Tái chế phế liệu tạo sân chơi cho trẻ nghèo

Ngày cuối tuần, trong khu vui chơi do các bạn thanh niên địa phương tự tay làm ở điểm trường tiểu học và THCS xã Phước Kim (huyện Phước Sơn, tỉnh Quảng Nam) luôn ngập tràn tiếng cười vui của các em học sinh.
Tái chế phế liệu tạo sân chơi cho trẻ nghèo

Ngày cuối tuần, trong khu vui chơi do các bạn thanh niên địa phương tự tay làm ở điểm trường tiểu học và THCS xã Phước Kim (huyện Phước Sơn, tỉnh Quảng Nam) luôn ngập tràn tiếng cười vui của các em học sinh.

Những chiếc bập bênh, xích đu, ghế ngựa… cùng hàng chục đồ chơi từ những vật dụng tái chế được sơn đủ màu thật bắt mắt, luôn cuốn hút bọn trẻ. Với sự sáng tạo không ngừng, các thanh niên đã biến những vật dụng bỏ đi thành đủ thứ trò chơi vừa đảm bảo an toàn, gần gũi với thiên nhiên, vừa kích thích sự phát triển vận động, tư duy sáng tạo cho trẻ.

Học sinh hào hứng cùng sân chơi được tạo nên từ phế liệu

Chủ tịch Hội đồng Đội huyện Phước Sơn Hoàng Đình Ba cho biết, để xây dựng được khuôn viên trò chơi này cũng lắm kỳ công, phải nghĩ cách sao cho tiết kiệm nhất vì trường ở vùng sâu vùng xa, tiền vốn không có nhiều, nên chủ yếu tận dụng từ các đồ phế liệu. “Tiền ít nên chỉ đủ mua những vật dụng thiết yếu, còn lại chúng tôi phải đến các cơ sở thu mua phế liệu hỏi mua vỏ xe ô tô cũ, những thanh sắt có thể tái chế được rồi huy động thanh niên cùng tham gia ngày công”, anh Ba kể. Biết việc làm ý nghĩa của các bạn trẻ, nhiều chỗ bán không lấy tiền, thậm chí còn ủng hộ thêm đinh vít, sắt thép.

Có vật liệu trong tay, các bạn thanh niên hì hục cắt vỏ xe ô tô, cưa gỗ, vừa mò mẫm lắp ráp vừa chỉnh sửa để tạo thành những món đồ chơi. Các món đồ chơi bập bênh, ghế ngồi xích đu, ngựa... dần “hiện ra” dưới bàn tay khéo léo của các bạn trẻ. Trước đó, các thầy cô giáo của trường đã đến từng lớp tìm hiểu học sinh thích chơi trò gì, sơn đồ chơi màu gì, sắp xếp như thế nào để tổng hợp lại, tạo nên khu vui chơi cho đúng ý các em. “Lần đầu tiên được chơi đu quay, cầu trượt, con thích lắm, vui chơi không biết mệt”, em Hồ Thị Liễu (học sinh lớp 7/1) nói. Không riêng Liễu mà nhiều học sinh người dân tộc Gié Triêng và các cô giáo tại trường cũng chung niềm hân hoan, vui sướng kể từ khi khu vui chơi ngoài trời được lắp đặt, hoàn thiện.

Cô Lê Thị Nhã Trúc, Tổng phụ trách Đội Trường Phước Kim, phấn khởi: “Trẻ em vùng cao luôn mong có được sân chơi bổ ích. Khu vui chơi này được đầu tư xây dựng đưa vào hoạt động, các em và bà con mừng lắm”. Bí thư Huyện đoàn Hồ Văn Hải đánh giá công trình khu vui chơi từ đồ tái chế rất sáng tạo, chi phí làm các đồ chơi lại tiết kiệm. Anh Hải chia sẻ: “Từ mô hình này chúng tôi đã nhân rộng đến các đơn vị khác khảo sát, xây dựng địa điểm, thiết kế thêm được 3 khu vui chơi. Đồng thời sau khi lắp đặt họ có trách nhiệm bảo quản, tạo sân chơi bổ ích cho các em”.

TÂM AN

Tin cùng chuyên mục