Nhạc sĩ Phan Lai Triều (con trai nhà thơ nổi tiếng Chế Lan Viên) là hội viên Hội Âm nhạc TPHCM, hiện công tác tại Liên hiệp Các hội VHNT TPHCM. Là con trai một nhà thơ nổi tiếng, nhưng Phan Lai Triều lại không đi theo con đường thơ văn của cha.
Anh yêu âm nhạc từ thuở bé, tham gia hoạt động âm nhạc trong đội văn nghệ từ thời học sinh phổ thông cho đến khi lên đường vào mặt trận chiến đấu chống Mỹ - ngụy. Anh từng học piano ở Trường Âm nhạc Việt Nam và sau này khi từ mặt trận trở về tiếp tục học âm nhạc qua lớp sáng tác nâng cao do Hội Âm nhạc TPHCM tổ chức (2006, 2008). Say mê sáng tác, anh từng có một số ca khúc như: Lá thư gửi từ lòng đất, Hà Nội và em, Về lại Phong Châu, Khúc tự tình bên hồ Đắk Min, Quà của bố, Bình minh Hạ Long... được các đồng đội cũ của anh ở Trường Sơn và đông đảo người nghe yêu thích. Đặc biệt là Lá thư gửi từ lòng đất, và Nhớ bạn Trường Sơn với những lời ca như thiêu đốt lòng người:
Trường Sơn ơi Trường Sơn!
Hôm nay trở lại Trường Sơn thắp nén hương thơm dâng lên mộ người đồng chí
Muốn hát cùng nhau biết bao bài ca, mà sao tiếng ca nghẹn lời
Bạn hỡi, người ơi!
Ôi ta nhớ, nhớ tiếng hát, tiếng cười của em giữa cung đường lửa đạn, bom rơi
Nhớ, nhớ tiếng hát yêu đời của anh nơi trận địa, tuyến đường lửa bom
Nhớ những cơn sốt rét rừng, những cơn mưa rừng và gió nắng Trường Sơn.
Một ngày gần đây, con trai của nhà thơ nổi tiếng ấy mời tôi lại nhà chơi, và trân trọng hát cho tôi nghe một sáng tác mới của anh có tên gọi: Ơi sông xanh, sông xanh…
Ơi sông xanh sông xanh
Tên em là sông xanh
Hồn mát ngọt trong lành
Suốt cuộc đời như dòng sông háo hức
Suốt cuộc đời mải mê vượt thác ghềnh…
Nói thật, giọng hát anh không thật hay, đánh guitar thì cũng bập bùng kiểu người lính ở mặt trận, nhưng làm tôi xúc động mạnh mẽ, vì trước hết đây chính là bài thơ của mẹ tôi (NSƯT Tân Nhân) viết tặng cô giáo (mà tôi vẫn gọi là dì - như em ruột của mẹ) là nhà giáo Nguyễn Thị Thanh Hà. Dì Hà mới mất hơn 6 tháng, tình cảm chan chứa với dì trong chúng tôi hết sức sâu đậm. Và thêm nữa, từ lời ca đến nét nhạc, dù chỉ hát mộc thôi, nhưng người ta nghe rõ tiếng trái tim người nhạc sĩ đầy yêu thương kính trọng trong đó.
- Anh biết không - cô giáo Thanh Hà chính là chủ nhiệm của tôi hồi cấp ba (Trường Phổ thông 3B Hà Nội). Lũ học sinh chúng tôi, con cán bộ cao cấp hay con văn nghệ sĩ nổi tiếng, hay con nhà bình dân, dù là ai cũng được cô dạy bảo, chăm sóc hết lòng. Suốt cuộc đời chúng tôi mang ơn cô. Suốt cuộc đời chúng tôi không quên giọng giảng bài ấm áp có pha tiếng Hà Tĩnh của cô. Suốt cuộc đời chúng tôi không quên những cử chỉ chăm sóc, dạy bảo của cô. Anh biết không, ngày ấy tôi lại là đứa trò quậy phá nhất lớp, cũng có thể làm phiền lòng cô nhất lớp. Nhưng tôi vẫn được cô yêu thương dạy bảo, chăm sóc cho đến khi cầm súng ra mặt trận, nhiều đêm nằm giữa rừng núi nhớ về trường xưa, lại nhớ tới hình ảnh của cô và của bao thầy cô giáo khác đã tận tình nuôi dạy mình nên người mà không cầm được nước mắt…
Anh lại rải hợp âm trên cây đàn guitar và lại hát: Rồi các em lớn lên/Đi khắp chân trời góc biển/Nhớ những lời cô dạy/Nuôi những ước mơ xanh. Tôi thấy trên má Phan Lai Triều những giọt nước mắt, lại nhớ những giọt nước mắt đêm nào anh nằm giữa chiến hào nhớ cô giáo, những dòng nước mắt hôm nào anh và những bạn bè tiễn đưa cô giáo Nguyễn Thị Thanh Hà về nơi an nghỉ cuối cùng…
- Nghệ sĩ Tân Nhân là ca sĩ, chỉ làm thơ khi thật xúc cảm. Khi tôi đọc bài thơ cô Tân Nhân viết tặng cô giáo Nguyễn Thị Thanh Hà, tôi thấy đấy là thơ của những người tri âm, tri kỷ, hay quá, đúng quá. Suốt cuộc đời nhà giáo Nguyễn Thị Thanh Hà là một dòng sông xanh văn vắt, trong lành, nhưng lại luôn háo hức, say mê lao về biển cả. Suốt cuộc đời cô là sự hiến thân cho sự nghiệp giáo dục trồng người, cho những thế hệ học sinh chúng ta nên người. Cô là một nhà sư phạm lớn trong tâm thức của tất cả thế hệ học sinh chúng tôi…
Triệ̣u Phong