Sức trẻ ở vùng khó

Nỗ lực của sức trẻ
Sức trẻ ở vùng khó

Mỗi người một hoàn cảnh khác nhau nhưng ở họ đều có một điểm chung lòng nhiệt huyết, không quản ngại khó khăn gian khổ... Với họ, được cống hiến sức trẻ là niềm vui, cơ hội để thực hiện những khát vọng, hoài bão lớn lao của tuổi trẻ. Họ là những trí thức trẻ tình nguyện đã và đang nỗ lực góp phần làm thay đổi diện mạo những vùng nông thôn các xã vùng sâu, vùng xa ở Tây Nguyên.

Phó Chủ tịch UBND xã Văn Xuôi Nông Thị Hạnh (bìa trái) năng nổ với trọng trách được giao.

Phó Chủ tịch UBND xã Văn Xuôi Nông Thị Hạnh (bìa trái) năng nổ với trọng trách được giao.

Nỗ lực của sức trẻ

Chứng kiến một ngày làm việc của trí thức trẻ tình nguyện A Dân, Phó Chủ tịch UBND xã Măng Bút, huyện vùng sâu Kon Plông (tỉnh Kon Tum), chúng tôi hiểu được khát vọng cống hiến của chàng thanh niên người dân tộc thiểu số này. Sinh ra và lớn lên ở Măng Bút, một xã nghèo của huyện Kon Plông, nên A Dân thấu hiểu sâu sắc nỗi khổ của sự đói nghèo. Tốt nghiệp đại học chuyên ngành kinh tế, A Dân tình nguyện nộp đơn tham gia Dự án Trí thức trẻ về vùng sâu, làm Phó Chủ tịch UBND xã và may mắn được phân công về chính quê hương của mình.

Ở cương vị mới, A Dân luôn nghĩ cách giúp bà con thoát nghèo. Nhận thấy bà con tuy cần cù lao động nhưng thiếu kiến thức, thiếu kỹ thuật trong trồng trọt, chăn nuôi nên hiệu quả kinh tế chưa cao. Với kiến thức tích lũy được trong nhà trường, cộng với sự thông thuộc về địa hình, am hiểu phong tục tập quán, ngôn ngữ, A Dân đã chủ động phối hợp với các đoàn thể xây dựng mô hình nuôi trâu bò, heo gà để bà con học tập và làm theo.

Đến nay, trên địa bàn xã Măng Bút có gần 20 hộ phát triển mô hình chăn nuôi, bước đầu đã mang lại hiệu quả kinh tế. Không những vậy, anh còn vận động bà con tích cực nhận khoán quản lý và bảo vệ rừng, phát triển kinh tế lâm nghiệp và các sản phẩm từ rừng. Từ hướng đi đúng đắn này, nhiều hộ gia đình đã thoát khỏi đói nghèo và vươn lên làm giàu.

Nông Thị Hạnh, Phó Chủ tịch UBND xã Văn Xuôi, huyện Tu Mơ Rông (tỉnh Kon Tum) sôi nổi kể về những việc đã làm được nơi đây. Từ Học viện Hành chính, cô về gắn bó với đất và người Văn Xuôi, cô gái dân tộc Tày xinh đẹp này nhận thấy bà con địa phương còn nghèo do lối sản xuất nhỏ, manh mún, thiếu kỹ thuật… Từ đó, cô đã bàn bạc với lãnh đạo xã, cùng các đoàn thể đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động bà con thay đổi phương thức sản xuất, áp dụng khoa học kỹ thuật, đưa các loại cây trồng mới có năng suất cao vào canh tác. Đồng thời, tích cực tuyên truyền cho bà con hiểu Nhà nước có nhiều chính sách ưu đãi, hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số, người nghèo, nhưng để thoát khỏi cảnh đói nghèo thì trước hết phải tích cực lao động.

Cô tâm sự: Với khát vọng được trải nghiệm, tôi đã tình nguyện nộp đơn xin tham gia dự án 600 trí thức trẻ về làm phó chủ tịch xã nghèo và được phân công về xã Văn Xuôi. Dù chặng đường phía trước còn nhiều gian nan nhưng tôi sẽ luôn nỗ lực hết mình để vượt qua, xứng đáng với sự mong đợi của người dân. Để làm được điều đó trước hết phải gần dân, phải làm được những công việc cụ thể để giúp dân.

Đối với Phan Đình Hân, cử nhân trẻ tốt nghiệp Đại học Nông lâm TPHCM, ngày ra trường đã tình nguyện về xã căn cứ cách mạng Kroong, một trong những xã vùng sâu, vùng xa khó khăn nhất của huyện Kbang (tỉnh Gia Lai).

