Giữa đỉnh Trường Sơn hút gió, những rừng hoa lau nở trắng buốt, phất phơ trong gió xuân như hò reo khúc hát, báo hiệu một sức sống mới đã và đang về giữa đại ngàn Trường Sơn.
Gió mới về Bản
Đỉnh Phu A Lâu vời vợi trên Trường Sơn lộng gió chỉ có cột mốc 651 và cán bộ chiến sĩ Đồn Biên phòng Nhâm - Bộ đội Biên phòng tỉnh Thừa Thiên - Huế ngày đêm vững chắc tay súng khẳng định chủ quyền của Tổ quốc. Chỉ mấy năm trước đây thôi, cuộc sống của người dân các bản I Reo giáp biên giới phía bạn Lào còn đói nghèo, lạc hậu lắm. Đến nay, người dân đã từng bước vươn lên xóa đói giảm nghèo, cuộc sống dần đi vào ổn định.
Đó là thành quả của sự tương trợ lẫn nhau giữa chính quyền, nhân dân hai bên biên giới, trong đó có vai trò quan trọng của cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Nhâm. Đó là lời tâm sự của người dân ở Bản I Reo huyện KaLum tỉnh SeKoong - Lào, khiến tôi vô cùng ấn tượng. Được biết, cán bộ, chiến sĩ của đồn không những gắn bó mật thiết với bà con trên địa bàn, mà họ còn được nhân dân Lào coi như con em trong nhà.
Thượng tá Nguyễn Minh Đức, đồn trưởng được bà con các bộ tộc Lào nhận làm con của bản làng. Hàng năm, mỗi khi có dịp, anh lại cùng cán bộ, chiến sĩ đơn vị sang thăm hỏi, tặng quà các hộ nghèo bên kia biên giới.
Chia sẻ với chúng tôi, Thượng tá Nguyễn Minh Đức cho biết: từ trước đến nay, nhân dân hai bên biên giới đã có truyền thống đoàn kết, gắn bó khăng khít, thường xuyên tương trợ, giúp đỡ lẫn nhau lúc khó khăn, hoạn nạn. Mặc dù dân cư hai bên biên giới còn khó khăn, nhưng tinh thần “lá lành đùm lá rách” luôn được chính quyền, nhân dân nơi đây phát huy hiệu quả.
Chia sẻ với những khó khăn của người dân nước bạn, những năm qua, đơn vị đã chủ động tham mưu cho chính quyền địa phương tạo điều kiện giúp đỡ, đồng thời tích cực kêu gọi các nguồn lực xã hội hóa để hỗ trợ bà con. Đơn vị đã phối hợp với các cơ quan, đơn vị tổ chức khám, cấp thuốc miễn phí cho gần 1.000 lượt người dân cụm bản I Reo nước bạn Lào, hỗ trợ cho bạn gần 80 triệu đồng mua sắm các trang thiết bị phục vụ sinh hoạt.
Ngoài ra, đơn vị còn tổ chức cho nhân dân hai bên biên giới giao lưu văn hóa, trao đổi kinh nghiệm làm ăn. Vào các dịp lễ, tết, đơn vị thường cử đoàn sang thăm hỏi, tặng quà người nghèo bên kia biên giới trị giá gần 20 triệu đồng. Đặc biệt, thực hiện biên bản làm việc giữa lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên - Huế và tỉnh Sê Koong, Lào về việc đề nghị tỉnh Thừa Thiên - Huế giúp dân bản I Reo ổn định cuộc sống nơi ở mới, sau 3 tháng thi công, đến nay đã bàn giao 13 ngôi nhà và 1 công trình nước tự chảy cho dân bản I Reo - Lào.
Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Thừa Thiên - Huế còn hỗ trợ 195 triệu đồng mua tấm lợp và xây dựng hệ thống nước sạch tự chảy phục vụ sinh hoạt cho dân bản. Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Nhâm đã bỏ ra hơn 300 ngày công lao động, dựng được 13 ngôi nhà khang trang xây dựng hệ thống nước chảy được lấy từ đầu nguồn con suối vượt qua 1.200m ống dẫn đưa nước về với bản tạo điều kiện cho 13 hộ, 68 nhân khẩu ở đây có nước sinh hoạt hàng ngày.
