Tái định cư thủy điện Bản Vẽ (Nghệ An) - Điện phát đi, dân quay về

Thủy điện Bản Vẽ (huyện Tương Dương, Nghệ An) được khởi công xây dựng năm 2004 và vận hành phát điện năm 2010. Để phục vụ cho công trình này, hàng ngàn hộ dân đã phải di dời đến nơi ở mới. Đúng ra, với chừng ấy thời gian thì cuộc sống của người dân ở nơi tái định cư (TĐC) phải đi vào ổn định. Tuy nhiên, đến nay công cuộc TĐC vẫn đang khá gian nan. Ngoài một số hộ dân vẫn còn ở nơi cũ, hàng trăm người vì ở quê mới khó làm ăn đã kéo nhau về, thậm chí không ít hộ dân bán cả nhà ở khu TĐC rồi dắt díu nhau về lại vùng lòng hồ…
Tái định cư thủy điện Bản Vẽ (Nghệ An) - Điện phát đi, dân quay về

Thủy điện Bản Vẽ (huyện Tương Dương, Nghệ An) được khởi công xây dựng năm 2004 và vận hành phát điện năm 2010. Để phục vụ cho công trình này, hàng ngàn hộ dân đã phải di dời đến nơi ở mới. Đúng ra, với chừng ấy thời gian thì cuộc sống của người dân ở nơi tái định cư (TĐC) phải đi vào ổn định. Tuy nhiên, đến nay công cuộc TĐC vẫn đang khá gian nan. Ngoài một số hộ dân vẫn còn ở nơi cũ, hàng trăm người vì ở quê mới khó làm ăn đã kéo nhau về, thậm chí không ít hộ dân bán cả nhà ở khu TĐC rồi dắt díu nhau về lại vùng lòng hồ…

Người dân sinh sống, làm ăn trên lòng hồ thủy điện Bản Vẽ.

Người dân sinh sống, làm ăn trên lòng hồ thủy điện Bản Vẽ.

Gian nan việc tái định cư

Từ năm 2006, để phục vụ cho công trình thủy điện Bản Vẽ, trên 2.000 hộ dân các xã Kim Đa, Kim Tiến, Hữu Khuông, Hữu Dương, Luân Mai (huyện Tương Dương) phải di dời tới các khu TĐC mới, trong đó tập trung phần lớn ở 2 xã Ngọc Lâm và Thanh Sơn (huyện Thanh Chương). Tuy nhiên, đến nơi ở mới không lâu, hàng trăm người dân đã quay về quê cũ để làm ăn, thậm chí có hộ bán nhà về luôn.

Cuối tháng 3 đầu tháng 4 vừa qua, UBND huyện Tương Dương phối hợp với huyện Thanh Chương và ban, ngành liên quan tiến hành khảo sát về thực trạng trên. Qua đó cho thấy, có 190 hộ với 587 nhân khẩu đã quay về quê cũ ở lòng hồ thủy điện Bản Vẽ. Đặc biệt, có 60 em nhỏ đã phải bỏ học để quay về cùng gia đình. Ngoài số dân đi đến khu TĐC mới rồi quay về, còn có 30 hộ dân với 142 khẩu tại bản Chà Coong (xã Hữu Dương cũ) “ở lì” không chịu di dời ngay từ đầu cho đến bây giờ.

Ông Trịnh Minh Châu, Chủ tịch UBND huyện Tương Dương, cho biết, phần lớn người dân, sau khi được giải thích, vận động đều đồng thuận di dời để phục vụ công trình thủy điện Bản Vẽ. Tuy nhiên, có 30 hộ dân tại bản Chà Coong không chịu đi, vì họ nghe theo 2 người trong bản đứng ra kiện UBND huyện về chính sách đền bù. Sau khi được các cơ quan có thẩm quyền kiểm tra và giải thích rõ là huyện làm đúng chính sách, họ vẫn không chịu đi.

“Về nguyên tắc, chúng tôi không được lập bản mới ở Chà Coong nữa, nên không thể có trường học, trạm y tế, đường sá,... Việc này hẳn nhiên các hộ dân cố tình ở lại gặp khó khăn, hệ lụy đến các cháu nhỏ. Mặc dù các hộ dân này đã gửi con em đến nhà bà con ở những nơi khác để đi học, nhưng về lâu dài thì quá thiệt thòi cho các cháu. Chúng tôi sẽ kiên quyết di dời 30 hộ dân này, bởi nếu không làm được, các hộ dân đã tự nguyện di dời sẽ không đồng tình”, ông Châu chia sẻ.

Vẫn chưa có giải pháp cụ thể

Về việc các hộ dân ở khu TĐC mới kéo nhau về lại quê cũ, Chủ tịch UBND huyện Tương Dương cho rằng có 2 nguyên nhân chính. Thứ nhất ở khu TĐC mới thiếu đất sản xuất, người dân không có kế sinh nhai, thiếu nguồn sống thiết yếu nên họ quay về. Thứ hai, sau mấy năm từ khi dân đi thì rừng tái sinh ở quanh vùng lòng hồ phát triển nhanh, đất đai màu mỡ thuận tiện cho làm nương rẫy. Cùng với đó là nguồn thủy sản ở lòng hồ rất lớn, thuận tiện cho việc đánh bắt, trong khi ở khu TĐC chỉ có khe suối nhỏ...

Việc người dân thiếu đất sản xuất ở khu TĐC Thanh Chương là do công tác điều tra quy hoạch không tốt. Khâu làm quy hoạch chỉ kê ra mỗi hộ đến nơi ở mới sẽ được chừng ấy đất vườn, đất sản xuất... nhưng không điều tra cụ thể thực địa xem đất nơi ấy có sản xuất được hay không, phù hợp với loại cây trồng gì, nguồn nước phục vụ sản xuất... Chính vì vậy, khi người dân đến nơi, thấy đất đai cằn cỗi, thiếu nguồn nước… không canh tác được nên tìm cách quay về quê cũ kiếm sống.

Mới đây, UBND tỉnh Nghệ An tiếp tục làm việc với các huyện Tương Dương, Thanh Chương, Ban Quản lý Thủy điện 2 và các ngành liên quan như Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài nguyên và Môi trường… để giải quyết vấn đề TĐC thủy điện Bản Vẽ. Tuy nhiên, cuộc làm việc này vẫn chưa đưa ra được một giải pháp cụ thể nào. Ví như, vấn đề thiếu đất sản xuất. Nhưng lấy đất ở đâu; cơ quan, đơn vị nào tổ chức thực hiện... vẫn chưa có câu trả lời.

Dự kiến, hướng sắp tới là tạo điều kiện cho dân ở khu TĐC trồng keo, chè,... trên phần đất cằn cỗi, thiếu nguồn nước; nhưng những loại cây trồng này không mang lại nguồn thu trước mắt. Và một khi, người dân thiếu cái ăn, thiếu những nhu cầu thiết yếu hàng ngày thì khó có thể ngăn họ quay về quê cũ.

DUY CƯỜNG

Tin cùng chuyên mục