Tại sao có câu “Gạo Cần Đước, nước Đồng Nai”?

Hỏi:

Hỏi: Tại sao có câu “Gạo Cần Đước, nước Đồng Nai”?
Quốc Việt (Đồng Nai)

LÊ TRUNG HOA: Từ trước năm 1820, người dân Gia Định đã sử dụng câu này. Theo Trịnh Hoài Đức, tác giả Gia Định thành thông chí (1820), nước sông Đồng Nai nổi danh mát, sạch, ngon, ngọt, nếu dùng nấu pha trà thì ở Nam bộ không nơi nào sánh bằng. Đó là về thức uống.


Còn về thức ăn, gạo ở huyện Cần Đước là ngon nhất. Ở Long An có hàng chục loại gạo bắt đầu bằng từ nàng: nàng chò, nàng co, nàng hương, nàng minh, nàng quất, nàng rẫy, nàng rừng, nàng sóc, nàng thơm, nàng tri,… Từ nàng có quan hệ tới từ néang (có nghĩa là “nàng”) của tiếng Khơ-me vì người Khơ-me thờ nữ thần Lúa. Các từ chồ, co… có lẽ là tiếng Khơ-me; còn các từ hương, minh, thơm, rừng… là tiếng Việt.

Trong các loại lúa trên thì nàng thơm ở chợ Đào là nổi tiếng nhất. Trong bài viết Gạo nàng thơm chợ Đào trong cuốn Nam bộ xưa và nay (NXB TPHCM và Tạp chí Xưa và Nay, 2001), Phi Yến có viết: “Chợ Đào là một chợ nhỏ nằm bên con kênh đào ăn thông với kênh Xóm Bồ chảy qua xã Mỹ Lệ, huyện Cần Đước” (tr.114).

Từ câu này, chúng tôi nghĩ cái tên chợ Đào có lẽ đã bắt nguồn từ kênh đào vì ban đầu người ta gọi chợ Kênh Đào, rồi rút gọn thành chợ Đào; tương tự cầu Xóm Kiệu thành cầu Kiệu, sông Ông Đốc thành sông Đốc,…

Tin cùng chuyên mục