Bản làng đổi thay nhờ đôi tay người “ lính thợ”
Hôm nay, gia đình ông Su Mây ở bản I Reo huyện Kà Lùm tỉnh Sê Koong nước bạn Lào cũng như mười hai gia đình khác đang dựng những căn nhà mới ở một vị trí mới. Đến giúp đỡ gia đình ông không chỉ có nhân dân trong bản mà có cả sự hiện diện của những người lính Biên phòng Việt Nam. Nhiều năm qua, mọi công việc lớn, quan trọng của bà con trong bản như làm đường, dựng nhà đều không thể thiếu sự tham gia của cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Nhâm.
Còn đây là lớp học vỡ lòng tiếng Lào cho các em nhỏ trong bản I Reo mà cán bộ chiến sĩ Biên phòng Nhâm mất không biết bao công sức gầy dựng nên. Những gương mặt thơ ngây này, ngày nào còn truồng như nhộng tranh nhau ăn đọt rau rừng chống đói, mà giờ đây cái ăn cái mặc tuy chưa gọi là đủ nhưng cũng một phần sưởi ấm thân thể nhỏ bé của các em nơi rừng sâu núi thẳm này.
Ông Su Mây vừa đưa tôi đi giới thiệu vừa tâm sự: “Ba năm trước dân bản mình di cư đến đây vào mùa giáp hạt nên cả bản không gia đình nào còn có cái ăn, những đứa trẻ phải ăn cây rừng chống cái đói, may có Bộ đội Biên phòng Việt Nam cứu đói kịp thời không thì dân bản mình nguy to. Giờ đây nơi ở cũ thường bị núi lỡ ảnh hưởng đến tính mạng, nhà cửa, con heo, con bò, nên nghe lời khuyên của Bộ đội Biên phòng Việt Nam dân bản mình tìm nơi ở mới an toàn hơn, đất trồng trọt cũng tốt hơn.
Gần một tháng nay Bộ đội Biên phòng Việt Nam sang giúp dân mình làm cái nhà, làm cái nước chảy về bản, mình vui cái bụng lắm. Thay mặt dân bản, mình cảm ơn Bộ đội Biên phòng Việt Nam nhiều. Mình mong tình hữu nghị Việt Lào - Lào Việt mãi mãi xanh tươi đời đời bền vững”.
Trung úy Lê Văn Sơn, Đội trưởng đội Vận động Quần chúng - Đồn Biên Phòng Nhâm được bà con bản I Reo và đồng đội ví như kỹ sư của bản bởi anh chính là tác giả của công trình đem con nước sạch về với bản rồi ra quy cách tấm lợp, phên che cho 13 căn nhà nơi đây.
Gặp anh trong bộ quân phục lấm lem bùn đất, anh tâm sự: “Được sự phân công của tỉnh, Đồn Biên phòng Nhâm đã lập 2 đội công tác gồm 22 đồng chí sang giúp dân bản I Reo dựng nhà. Theo phong tục của bạn Lào sau khi thu hoạch mùa xong, cúng lúa mới thì mới lên rừng, do vậy anh em Biên phòng phải sang giúp đẩy nhanh tiến độ thu hoạch. Vận động các hộ gia đình chuẩn bị các nguồn vật liệu có sẵn, tập kết gỗ, đòn tay, phên tre để dựng nhà. Cái khó lớn nhất đối với chúng tôi là đường sá đi lại, muốn đưa một tấm tôn lên đến vị trí này cũng phải mất 2 công gùi cõng đi hơn nửa ngày đường mới đến.
Cái khó thứ hai là nơi sinh hoạt cho bộ đội vì xa đơn vị giữa núi rừng heo hút nên chúng tôi phải hành quân từ sáng sớm, đem theo phần ăn trưa làm thông tầm tối mịt mới rút quân về nghỉ ngơi, cứ thế hơn 1 tháng trời từ anh thợ mộc, thợ xây cho đến thợ lợp tôn, kỹ sư đường ống… chúng tôi làm tất”.
Có chứng kiến công việc giúp dân bản I Reo ổn định cuộc sống của Bộ đội Biên phòng tỉnh Thừa Thiên - Huế, từ anh đồn trưởng, chính trị viên cho tới chiến sĩ ở đâu cũng thấy một tinh thần làm việc khẩn trương đầy trách nhiệm. Hòa lẫn trong tiếng búa, tiếng cưa là tiếng các em thơ đang bi bô trong lớp học. Khi có bóng dáng những người lính biên phòng Việt Nam, cuộc sống của các em đã sang trang mới.
HỒ VĂN VIỆT