Tác hại từ người có ảnh hưởng lan truyền tin giả

“Một tá nguồn tin giả” là cách gọi mà Trung tâm Chống thù ghét kỹ thuật số (CCDH) - một tổ chức phi chính phủ có trụ sở ở Washington (Mỹ) và London (Anh) dành cho các cá nhân có ảnh hưởng tham gia lan truyền tin giả về dịch Covid-19 trên Internet.
Ông Robert F. Kennedy Jr., người có tên trong danh sách “một tá nguồn tin giả” của CCDH
Ông Robert F. Kennedy Jr., người có tên trong danh sách “một tá nguồn tin giả” của CCDH

Phao tin… được tiền

Theo đài NHK, một trong những cá nhân nằm trong danh sách “một tá nguồn tin giả” của CCDH là ông Robert F. Kennedy Jr., cháu trai cựu Tổng thống Mỹ John F. Kennedy. Ông Robert F. Kennedy Jr. có rất nhiều lượt theo dõi trên mạng, không phải vì ông là thành viên gia tộc chính trị Kennedy nổi tiếng, mà vì ý kiến của ông về virus SARS-CoV-2 và thái độ hoài nghi vaccine Covid-19. Có thời điểm tài khoản cá nhân ông Kennedy thu hút hơn 1 triệu lượt theo dõi trên mạng xã hội. 

Ông Kennedy đứng đầu một tổ chức lớn lan truyền các phát ngôn sai lệch. Vốn là một nhà hoạt động vì môi trường kỳ cựu, ông giữ vai trò nhà thành lập, Chủ tịch hội đồng quản trị và cố vấn pháp lý cho Tổ chức Bảo vệ sức khỏe trẻ em, một tổ chức ông lập ra vào năm 2018 với nhiệm vụ xóa bỏ dịch bệnh ở trẻ em. Tổ chức phát hành tin tức và quảng bá các cuốn sách phản đối vaccine, thường kèm theo thông tin sai lệch. Tổ chức này cũng sản xuất một bộ phim gây tranh cãi nhằm vào người da màu, lợi dụng vấn đề phân biệt chủng tộc để lan truyền sự hoài nghi đối với vaccine.

Trong khi đó, ông Joseph Mercola - một nhà hoạt động nổi tiếng phản đối vaccine và là cá nhân được nêu tên đầu tiên trong danh sách “một tá nguồn tin giả” - từng có thời điểm có hơn 4 triệu lượt theo dõi trên các nền tảng mạng xã hội… Ông Mercola sử dụng tổ chức của mình là Mercola.com, không chỉ để thúc đẩy sự lo ngại đối với vaccine mà còn để lôi kéo người dùng mua thực phẩm chức năng có nguồn gốc tự nhiên của ông.

Theo CCDH, các nhà hoạt động phản đối vaccine có tổng cộng hơn 59 triệu lượt theo dõi trên mạng. Một báo cáo của tổ chức phi chính phủ này đã chỉ ra rằng, những người đưa tin giả đứng sau 65% các nội dung phản đối vaccine trên Facebook, Twitter và Instagram trên toàn cầu. Bất chấp những dữ liệu khoa học không thể phủ nhận về lợi ích và sự an toàn của các loại vaccine Covid-19, những người như ông Kennedy sử dụng ảnh hưởng của mình trên mạng xã hội và các nơi khác để gieo rắc nghi ngờ. Sự hiện diện trên mạng của những người này gây quan ngại trong bối cảnh tốc độ tiêm chủng chậm chạp do sự thiếu tin tưởng vào vaccine.

Một báo cáo khác của CCDH cho thấy, phong trào phản đối vaccine trên mạng đem lại doanh thu hàng năm ít nhất 36 triệu USD. Ông Mercola thu về hơn 7 triệu USD và ông Kennedy được gần 3 triệu USD từ phong trào này. Các doanh nghiệp và tổ chức từ thiện đứng sau các cá nhân như ông Kennedy và ông Mercola góp phần lan truyền thông tin sai lệch trên quy mô lớn và có ảnh hưởng mạnh mẽ cả trên mạng lẫn ngoài đời. Bằng việc chia sẻ nội dung trên trang web của mình, các tổ chức này tránh được quy định của các mạng xã hội.

