Trời nắng nóng kéo dài mấy tuần qua khiến nhiều người dân TPHCM đổ xô cho con em đi tắm ở các hồ bơi để “giải nhiệt”. Ghi nhận chiều hôm qua (26-3) cho thấy, hầu hết các hồ bơi trên địa bàn TP chật cứng trẻ con và cả người lớn. Tuy nhiên, theo khuyến cáo của Trung tâm Y tế dự phòng TP, nguy cơ lây bệnh từ nước hồ bơi rất cao.
Thiếu thuốc khử trùng
Mới 3 giờ chiều nhưng hồ bơi Kỳ Đồng (đường Kỳ Đồng, quận 3) đã rất đông các em nhỏ vùng vẫy dưới làn nước trong xanh. Trời nóng hầm hập, song các em tỏ ra thích thú bởi được ngâm mình trong làn nước.
Chị Nguyễn Thị Ngọc Mỹ, ngụ phường 9, quận 3, cho biết cả tháng nay chiều nào cũng đưa đứa con 7 tuổi đến hồ bơi. “Ở nhà nóng bức nên đưa cháu đi bơi vừa mát mẻ vừa tập luyện thể dục luôn”, chị Mỹ nói. Nhiều phụ huynh khác cũng có ý kiến tương tự khi luôn ủng hộ con em mình đi bơi cho… giải nhiệt.
Tuy nhiên, qua quan sát cho thấy chỉ một số em được trang bị kính bơi, bịt mũi bằng nút cao su, còn hầu hết không được bảo hộ. Quản lý hồ bơi cho biết, hiện hồ bơi đã quá tải với trung bình 1.300-1.400 lượt người đến bơi/ngày.
Tương tự, tại các hồ bơi như Phú Thọ (quận 11), Yết Kiêu, Văn Thánh (quận Bình Thạnh), Đại Thế Giới (quận 5), Phú Lâm (quận 6)… cũng rất đông người đến tắm vào các buổi sáng và chiều từ gần hai tháng nay. Quản lý một hồ bơi nói với chúng tôi, thời tiết nắng nóng khiến người đi bơi tăng đột biến, trong đó chiếm phần lớn là trẻ em dưới 15 tuổi…
Điều đáng nói, bên cạnh một số hồ bơi tuân thủ an toàn vệ sinh như thay nước thường xuyên, bổ sung clor diệt khuẩn, thì vẫn có những hồ bơi chưa đảm bảo an toàn vệ sinh. Đó là đánh giá mới đây của Trung tâm Y tế dự phòng (TTYTDP) TPHCM sau khi giám sát điều kiện vệ sinh tại 71 hồ bơi trên địa bàn TP.
Trao đổi với PV Báo SGGP chiều qua, thạc sĩ Hoàng Thị Ngọc Ngân, Trưởng khoa Sức khỏe cộng đồng-TTYTDP TP, tỏ ra lo ngại vì kết quả kiểm tra cho thấy hàng loạt hồ bơi không đảm bảo nồng độ clor dư trong nước. “Kiểm tra 71 hồ mà hết 30% số hồ bơi thiếu nồng độ clor dư. Vậy thì vi trùng, vi khuẩn như vi trùng mủ xanh, nấm… có điều kiện sinh sôi, gây bệnh”, thạc sĩ Ngân nói.
TTYTDP TP cũng đã lấy mẫu nước hồ bơi kiểm nghiệm vi sinh và bước đầu cho thấy có cải thiện. Tuy nhiên, nói như thạc sĩ Ngân, thì chưa hẳn không nhiễm vi sinh là không thể lây lan dịch bệnh.
Nhiều dịch bệnh lây lan
Thấy đứa con 5 tuổi bỗng dưng bị ngứa và đỏ mắt hơn 3 ngày qua, chị Đoàn Thu Trang, ngụ quận Thủ Đức, mua thuốc nhỏ mắt cho cháu nhưng không hết. Chiều qua, đưa cháu đến BV Mắt TPHCM, chị Trang mới lo lắng khi biết cháu bị đau mắt đỏ. “Vào thứ hai, tư, sáu và chủ nhật tôi cho cháu đi học bơi. Có ngờ đâu bác sĩ khuyến cáo cháu bị đau mắt đỏ có thể do nhiễm khuẩn từ nước hồ bơi”, chị Trang nói.
Một bác sĩ tại khoa khám của BV Mắt cho biết, trong 1 tháng qua số người đến khám do đau mắt đỏ tăng lên nhiều, trong đó không ít người có đi tắm ở các hồ bơi công cộng. Trong khi đó, các bác sĩ tại BV Da liễu TPHCM ghi nhận tình trạng trẻ bị mắc các bệnh ngoài da như nấm mốc, ghẻ ngứa đến khám cũng tăng lên đáng kể, và qua khai thác bệnh sử thì không ít cháu có đi tắm ở hồ bơi.
Thạc sĩ Hoàng Ngọc Ngân phân tích, nguồn nước hồ bơi mất vệ sinh khiến nguy cơ gây bệnh và lây lan dịch bệnh, đặc biệt khi số người tập trung bơi càng đông thì mất vệ sinh càng cao. Khi đi bơi, nếu hồ nước không sạch, vi trùng sẽ lọt vào vùng tai - mũi - họng và gây bệnh. Với trẻ đã từng mắc bệnh tai - mũi - họng thì khi đi bơi nguy cơ tái phát còn cao hơn.
Kế đến là bệnh viêm kết mạc (đau mắt đỏ) thường do virus gây ra và dễ lây lan trong hồ bơi. Trẻ mắc bệnh này nếu chăm sóc không đúng cách hoặc điều trị trễ dẫn đến bội nhiễm hoặc viêm loét giác mạc, có thể gây mù.
Trong khi đó, một số bác sĩ chuyên khoa tiêu hóa lo ngại dịch bệnh tiêu chảy cấp có thể lây lan qua nước hồ bơi, vì khi nước hồ bơi mất vệ sinh vào miệng dễ gây bệnh tiêu chảy. Hoặc khi có người mắc bệnh tiêu chảy nhưng vẫn đi bơi cũng là nguồn lây bệnh cho những người khác.
Còn BS Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm BV Nhi đồng 1, khuyến cáo bệnh não mô cầu cũng rất nguy hiểm và phát sinh khi đi bơi trong môi trường nước mất vệ sinh do vi khuẩn gây ra.
Nhìn chung, nguy cơ lây lan dịch bệnh trong nước hồ bơi không đảm bảo vệ sinh rất cao. Chính vì vậy, Trung tâm Y tế dự phòng TPHCM khuyến cáo quản lý các hồ bơi tăng cường châm clor dư cho nước luôn đảm bảo nồng độ 0,4-0,8mmg/lít, thường xuyên vệ sinh, thay nước hồ bơi.
Đồng thời, những người mắc bệnh ngoài da, đau mắt đỏ, quai bị… không nên tắm hồ bơi để tránh lây bệnh cho cộng đồng. Trước khi bơi nên tắm qua và không phóng uế, khạc nhổ trong lúc bơi…
QUỲNH CHI