Sức trẻ 18 thôn Vườn Trầu

Xã Bà Điểm (Hóc Môn, TPHCM) là vùng đất nổi tiếng với truyền thống lịch sử, cái nôi của Khởi nghĩa Nam Kỳ cách đây 70 năm. Tiếp bước truyền thống lịch sử quê hương, hiện vùng đất anh hùng này có hơn 700 sinh viên học tại các trường ĐH-CĐ trên toàn quốc. Người dân Bà Điểm luôn tự hào về truyền thống dũng cảm, mưu trí gan dạ của thế hệ cha ông đi trước như Phan Văn Hớn, Lê Văn Khương, Nguyễn An Ninh…

Xã Bà Điểm (Hóc Môn, TPHCM) là vùng đất nổi tiếng với truyền thống lịch sử, cái nôi của Khởi nghĩa Nam Kỳ cách đây 70 năm. Tiếp bước truyền thống lịch sử quê hương, hiện vùng đất anh hùng này có hơn 700 sinh viên học tại các trường ĐH-CĐ trên toàn quốc. Người dân Bà Điểm luôn tự hào về truyền thống dũng cảm, mưu trí gan dạ của thế hệ cha ông đi trước như Phan Văn Hớn, Lê Văn Khương, Nguyễn An Ninh…

Tuổi trẻ Bà Điểm hôm nay tuy không còn phải gánh chịu bom đạn hiểm nguy như các thế hệ đi trước nhưng cũng chưa thể nói là đã hết khó khăn. Trường hợp của bạn Trần Thị Minh Hiếu (sinh viên Trường ĐH Lao động) có hoàn cảnh gia đình khó khăn, bố là thương binh ở chiến trường Campuchia. Ngoài việc học, Hiếu phải đi làm thêm để có thêm thu nhập, trang trải cuộc sống gia đình. Mặc dù hoàn cảnh khó khăn nhưng cô sinh viên nhỏ nhắn vẫn không ngừng phấn đấu để vượt khó và ước mơ khi ra trường được làm việc ngay trên chính mảnh đất quê hương.

“Đi làm cả ngày, tối lại đi học, về tới nhà mệt lả người nhưng nghĩ đến tương lai, nghĩ đến cha mẹ, em lại quên đi mệt nhọc để lao vào công việc” - Hiếu tâm sự. Phan Công Định (ĐH Khoa học tự nhiên TPHCM) cũng có hoàn cảnh khó khăn tương tự. Gia đình làm nông, phải dồn tiền chữa trị cho mẹ - bị thấp khớp 10 năm qua. Hiện tại, Định vừa học vừa làm gia sư quán xuyến việc gia đình. Định chia sẻ: “Mục đích của em là cố gắng học tập để có công việc ổn định lo cho cha mẹ”.

Nguyễn Thị Tuyết Mai lại mong được trở thành một giáo viên mầm non. Mai kể: “Mẹ em đã mất hơn 3 năm qua. Cả gia đình dựa vào chiếc xe ôm của ba. Hàng ngày, ngoài giờ học Mai phải đi làm thêm ở Gò Vấp đến hơn 10 giờ đêm. Thân hình mảnh khảnh, gương mặt xương xương của Mai lộ ra những nét mệt mỏi của cuộc sống. Nhưng Mai vẫn tin vào tương lai của mình. Em là một trong 30 gương mặt điển hình được nhận học bổng từ Quỹ Thắp sáng ước mơ của xã Bà Điểm.

Là người con của quê hương Bà Điểm được sinh ra trong chiến tranh, bà Huỳnh Thị Nhân, Phó Chánh Văn phòng Trung ương Đảng, cho biết: “Thật vinh dự khi được sinh ra và lớn lên ở vùng đất nổi tiếng với địa danh 18 thôn Vườn Trầu. Bà Điểm - 18 thôn Vườn Trầu giờ đã khác xưa nhiều lắm, đường sá khang trang, nhà cửa mọc lên nhiều hơn. Thế hệ chúng tôi đã qua đi, tôi mong muốn đóng góp một chút công sức của mình để thắp sáng ước mơ cho thế hệ trẻ quê nhà. Là sinh viên thế hệ đi trước, tôi nghĩ mình phải có trách nhiệm với lớp trẻ, góp tay chung sức động viên các sinh viên nghèo vượt qua hoàn cảnh khó khăn để ăn học thành tài”.

“Mỗi thế hệ, mỗi cá nhân là một hoàn cảnh khác nhau nhưng có chung một niềm tin, một chí hướng. Được sống trong thời bình, được đào tạo bài bản, được sự quan tâm của các cô chú lãnh đạo đã từng vào sinh ra tử để bảo vệ quê hương Bà Điểm, bảo vệ truyền thống 18 thôn Vườn Trầu. Tuổi trẻ quê hương Bà Điểm hứa sẽ sống xứng đáng với truyền thống với thế hệ đi trước” - Tiêu Thảo Ngân, sinh viên ĐH Y Dược, cán bộ Đoàn xuất sắc, hứa.

HỒNG - NHUNG

Tin cùng chuyên mục