Các nhà hoạt động phản đối vaccine bóp méo nội dung về dịch Covid-19 và vaccine bằng cách trích dẫn tin đồn đã bị bác bỏ, thay đổi thông tin do chính phủ cung cấp và không đưa đầy đủ dữ liệu quan trọng. Các thủ đoạn này giúp họ hầu như tránh được quy định của mạng xã hội. Bác sĩ và chuyên gia y tế công cộng đã nhiều lần trấn an người dân về tính an toàn và hiệu quả của vaccine Covid-19, cảnh báo rằng thông tin sai lệch cản trở nỗ lực gia tăng tỷ lệ tiêm chủng.

Cản trở nỗ lực chung

Ông Imran Ahmed, Giám đốc điều hành CCDH, gọi cách làm của ông Mercola là “thủ đoạn tiếp thị”. Ông Ahmed cho rằng, việc đăng thông tin sai lệch là bước đầu tiên để lôi kéo người dùng các mạng xã hội bên ngoài trở thành khách hàng của ông Mercola. Ông Ahmed gọi “một tá nguồn tin giả” là “những kẻ tinh vi trong việc xây dựng lòng tin” và cho biết những người này ngày càng sành sỏi hơn.

Bà Sabrina Assoumou, bác sĩ về bệnh truyền nhiễm thuộc Trung tâm Y tế Boston (Mỹ), cho hay: “Thông tin sai lệch thực sự là thách thức lớn đối với chúng tôi trong việc kêu gọi đủ người tiêm vaccine để tất cả chúng ta có thể quay về trạng thái bình thường mới”.

Theo bà Assoumou, dữ liệu đáng sợ và sai lệch thường lấn át thông tin chính xác. Ví dụ, ông Kennedy nhiều lần tuyên bố rằng, vaccine Covid-19 là nguyên nhân khiến 12.000 người tử vong. Nhiều chuyên gia y tế công cộng đã bác bỏ thông tin này.

Ông Howard Heller, chuyên gia về bệnh truyền nhiễm tại Bệnh viện Đa khoa Massachusetts liên kết với Đại học Y Harvard, nói: “Đúng là vaccine Covid-19 có phản ứng phụ, nhưng chỉ là trong thời gian ngắn như sốt và đau nhức, chứ không phải phản ứng phụ gây tử vong”.

Các công ty mạng xã hội bị chỉ trích là để thông tin sai lệch lan truyền. Tổng thống Mỹ Joe Biden từng nói rằng, các nền tảng cho phép lan truyền tin giả đang “giết chết người dân”. Sau đó, ông Biden đã rút lại phát ngôn này và nói rằng lỗi ở các cá nhân lan truyền thông tin sai lệch. Dù vậy, ông Biden vẫn yêu cầu Facebook có hành động đối với tin giả,“chứ đừng tự ái vì lời chỉ trích”. Facebook, công ty sở hữu cả Instagram, đã thông báo hành động ứng phó với “một tá nguồn tin giả”. Công ty đã xóa 36 trang, nhóm và tài khoản, đồng thời phạt thêm các trang, nhóm và tài khoản liên quan tới “một tá nguồn tin giả”.

Nhằm tăng cường nỗ lực kiểm soát thông tin sai lệch về y tế, Twitter thông báo người dùng có thể báo cáo các bài đăng có vẻ gây hiểu lầm và có thể xếp nội dung báo cáo vào mục thông tin về dịch Covid-19.

Ông Ahmed cho biết: “Chúng tôi không nói rằng hãy buộc những cá nhân thuộc danh sách của CCDH phải im lặng hay đưa họ vào tù. Chúng tôi kêu gọi đóng tài khoản của những người này trên nền tảng tư nhân. Đừng giao cho họ chiếc loa phát thanh mạnh nhất trong lịch sử nhân loại, cho họ cách kết nối và lan truyền thông tin cho hàng tỷ người mà không mất phí”.

Tin cùng chuyên mục