Ở vùng đất mới, Hân không nề hà bất cứ việc gì và luôn đưa ra sáng kiến giải quyết. Do vậy, hơn hai năm bám xã, Hân được tin tưởng giao phụ trách nhiều công việc, từ công tác định canh, định cư, giao thông, thủy lợi, đến hướng dẫn bà con cách chăn nuôi, anh còn là thành viên Ban phát triển nông nghiệp xã, trực tiếp tham gia dự án cải thiện đời sống các dân tộc khu vực Tây Nguyên. Cũng là một kỹ sư nông nghiệp trẻ, Trần Thị Thanh Bình được bố trí công tác tại xã biên giới Ia Nan, huyện Đức Cơ (tỉnh Gia Lai). Cả xã chỉ có một cán bộ nông nghiệp nên chị rất bận, từ kiểm tra đồng ruộng, đến hướng dẫn bà con trong trồng trọt, chăn nuôi.

Bình chia sẻ: “Nhận thức của đồng bào dân tộc thiểu số còn hạn chế, chưa biết áp dụng kỹ thuật vào sản xuất nên làm ăn chưa hiệu quả. Muốn thay đổi phương thức sản xuất của bà con không thể nóng vội phải làm từ từ, giúp bà con hiểu và làm theo khoa học một cách bền vững”.

Đâu khó có thanh niên

Triển khai từ năm 2009 đến nay, thực hiện Đề án 03 về “Tuyển chọn sinh viên tốt nghiệp đại học về công tác ở xã”, tỉnh Gia Lai đã tuyển chọn hơn 140 sinh viên (SV) sau khi tốt nghiệp đại học giao cho các huyện bố trí công tác ở các xã thuộc vùng 2, vùng 3. Để tạo điều kiện và khuyến khích SV tham gia đề án, Tỉnh ủy Gia Lai quyết định một số chế độ, chính sách thu hút như: Được hưởng lương hằng tháng ở mức khởi điểm; được hưởng các chế độ theo quy định hiện hành như đóng BHXH, BHYT; được ưu tiên tuyển dụng vào ngạch công chức... Ngoài ra, nếu SV được bố trí về công tác tại xã vùng 2 được hỗ trợ 10 triệu đồng; xã vùng 3 được hỗ trợ 15 triệu đồng.

Xông xáo, trách nhiệm là những gì có thể thấy ở họ. Tuy nhiên, họ cũng gặp nhiều khó khăn bởi điều kiện sống eo hẹp và những bỡ ngỡ với thực tế. Đối với những Phó Chủ tịch xã trẻ ở tỉnh Kon Tum, mặc dù bước đầu gặt hái được một số thành công nhưng họ cũng gặp những khó khăn. Phó Chủ tịch UBND xã Văn Xuôi, Nông Thị Hạnh tâm sự: “Ngoài những trở ngại chung phong tục tập quán, đường sá, thời tiết, sự bất đồng về ngôn ngữ... tuổi đời còn trẻ, chưa có kinh nghiệm, khiến mình gặp rất nhiều khó khăn trong công việc.

Những ngày đầu khi ở cương vị mới, nhiều đồng nghiệp, người dân không tin tưởng lắm với những ý tưởng do mình đưa ra. Thậm chí có người đã hỏi thẳng: Cô còn trẻ quá, làm Phó Chủ tịch xã liệu có quá sức không? Nhưng mình nghĩ, có khó, có khổ mới cần đến tuổi trẻ. Thế nên mình đi khắp các thôn, làng trong xã tìm hiểu, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của bà con, càng đi càng thấy gắn bó. Mặc dù còn nhiều khó khăn nhưng những trí thức trẻ đã tìm được hướng đi sau thời gian gắn bó cơ sở: “Tôi tin với sự quyết tâm và nhiệt huyết, mọi khó khăn sẽ được đẩy lùi. Mục tiêu lớn nhất của tôi là để lại dấu ấn nơi đã công tác, nhìn thấy được sự đổi thay tích cực trong cuộc sống của người dân. Có như thế, mọi người mới thấy được tính hiệu quả của đề án”, chị Trần Thị Thanh Bình chia sẻ.

Khao khát được cống hiến sức mình, những trí thức trẻ tình nguyện đã chọn những địa phương khó khăn nhất (không là người tại chỗ), hoặc về lại địa phương mình để trải nghiệm, gửi gắm những hoài bão. Với phương châm “cùng ăn, cùng ở, cùng làm”, “đâu cần thanh niên có, đâu khó có thanh niên”, những trí thức trẻ đang đem những kiến thức học tập được ở trường đại học về xây dựng quê hương giàu đẹp.

  • Ông Đặng Thanh Nam, Phó Chủ tịch UBND huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum:

"Chúng tôi rất mừng khi thấy cán bộ trẻ giải quyết công việc khá tốt; tinh thần làm việc nhiệt tình, năng động, sáng tạo, thực hiện tốt quy chế làm việc, đoàn kết nội bộ. Tuy thời gian chưa dài nhưng các trí thức trẻ đã làm việc rất hiệu quả tại vùng đặc biệt khó khăn"

Đức Trung

Tin cùng chuyên mục