Nhiều đổi mới chính sách quan trọng được đề xuất trong dự thảo sửa đổi Luật Bảo vệ môi trường 2005 đang được Bộ Tài nguyên - Môi trường lấy ý kiến, hoàn thiện. Dự thảo sẽ được trình Chính phủ ngay trong quý 2 này và dự kiến được trình Quốc hội cho ý kiến lần đầu tại kỳ họp thứ 6 vào cuối năm nay.
PGS-TS Bùi Cách Tuyến, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên - Môi trường, Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường cho biết, dự thảo luật mới nhất có 18 chương, 171 điều (Luật Bảo vệ môi trường 2005 có 15 chương và 135 điều), trong đó có nhiều chương mới hình thành do tách chương và bổ sung nội dung và có rất nhiều quy định mới. Đơn cử một thành phần môi trường hoàn toàn mới được chế định là môi trường đất. Hay các nội dung về quy hoạch môi trường, báo cáo đánh giá tác động môi trường, cam kết bảo vệ môi trường...
Dự thảo cũng dành 5 điều để nói về quy hoạch môi trường. Theo đó có 3 loại quy hoạch: môi trường quốc gia, môi trường vùng kinh tế - xã hội và môi trường cấp tỉnh. Hai loại đầu do Bộ TN-MT tổ chức lập, thẩm định trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; loại thứ 3 do UBND cấp tỉnh lập, gửi Bộ thẩm định và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt... Đây là vấn đề còn nhiều ý kiến tranh luận, PGS-TS Bùi Cách Tuyến nhấn mạnh rằng quy hoạch môi trường phải mang tính liên vùng. Nhìn trên bản đồ vệ tinh, một bên sông Sài Gòn phía TPHCM được quy hoạch làm khu du lịch, vùng sinh thái. Nhưng bên kia sông thuộc địa phận Bình Dương thì lại xây dựng khu bến cảng hoạt động rầm rộ, tấp nập... Cũng đã có chuyện hai địa phương quy hoạch hai khu xử lý rác thải ngay sát ranh giới hành chính của nhau. Nếu mạnh địa phương nào địa phương đó làm thì sẽ dẫn đến những nghịch lý tương tự!
Trước nhiều ý kiến khác nhau về các quy định có liên quan đến báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM), PGS-TS Bùi Cách Tuyến cho rằng, chủ đầu tư phải chịu trách nhiệm chính. Những quy định về lập báo cáo ĐTM trước đây có nhiều kẽ hở; trình độ nhận thức về môi trường của cộng đồng doanh nghiệp cũng chưa cao, chưa đồng đều nên vẫn còn tình trạng lập ĐTM để đối phó. Dự thảo lần này phân ra 3 nhóm dự án phải lập ĐTM, giao Chính phủ quy định cụ thể danh mục các dự án. Dự thảo cũng quy định rõ hơn về ĐTM ban đầu và ĐTM chi tiết đối với các dự án có giai đoạn tiền khả thi và xin chủ trương đầu tư; quy định rõ về việc tham vấn và những ĐTM phải tham vấn; điều kiện của các tổ chức thực hiện tham vấn...
* Có ý kiến cho là thủ tục ĐTM không rõ ràng, phức tạp; gây khó cho doanh nghiệp; nhưng cũng có ý kiến lại cho rằng cần phải lập báo cáo ĐTM chi tiết ngay từ trước khi phê duyệt đối với mọi dự án thuộc diện phải lập ĐTM... Lý tưởng đúng là phải có ĐTM chi tiết trước khi dự án được phê duyệt. Nhưng cũng phải xét đến trình độ phát triển, nguồn lực của nước ta để đảm bảo tính khả thi và hài hòa với các mục tiêu khác, phải có bước đi thích hợp. Nước nào khi làm luật cũng vậy. Mong muốn là làm thế nào để vừa không buông lỏng quản lý nhà nước về môi trường, vừa thông thoáng, tạo điều kiện cho DN phát triển sản xuất kinh doanh.
ANH THƯ