân chúng tôi rất vui, nhờ vậy ai cũng nỗ lực thay đổi tư duy làm kinh tế, mạnh dạn đầu tư sản xuất, kinh doanh nên đời sống ngày càng khấm khá”.

Đồng chí Trần Quốc Huy, Bí thư Tỉnh ủy Đắk Nông, nhận định: Có được vóc dáng đô thị như hôm nay là cả quá trình nỗ lực lớn của tỉnh cũng như Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thị xã Gia Nghĩa. Phấn đấu đến trước năm 2020, thị xã Gia Nghĩa sẽ trở thành đô thị loại III, với quy mô dân số 110.000 người. Với mục tiêu đưa thị xã Gia Nghĩa “cất cánh”, xứng tầm là một đô thị mới, tháng 6-2011, UBND tỉnh Đắk Nông đã ban hành quyết định số 655/QĐ-UBND phê duyệt đề cương nhiệm vụ và dự án quy hoạch chung xây dựng thị xã Gia Nghĩa đến năm 2030, tầm nhìn đến 2050, với tổng mức đầu tư 64 tỷ 611 triệu đồng, trong đó dành đến 59 tỷ đồng thuê Công ty tư vấn Jina (Hàn Quốc) thiết kế quy hoạch.

Dự kiến đến năm 2050, thị xã Gia Nghĩa sẽ được mở rộng với quy mô 76.000ha, gần gấp 3 lần diện tích thị xã hiện nay, với dân số cơ học khoảng 250.000 người. 

Diện mạo đô thị đang dần hoàn thiện. Các công trình được xây dựng mới mọc lên ngày càng nhiều. Khi bức tranh đô thị mới được hoàn thiện, Gia Nghĩa sẽ trình làng là một trung tâm du lịch đầy sức cuốn hút, là sự lựa chọn đúng đắn của các nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Nằm trên quốc lộ 14, cách TP Buôn Ma Thuột 120km và cách TPHCM 225km, thị xã Gia Nghĩa có diện tích 286,64km², gồm 5 phường: Nghĩa Đức, Nghĩa Thành, Nghĩa Phú, Nghĩa Tân, Nghĩa Trung và 3 xã: Đắk R’Moan, Quảng Thành, Đắk Nia. Phía Đông của thị xã Gia Nghĩa giáp huyện Đắk G’long, Tây giáp huyện Đắk R’lấp, Bắc giáp huyện Đắk Song, Nam giáp tỉnh Lâm Đồng; dân số lúc mới thành lập là 35.599 người và đến nay đã có gần 60.000 người từ khắp mọi miền đất nước đến sinh cơ lập nghiệp. Bình quân tăng trưởng kinh tế hàng năm của thị xã là 21,18%, cơ cấu nền kinh tế chuyển dịch theo hướng hiện đại: thương mại - dịch vụ chiếm 44,97%, công nghiệp - xây dựng 43,21%, nông nghiệp 11,82%. Thu nhập bình quân đầu người năm 2013 ước đạt 41,89 triệu đồng.

Trong tương lai gần, Gia Nghĩa sẽ là “điểm nhấn” trên quốc lộ 14, con đường thiên lý từ khu vực Bắc Tây Nguyên đến TPHCM.

ĐỨC TRUNG


Gia Nghĩa sẽ là đô thị công nghiệp, tri thức và du lịch

Sáng 30-12, UBND tỉnh Đắk Nông đã họp báo công bố quy hoạch chung thị xã Gia Nghĩa đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050. Quy hoạch này do Công ty Kiến trúc Jina (Hàn Quốc) thực hiện, với mục tiêu xây dựng Gia Nghĩa trở thành đô thị hiện đại, xanh, sạch đẹp và mang đặc trưng riêng của khu vực Nam Tây Nguyên.

Theo quy hoạch, diện tích Gia Nghĩa sẽ được mở rộng lên 75.458ha, gấp 2,66 lần so với hiện nay. Không gian đô thị được phát triển theo mô hình đô thị công nghiệp, đô thị tri thức và đô thị du lịch. Cấu trúc không gian đô thị Gia Nghĩa phát triển theo mô hình đô thị vệ tinh, trong đó, Gia Nghĩa là đô thị trung tâm của tỉnh Đắk Nông. Các đô thị vệ tinh gồm: Khu Tây Nam (xã Nhân Cơ, xã Đắk Wer và xã Nhân Đạo, huyện Đắk R’lấp), khu Tây Bắc (một phần xã Trường Xuân, huyện Đắk Song), khu Đông Nam (xã Đắk Nia, thị xã Gia Nghĩa) và khu Đông Bắc (xã Đắk Ha, huyện Đắk G’long).

Theo ông Kim Do Yeon, Tổng Giám đốc Công ty Kiến trúc Jina, thị xã Gia Nghĩa có nguồn tài nguyên dồi dào để phát triển công nghiệp và du lịch. Vì thế, công ty đã quy hoạch phát triển đô thị theo hướng công nghiệp, dịch vụ du lịch trước, sau đó phát triển đô thị theo theo hướng tri thức để bổ trợ cho ngành công nghiệp và du lịch. Trong du lịch, quy hoạch này cũng chú trọng việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống vật thể và phi vật thể của địa phương.

CÔNG HOAN

Tin cùng chuyên mục