Với diện tích hơn 470.000ha, Tứ giác Long Xuyên là vùng đất giàu tiềm năng về nông thủy sản. Sau hơn 20 năm khai thác, phát triển, vùng TGLX đã trở thành trung tâm lớn về sản xuất lúa gạo; nuôi trồng, đánh bắt và chế biến thủy sản; đóng góp lớn vào kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng nông thủy sản cả nước.
Chinh phục vùng đất khó
Đưa chúng tôi đi thăm cánh đồng lúa đông xuân rộng hàng ngàn hécta xanh rì của mình ở xã Lương An Trà, huyện Tri Tôn (An Giang), ông Nguyễn Lợi Đức khoe: “Lúa rất tốt, năng suất không dưới 8 - 9 tấn/ha”. Ở xã Lương An Trà, ông Đức là nông dân đầu tiên áp dụng thiết bị định vị san phẳng mặt ruộng bằng tia laser. Đây là công nghệ mới, giúp giảm chi phí sản xuất như bơm nước, giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật… hơn 1 triệu đồng/ha/vụ, đồng thời tăng năng suất lúa từ 0,5 - 1 tấn/ha, giảm thất thoát sau thu hoạch. Mạnh dạn ứng dụng tiến bộ khoa học vào đồng ruộng, cộng với năng động trong sản xuất đã đưa ông Đức trở thành tỷ phú trên vùng đất khó, làm chủ hàng trăm hécta đất.
Chủ tịch UBND xã Lương An Trà Nguyễn Hoàng Vĩnh nhớ lại, hồi trước xứ này toàn đất hoang hóa, nhiễm phèn nặng, sản xuất không hiệu quả nên ít ai chịu ở. Từ năm 1988 trở đi, thực hiện chủ trương khai phá TGLX, xã Lương An Trà được nhà nước quan tâm đầu tư 19 tuyến kênh nhằm tháo chua, rửa phèn, thoát lũ, đưa nước ngọt vào đồng ruộng… Đặc biệt là những dự án thoát lũ ra biển Tây, hạn chế được ngập lũ vào mùa nước nổi, đưa phù sa bồi bổ đồng ruộng. Nhờ đó diện tích sản xuất từ 3.272ha vào năm 1986 tăng lên 7.530ha vào năm 2012; từ 1 vụ lúa/năm, nay tăng lên 2 vụ, rồi 3 vụ/năm. Chinh phục vùng đất khó đã đưa huyện miền núi Tri Tôn thoát nghèo, nâng thu nhập bình quân đầu người vào năm 2012 lên hơn 1.000 USD/người/năm, tăng gấp 10 lần so năm 1986.
Cũng đi lên từ gian khó, huyện Thoại Sơn (An Giang) từ chỗ chậm phát triển, hộ nghèo đói chiếm 50% dân số, qua hơn 20 năm đánh thức vùng TGLX, chuyển dịch sản xuất nông nghiệp hiệu quả đã đưa tổng sản lượng lúa ở Thoại Sơn đạt 640.000 tấn/năm. Huyện Thoại Sơn còn là địa phương dẫn đầu vùng ĐBSCL về mô hình nuôi tôm càng xanh trên ruộng lúa, đem lại hiệu quả kinh tế cao, thu nhập hàng trăm triệu đồng/ha…
Ông Huỳnh Thế Năng, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh An Giang khẳng định, hơn 245.083ha đất ở TGLX của An Giang được khai thác hợp lý, tạo ra sản lượng lúa hàng năm trên 2,7 triệu tấn, chiếm 70% sản lượng lúa toàn tỉnh; nuôi trồng thủy sản đạt 170.000 tấn mỗi năm, chiếm 50% sản lượng nuôi thủy sản của tỉnh và góp 60% về giá trị xuất khẩu. Đời sống người dân trong vùng được nâng lên rõ rệt, mạng lưới y tế, giáo dục phát triển rộng khắp, tạo ra bộ mặt nông thôn mới khang trang, hiện đại.
Tìm mô hình bền vững
Vùng TGLX đã và đang thay da đổi thịt, song để phát huy hết tiềm năng và phát triển bền vững trong thời gian tới vẫn còn nhiều thách thức đặt ra. Về cơ bản, TGLX là vùng chịu ảnh hưởng nghiêm trọng lũ lụt, tình trạng hạn hán, thiếu nước ngọt ngày càng gay gắt; sạt lở đang báo động... Nông nghiệp ở TGLX phát triển nhanh nhưng thiếu bền vững. Chất lượng, hiệu quả, giá trị tạo ra còn thấp; trong khi suy thoái về môi trường tăng nhanh đang là thách thức trước mắt và lâu dài.
GS-TSKH Nguyễn Ngọc Trân, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học và Kỹ thuật Nhà nước cho rằng, lúa gạo và thủy sản là thế mạnh của TGLX nhưng đến nay các địa phương chưa chú trọng đầu tư khai thác thêm về công nghiệp xay xát, lau bóng, tách màu gạo; công nghệ chế biến thủy sản, thức ăn… chưa được đầu tư nhiều. Mặt khác, tiềm năng du lịch ở TGLX rất đa dạng nhưng chưa được khai thác triệt để. Trình độ dân trí còn thấp cũng là thách thức về nguồn nhân lực trong tình hình mới.
Để TGLX khởi sắc hơn, theo ông Đoàn Ngọc Phả, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT An Giang, cần xây dựng nền nông nghiệp sản xuất hàng hóa toàn diện và bền vững theo hướng hiện đại, quy mô lớn.
Huỳnh Phước Lợi |