Sức sống Ninh Vân

Cách đây hơn 40 năm, xã đảo Ninh Vân (thị xã Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa) chỉ có 5 gia đình bám trụ cùng với lực lượng cách mạng làm nhiệm vụ đón đoàn tàu không số vận chuyển vũ khí chi viện cho chiến trường miền Nam. Với địa hình hiểm trở, bốn bề bao bọc bởi biển và núi, nhiều ghềnh, bến bãi, Ninh Vân được xác định là vị trí chiến lược trong xây dựng căn cứ cách mạng, và được chọn làm điểm dừng, trung chuyển vũ khí của tàu không số.
Sức sống Ninh Vân

Cách đây hơn 40 năm, xã đảo Ninh Vân (thị xã Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa) chỉ có 5 gia đình bám trụ cùng với lực lượng cách mạng làm nhiệm vụ đón đoàn tàu không số vận chuyển vũ khí chi viện cho chiến trường miền Nam. Với địa hình hiểm trở, bốn bề bao bọc bởi biển và núi, nhiều ghềnh, bến bãi, Ninh Vân được xác định là vị trí chiến lược trong xây dựng căn cứ cách mạng, và được chọn làm điểm dừng, trung chuyển vũ khí của tàu không số.

Bà Nguyễn Thị Hường (xã Ninh Thủy, Ninh Hòa), thành viên đơn vị K67 (tên đơn vị đón tàu không số), rưng rưng nước mắt, kể lại: Ngày đó, tôi đang ở một trạm xá thì được điều động đi làm nhiệm vụ mới. Khi được đưa đến Ninh Vân tôi mới biết chính xác là đi đón đoàn tàu không số. Đón tàu là nhiệm vụ tuyệt mật, nên việc chọn người hết sức kỹ lưỡng... Nhiệm vụ chính của đơn vị K67 (khoảng trên 20 thành viên) là trinh sát toàn diện các mũi cơ yếu, rồi tìm địa điểm, đón, bảo vệ, tổ chức giao nhận, bốc dỡ hàng hóa, vũ khí từ tàu lên bờ...

Học sinh và thầy cô Trường THCS Nguyễn Phan Vinh thắp hương tại bia tưởng niệm các chiến sĩ tàu 235 đã hy sinh.

Học sinh và thầy cô Trường THCS Nguyễn Phan Vinh thắp hương tại bia tưởng niệm các chiến sĩ tàu 235 đã hy sinh.

Bà Hường kể: Năm 1967, khi công tác chuẩn bị gần như hoàn tất, đoàn tàu không số đầu tiên dự định cập bến vào khoảng tháng 10, tháng 11. Nhưng sau đó tàu không vào được, chúng tôi nghe thông tin tàu đã qua hải phận quốc tế được mấy hải lý, nhưng bị lộ nên được lệnh quay ra Bắc.

Cuối tháng 2-1968, nhận được lệnh tàu 235 sẽ cập bến Ninh Vân. Tuy nhiên cũng không biết chính xác ngày nào, thì rạng sáng 1-3, tiếng súng vang rền trên vùng biển Ninh Vân. Tàu 235 bị lộ nên phải chống trả quyết liệt với tàu chiến, máy bay địch. Biết không thoát khỏi vòng vây, vì máy chính của tàu bị hỏng và chỉ còn cách bờ vài trăm mét nên thuyền trưởng Nguyễn Phan Vinh quyết định đưa các chiến sĩ đã hy sinh và bị thương vào bờ trước khi cho nổ tàu để giữ bí mật quân sự.

Tàu 235 nổ tung. Một phần cabin của tàu văng lên núi Bà Nam, cách nơi tàu nổ gần 300m. Sau đó, địch tiếp tục bố ráp trên bờ, cánh anh Nguyễn Phan Vinh, Ngô Văn Thứ bị địch bao vây và hy sinh anh dũng. Cánh của thuyền phó Đoàn Văn Nhi lạc nhau, chiến sĩ Mai Văn Khung bị bắt, Đoàn Văn Nhi bị thương nặng, sau này hài cốt anh được tìm thấy trong hang đá. Chỉ còn 5 người may mắn, sau 13 ngày đêm bị địch truy lùng ráo riết, đã được quân ta tìm thấy, đưa về chăm sóc, sau đó các anh trở ra Bắc bằng đường bộ.

Ninh Vân nay đã nhộn nhịp người xe qua lại. Tuyến đường dài hơn 15km từ huyện vào xã ôm trọn gần một nửa khu rừng Hòn Hèo cảnh vật tuyệt đẹp, hàng chục bãi biển hoang sơ với nắng vàng cát trắng, khiến người ta liên tưởng đến một thiên đường du lịch. Vì thế chỉ với 30km bờ biển nhưng xã đảo Ninh Vân hiện có đến 6 dự án du lịch đã được đầu tư xây dựng.

Nhắc đến Ninh Vân, nhiều người cũng liên tưởng như “Lý Sơn 2”. Ninh Vân bây giờ có đến gần 400 hộ dân, với 1.700 nhân khẩu, đa số trồng tỏi, một cây trồng nổi tiếng ở đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi). Tuy nghề trồng tỏi chưa lâu, diện tích toàn xã chỉ hơn 30ha, nhưng bình quân mỗi hécta tỏi tại Ninh Vân cho thu nhập trên 300 triệu đồng, góp phần rất lớn trong công tác xóa nghèo.

Bà Trà Thị Bông Sen, Chủ tịch UBND xã Ninh Vân, chia sẻ: “10 năm trở lại đây, bộ mặt Ninh Vân đã thay đổi khá toàn diện, đời sống nhân dân cải thiện hơn nhiều so với trước. Trong đó, nhiều nhà khá giả nhờ cây tỏi. Đặc biệt, năm 2005, Ninh Vân được xây dựng tuyến đường bộ liên xã. Tuyến đường hàng chục năm người dân khát khao chờ đợi đã thành hiện thực…”.

Ninh Vân hôm nay vẫn còn đó mảnh vỡ con tàu không số, bia tưởng niệm 14 chiến sĩ ra đi vì lòng quả cảm. Và nay, vượt lên những khó khăn của một xã đảo, Ninh Vân đang xây dựng một cuộc sống mới ấm no, hạnh phúc, xứng đáng với những hy sinh của đồng chí, đồng bào. 

VĂN NGỌC

Tin cùng chuyên mục