Tái cấu trúc, sắp xếp các ngân hàng: Hướng tới cạnh tranh minh bạch

Thời gian qua, hoạt động của các ngân hàng - loại hình doanh nghiệp đặc biệt, thường bị nghĩ là được Nhà nước “bảo kê” - bị coi là yếu đi khi đầu tư dàn trải, dẫn đến rủi ro cao cho người gởi tiền. Tuy nhiên, những năm gần đây, Nhà nước đã tiến hành sắp xếp các ngân hàng, dần xây dựng lại niềm tin trong dân. Trong thời kỳ mở cửa, các ngân hàng Việt Nam cần ứng phó thế nào trong tình hình mới?
Tái cấu trúc, sắp xếp các ngân hàng: Hướng tới cạnh tranh minh bạch

Thời gian qua, hoạt động của các ngân hàng - loại hình doanh nghiệp đặc biệt, thường bị nghĩ là được Nhà nước “bảo kê” - bị coi là yếu đi khi đầu tư dàn trải, dẫn đến rủi ro cao cho người gởi tiền. Tuy nhiên, những năm gần đây, Nhà nước đã tiến hành sắp xếp các ngân hàng, dần xây dựng lại niềm tin trong dân. Trong thời kỳ mở cửa, các ngân hàng Việt Nam cần ứng phó thế nào trong tình hình mới?

Tạo sức mạnh cho ngân hàng

Từ năm 2012, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã triển khai lành mạnh hóa hoạt động tài chính của các ngân hàng thương mại thông qua việc xử lý nợ xấu, minh bạch hóa tài chính, tái cơ cấu tổ chức, hoạt động và quản trị hệ thống ngân hàng. Cụ thể là xây dựng các quy định về an toàn vốn, xử lý nợ xấu hệ thống bằng cách thành lập Công ty Quản lý tài sản (VAMC) và tăng cường quản trị rủi ro. Thời gian qua đã có khoảng 10 ngân hàng nhỏ tái cơ cấu, hợp nhất (như SCB, Ficombank, TinnghiaBank, Habubank sáp nhập SHB và hoạt động tự tái cơ cấu TienphongBank, TrustBank, Navibank, Westernbank và GP Bank). Thông qua hình thức mua bán và sáp nhập (M&A), hệ thống ngân hàng đã thực hiện cơ cấu một số ngân hàng như Sacombank - Southernbank, VietinBank - PGBank, BIDV - MHB, Vietcombank - SaigonBank, MaritimeBank - MekongBank, EximBank - NamAbank.

Đến nay, thông qua hoạt động sáp nhập, hợp nhất, nhiều ngân hàng, tổ chức tín dụng đã được xử lý như Đệ Nhất, Tín Nghĩa, Nhà Hà Nội, Phương Tây, Đại Á, OceanBank, GPBank… Trong đó, nhiều ngân hàng được mua với giá 0 đồng! Các tổ chức tín dụng phi ngân hàng yếu kém, chi phí cơ cấu lại quá lớn so với lợi ích đã được Nhà nước tiếp tục rà soát, đánh giá và xem xét xử lý. Một số tập đoàn và tổng công ty nhà nước cũng đang trong quá trình đàm phán bán lại cho nhà đầu tư khác. Việc xử lý triệt để này đã giúp các ngân hàng cải thiện tính thanh khoản, đẩy lùi nguy cơ đổ vỡ, đồng thời giảm nguy cơ trong việc sở hữu chéo lẫn nhau.

Để hỗ trợ cho quá trình cơ cấu lại các tổ chức tín dụng, một số điểm mới tích cực là Chính phủ đã ban hành nhiều quy định cho phép nhà đầu tư nước ngoài mua cổ phần của tổ chức tín dụng Việt Nam; quy định về phân loại nợ, trích lập và sử dụng dự phòng rủi ro; kiểm soát, kiểm toán độc lập; quản lý mạng lưới; niêm yết cổ phiếu của các tổ chức tín dụng trên thị trường chứng khoán...

Sau khi thuộc sở hữu NHNN với sự hỗ trợ toàn diện từ Vietcombank, Ngân hàng Xây dựng mới (CB) vừa được chấp thuận cho vay trở lại. Ảnh: HUY ANH

Chấn chỉnh để cạnh tranh

Vẫn trong mục tiêu tái cơ cấu hệ thống ngân hàng, Chính phủ đề ra nhiệm vụ giai đoạn năm 2016-2020 là chuyển biến mạnh mẽ trong chính sách tiền tệ, quản lý ngoại hối, đổi mới công tác điều hòa lưu thông tiền mặt. Các tổ chức tín dụng tiếp tục đổi mới quản trị doanh nghiệp theo thông lệ quốc tế, mở rộng phạm vi hoạt động và quy mô về vốn, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong chất lượng dịch vụ, sản phẩm dịch vụ, năng lực cạnh tranh và cấu trúc lại hệ thống. Mục tiêu là đưa các ngân hàng về với nhiệm vụ chính trong lưu chuyển tiền tệ.

Do vậy, Chính phủ đã đề ra nhiệm vụ của ngân hàng trong thời gian tới là tiếp tục tinh gọn và tiến tới hình thành chi nhánh NHNN khu vực; điều tiết thị thường tiền tệ, kiểm soát lạm phát một cách chủ động trên cơ sở sử dụng các công cụ tiền tệ gián tiếp, lấy lãi suất làm công cụ chủ đạo trong điều hành. Nhiệm vụ quan trọng và mang tính thời sự đó là xử lý tình trạng đô la hóa; hạn chế và tiến tới chấm dứt cho vay bằng ngoại tệ đến năm 2020; tự do hóa giao dịch vốn ở mức cao, tăng mức đầu tư gián tiếp đối với các nhà đầu tư nước ngoài hơn mức hiện tại; thực hiện chính sách tỷ giá linh hoạt với biên độ dao động rộng hơn…

Việc thanh tra, giám sát các ngân hàng dựa trên cơ sở quản lý rủi ro, áp dụng các chuẩn mực và thông lệ quốc tế về an toàn hoạt động ngân hàng. Thực hiện cơ chế phối hợp, chia sẻ thông tin đối thoại chính sách giữa NHNN và các cơ quan thanh tra thuộc khu vực tài chính trong nước, cơ quan giám sát tài chính, ngân hàng nước ngoài, bảo đảm giám sát toàn diện, nhất quán các hoạt động ngân hàng tại Việt Nam. Đồng thời, thúc đẩy mạnh mẽ việc mở rộng các dịch vụ ngân hàng cho các thành phần trong nền kinh tế, tăng cường cạnh tranh quốc tế và mở rộng mạng lưới ra ngoài phạm vi quốc gia; điều chỉnh mạnh mẽ cấu trúc hệ thống các tổ chức tín dụng theo hướng giảm dần số lượng, tăng quy mô về vốn tương ứng với năng lực quản trị điều hành và đảm bảo an toàn cho thị trường tài chính, tiền tệ.

CHẾ HÂN

Tin cùng chuyên mục