° PHÓNG VIÊN: Hàng trăm trường hợp tài xế dương tính với ma túy được lực lượng cảnh sát giao thông phát hiện trong 3 đợt tổng kiểm tra trên cả nước vào đầu năm nay, ông có thể chia sẻ gì về hiện tượng này?
° Ông NGUYỄN NGỌC TƯỜNG: Theo số liệu thống kê từ Cục Cảnh sát giao thông, từ ngày 14-1 đến 20-2 vừa qua, trong 3 đợt kiểm tra, kiểm soát tài xế lái ô tô từ 8 chỗ ngồi trở lên, hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực vận tải hành khách hoặc vận tải hàng hóa trên phạm vi cả nước, lực lượng cảnh sát giao thông đã kiểm tra gần 30.000 phương tiện, lập biên bản trên 7.000 trường hợp vi phạm các quy định về an toàn giao thông, phát hiện 104 trường hợp tài xế sử dụng ma túy. Những số liệu này là đáng lo ngại, cho thấy tình hình, mức độ vi phạm liên quan đến nồng độ cồn, chất ma túy trong giới tài xế vẫn phức tạp. Chúng tôi cho rằng, việc lực lượng cảnh sát giao thông tiến hành tổng kiểm soát tuy cần thiết nhưng sẽ căn cơ hơn khi có sự vào cuộc của các cơ quan quản lý nhà nước trong lĩnh vực kinh doanh vận tải. Chúng tôi cho rằng cần có biện pháp hiệu quả để kiểm soát, ngăn chặn không thể để những người kinh doanh vận tải gây ra rủi ro cho những người khác.
° Theo ông, đâu là kẽ hở khiến xảy ra tình trạng những tài xế ô tô khách, vận tải hàng hóa sử dụng chất kích thích khi đang điều khiển phương tiện tham gia giao thông?
° Hiện nay, Luật Giao thông đường bộ đang áp dụng trên cả nước chỉ cấm người điều kiển phương tiện có nồng độ cồn quá ngưỡng theo quy định, trong khi lái xe còn có người nghiện, sử dụng ma túy thì chưa điều chỉnh. Luật Phòng chống ma túy cũng chưa điều chỉnh vấn đề này. Hậu quả nặng nề đã xảy ra rồi, trong khi pháp luật cần có để ngăn chặn những vấn nạn này thì điều chỉnh không kịp. Trong vấn đề này, vai trò điều hành, đặc biệt là vai trò tham mưu của các bộ, ngành là rất chậm.
Về vấn đề doanh nghiệp vận tải sử dụng người lao động nghiện ma túy, chúng tôi cho rằng doanh nghiệp vận tải cần đặt an toàn lao động lên trên hết. Đặc biệt, nghề lái xe đòi hỏi cao hơn ngành nghề khác vì hậu quả nếu có sẽ ảnh hưởng đến rất nhiều người. Pháp luật chỉ quy định cấm lái xe không được cầm lái liên tục quá số giờ quy định nhưng chưa có quy định điều chỉnh vấn đề trên. Ngoài ra, cũng có tình trạng chủ doanh nghiệp muốn quay vòng xe nhanh vì lợi nhuận, vô tình thúc ép lái xe chạy nhanh, để rồi có những lái xe chọn cách sử dụng chất kích thích để không buồn ngủ trên hành trình. Hầu như chưa thấy pháp luật xử lý chủ doanh nghiệp mà chủ yếu quy trách nhiệm cho tài xế là người trực tiếp lái xe. Pháp luật cũng không quy định việc liên đới chịu trách nhiệm hình sự trong vấn đề này. Một vấn đề nữa là doanh nghiệp lơ là việc quản lý tài xế, nhưng chế tài khi xảy ra tai nạn lại quá nhẹ. Hiện nay, chủ doanh nghiệp có tài xế gây tai nạn chỉ phải chịu trách nhiệm dân sự chứ không chịu trách nhiệm hình sự. Vì vậy, doanh nghiệp thường giải thích rằng họ không biết tài xế sử dụng ma túy. Chế tài nhẹ là một trong những nguyên nhân khiến tình trạng này tồn tại.
° Có ý kiến cho rằng cần siết chặt hơn để hạn chế tài xế sử dụng ma túy ngay từ khâu đào tạo, sát hạch và cấp giấy phép lái xe. Ông có thể nói gì về điều này?
° Theo tôi, cần phải có chứng chỉ hành nghề đối với tài xế lái xe đường dài, đặc biệt là tài xế xe container. Chứng chỉ hành nghề sẽ bảo đảm về nhiều yêu cầu, trong đó có các yêu cầu về sức khỏe, thông qua những chương trình kiểm tra cụ thể, chặt chẽ. Trên tinh thần này, chúng tôi cho rằng cần thiết nên bổ sung quy định người có nhu cầu đào tạo và cấp giấy phép lái xe phải nộp cho các trung tâm đào tạo, sát hạch lái xe giấy xác nhận của công an về việc không sử dụng chất ma túy, kết quả xét nghiệm nước tiểu của ngành y tế. Quy định rõ thêm yêu cầu tài xế phải làm xét nghiệm chất ma túy trong nước tiểu, định kỳ 3 - 4 lần/năm.
° TPHCM sẽ có những động thái gì để kiểm soát vấn đề trên và trong phần trách nhiệm của mình, Ban ATGT sẽ làm gì, thưa ông?
° UBND TPHCM đã có công văn chỉ đạo việc thực hiện vấn đề này. Mới đây, Ban ATGT TP đã họp với các sở ngành liên quan và đang chờ góp ý phản hồi từ các đơn vị này, bao gồm Công an TPHCM, Sở Giao thông Vận tải, Sở Y tế, Sở Tư pháp, Sở Nội vụ… Sau khi thống nhất được những vấn đề liên quan, (chẳng hạn như vấn đề chức năng, quyền hạn xử lý…) thành phố sẽ có hướng giải quyết thích hợp. Nguyên tắc là sắp tới TPHCM sẽ đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra trên phạm vi toàn thành phố với quy mô sâu rộng, liên tục, bền bỉ để mang lại hiệu quả cao nhất.