Tại sao không ghi “miễn nhận tiền” mà lại ghi “miễn phúng điếu”?

Hỏi:

Hỏi: 1.  Phúng là “lễ vật đi điếu người chết”. Phúng điếu là “đem lễ vật đến hỏi thăm người có tang” (Đào Duy Anh, Hán Việt từ điển). Như vậy, tại sao người ta không ghi “miễn nhận tiền” mà lại ghi là “miễn phúng điếu”?
2. Bên dưới và phía trái các công văn, có người ghi “nơi gởi”, có người ghi “nơi nhận”. Cách ghi nào đúng?
Nguyễn Đăng Thi (Đồng Tháp)

1. Theo tập quán Việt Nam, có những sự việc không tiện nói thẳng vì người Việt cho rằng nói như thế không lịch sự. Chẳng hạn, thay vì nói “đi tiểu tiện”, người ta nói “đi ra ngoài”. Cũng như vậy, người Việt cho rằng nói thẳng về vấn đề tiền bạc là không tế nhị. Do đó, thay vì nói “miễn nhận tiền”, người Việt ghi “miễn phúng điếu”.

Cách ghi như thế đúng là không chính xác, nhưng chúng ta hiểu rằng tiền bạc thì gia chủ không nhận nhưng nhang đèn, bánh trái thì nhận. Có lẽ ai cũng nghĩ rằng bánh trái, nhang đèn thì người đi phúng điếu tốn kém không bao nhiêu và người qua đời được “hưởng” nên không nên từ chối; còn tiền bạc thì tốn kém cho người đi điếu, vả lại chỉ có thân nhân người qua đời hưởng nên nhận thì không hay.

2. Nếu trên các công văn đã ghi rõ tên cơ quan thì không cần ghi “nơi gửi”. Còn nếu bên trên không ghi tên cơ quan thì phải ghi “nơi gửi” để nơi nhận biết.

Còn “nơi nhận” thì nên ghi vì một công văn có thể gửi đi nhiều nơi khác nhau nên việc ghi tên các cơ quan và cá nhân được gửi đến để nơi / người nhận biết được cơ quan / người có liên quan đến sự việc cũng được thông báo như mình.

PGS.TS Lê Trung Hoa

Tin cùng chuyên mục