Sức trẻ ở Trường Sa

Con tàu từ đất liền rẽ sóng ra khơi hướng về phía quần đảo Trường Sa thân yêu, nơi có những người con ưu tú của đất nước đang làm nhiệm vụ bảo vệ biển đảo thiêng liêng. Ngắm mặt biển xanh bao la, ai cũng cảm nhận vẻ đẹp kỳ bí của biển và háo hức đến với Trường Sa.
Sức trẻ ở Trường Sa

Con tàu từ đất liền rẽ sóng ra khơi hướng về phía quần đảo Trường Sa thân yêu, nơi có những người con ưu tú của đất nước đang làm nhiệm vụ bảo vệ biển đảo thiêng liêng. Ngắm mặt biển xanh bao la, ai cũng cảm nhận vẻ đẹp kỳ bí của biển và háo hức đến với Trường Sa.

Chiến sĩ trẻ Trần Công Tú, 20 tuổi, nhà ở quận Bình Tân, TPHCM ra đảo Sơn La được hơn 1 năm. Dù gặp nhiều khó khăn, gian khổ nhưng anh vẫn cùng đồng đội vượt lên tất cả để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Vì thế mà mới nhập ngũ tháng 9-2012, đến đầu tháng 12-2013, Tú đã được vinh dự kết nạp vào Đảng. Hỏi sức mạnh nào khiến anh hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, Tú không ngần ngại đáp: “Đó là nhờ tình yêu biển đảo mãnh liệt luôn ngự trị trong trái tim những người lính trẻ chúng tôi…”. Với chiến sĩ trẻ Lê Huy Quân, 21 tuổi, đóng quân tại đảo Song Tử Tây đã hơn 1 năm, hỏi anh có nhớ nhà không, Quân đáp: “Bây giờ đảo đã có điện sáng, ti vi, điện thoại liên lạc về đất liền nên cũng đỡ nhớ nhà…”.

Bộ đội Trường Sa trong một cuộc giao lưu tại TPHCM.

Bộ đội Trường Sa trong một cuộc giao lưu tại TPHCM.

Với suy nghĩ “làm trai cho đáng thân trai”, nhiều thanh niên đã tạm gác đèn sách và cuộc sống đầy đủ để đến những nơi đầu sóng ngọn gió thử sức và rèn luyện bản thân sống có ích cho gia đình và xã hội. Chiến sĩ trẻ Lương Văn Đan, đóng quân tại đảo An Bang là đảo xa nhất của quần đảo Trường Sa là một ví dụ. Anh tâm sự: “Tại đảo An Bang, tàu bè rất khó qua lại vì rất dễ bị sóng và san hô lật chìm, nhưng lính đảo vẫn kiên trì bám đảo, bám biển. Đây còn là nơi tránh trú bão cho ngư dân đánh bắt cá xa bờ…”.

Tương tự, chiến sĩ trẻ Nguyễn Song Hùng, 23 tuổi, quê Bình Thuận, đóng quân tại đảo Đá Đông A được hơn 1 năm chưa về thăm nhà nhưng vẫn vô tư: “Quê tôi ở vùng biển Bình Thuận nên gắn bó với biển từ nhỏ, ra đảo làm nhiệm vụ, tôi thấy càng gắn bó với biển hơn, có lẽ cả đời chẳng thể xa biển…”. Ở Trường Sa, dù khó khăn đến mấy cũng không làm các chiến sĩ trẻ giảm bớt tinh thần lạc quan yêu đời. Binh nhất Lương Văn An, đóng quân tại đảo Sinh Tồn Đông, khoe: “Ở đảo không chỉ có nắng, gió, bão táp mà còn có những cây bàng vuông xinh đẹp, hoa nở trắng cả đảo với hương thơm làm dịu mát tâm hồn. Cánh lính trẻ chúng tôi thường ngồi dưới tán bàng vuông đàn hát, ngâm thơ và thấy cuộc đời vẫn đẹp sao…”.

Bộ đội Trường Sa được ví như những cột mốc sống và những ngọn hải đăng lấp lánh giữa lòng biển khơi. Chiến sĩ trẻ Nguyễn Ngọc Hải Đăng, đóng quân tại đảo Sơn Ca, kể: “Mỗi khi có bão lớn, bộ đội trên đảo luôn sẵn sàng giúp đỡ ngư dân tránh trú bão kịp thời nên bà con rất yên tâm. Còn những khi có tàu lạ xâm nhập trái phép lãnh hải nước ta, bộ đội hải quân luôn có mặt kịp thời để nhanh chóng ổn định tình hình trên biển…”.

Những năm gần đây, quần đảo Trường Sa phát triển không ngừng, tạo ra một diện mạo mới và thế đứng vững vàng giữa biển khơi. Với sự giúp sức từ đất liền, bộ đội ngoài đảo đã có cuộc sống khá hơn, đã có nguồn rau xanh, nước sạch và vật liệu xây dựng nhà cửa… Thiếu úy Nguyễn Văn Thôn, đảo Đá Lát, bộc bạch: “Giờ đây lính đảo rất cần món ăn tinh thần của đất liền để thấy mình không phải là những chàng Robinson cô đơn trên đảo…”.

Không thể kể hết tình cảm của những cán bộ, chiến sĩ đang đóng quân tại các điểm đảo thuộc quần đảo Trường Sa. Chỉ biết rằng, tình yêu biển đảo trong trái tim những người lính còn cao hơn những con sóng bạc đầu để góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc. Dẫu còn nhiều khó khăn, gian khổ nhưng bộ đội Trường Sa vẫn luôn xứng danh Bộ đội Cụ Hồ và xứng đáng với danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân thời kỳ đổi mới mà Đảng, Nhà nước đã phong tặng.

NGỌC LAN

Tin cùng chuyên mục