Trong căn nhà số 292/20 Cách Mạng Tháng 8, phường 10, quận 3, TPHCM hàng ngày vẫn nhộn nhịp âm thanh những tiếng máy tiện, cưa cắt. Thành phẩm lao động trong căn nhà đó là những chiếc cáng thương cải tiến, được gấp làm 4 nhỏ bằng một chiếc vali du lịch, khi bung ra có thể cáng được 2 người. Những chiếc cáng thương ấy đều làm ra từ bàn tay những người khuyết tật.
Chủ căn nhà là đôi vợ chồng say mê công tác xã hội, ông Giang Mãng Phước và vợ là bác sĩ Nguyễn Thị Trọng, Giám đốc Công ty TNHH TM-SX Thiết bị y tế Phước Vinh.
Ông Phước sinh ra và lớn lên tại Sài Gòn từ năm 1964, trong một gia đình nghèo gốc Hoa. Từ nhỏ, ông đã đam mê nghiên cứu máy móc. Lớn lên, ông theo học ngành chế tạo máy Đại học Bách khoa TPHCM. Rồi khi cha ông trở thành một người tàn tật vì căn bệnh tiểu đường và qua đời, ông đã nguyện dành hết tâm huyết của mình để nghiên cứu những sản phẩm y tế thay thế hàng nhập để giúp đỡ những người không may mắn trong cuộc đời.
Đơn đặt hàng đầu tiên của ông là một nhãn áp kế dùng để đo nhãn áp giá nhập khẩu vài chục USD/cái do vợ ông đem về cách đây vài năm. Ông xem qua và ra giá: “Tôi làm chỉ vài chục ngàn đồng/cái thôi”. Vợ ông “duyệt” ngay cho ông 500 ngàn đồng để làm “chi phí sản xuất”. Chỉ vài tuần sau, ông đã hồ hởi giao hàng. Tuy nhiên hàng chưa đạt tiêu chuẩn. Không nản chí, ông lại tiếp tục nghiên cứu với sự tư vấn của vợ. Mất một năm dùi mài, bao nhiêu đợt thử nghiệm được giám sát chặt chẽ của Bệnh viện Mắt TPHCM, cuối cùng sản phẩm nhãn áp kế “made in Vietnam” của ông cũng thành công. Lợi nhuận lô hàng đầu tiên là 3 triệu đồng. Với 3 triệu đồng đó, ông tiếp tục đầu tư vào sản xuất những lô hàng tiếp theo.
Ông mạnh dạn lập Công ty TNHH TM-SX Thiết bị y tế Phước Vinh và mở rộng sang sản xuất những sản phẩm y tế khác như máy hủy kim tiêm, máy bán cao su tự động, ống truyền dịch, dụng cụ nha khoa, gậy dành cho người mù, xe lăn…
Thành công mới nhất của ông là cáng cứu thương đa năng giá chỉ khoảng 2 triệu đồng/cái (cáng cứu thương thông thường ngoại nhập có giá khoảng 240 USD/cái). Cáng cứu thương đa năng của ông có thể xếp 4, gọn như một chiếc vali, tiện xếp trên các phương tiện giao thông như ô tô, tàu du lịch, tàu hỏa, máy bay, có thể tải được 350kg, và có bánh xe nên chỉ cần 1 người cũng có thể đưa 2 nạn nhân ra khỏi vùng bị nạn. Sản phẩm này được cấp bằng sáng chế độc quyền giải pháp hữu ích năm 2006, đoạt giải nhì sáng chế TPHCM năm 2008, được cúp vàng Techmart Vietnam Asean +3 tại Hà Nội năm 2009, bằng khen VIFOTEC… Hơn 3.000 cáng cứu thương đa năng được tiêu thụ phục vụ tại các bệnh viện, cơ sở y tế tại TPHCM.
Tuy nhiên, không chỉ lo nghiên cứu và sáng tạo để phục vụ y tế, ông còn chăm lo đến cuộc sống những người khuyết tật. Tháng 2 vừa qua, căn nhà của ông chính thức trở thành Trung tâm Chăm sóc sức khỏe cộng đồng Phước Vinh do vợ ông làm giám đốc, nhằm giúp đỡ và tạo điều kiện công ăn việc làm cho những người khuyết tật. Mới đầu là một vài người đến với ông, sau đó là những người cùng cảnh ngộ tìm đến, vừa học tập, vừa lao động kiếm thêm thu nhập.
Trong đó có anh Lê Văn Công, vận động viên từng đoạt kỷ lục thế giới dành cho người khuyết tật về môn cử tạ châu Á tại Malaysia 2009, ông Lê Văn Hải, thầy giáo dạy vi tính cho các cháu khuyết tật… Căn nhà được chia thành những căn phòng đủ để khoảng chục người đến sinh hoạt và làm việc. Trong số 40 nhân viên, đã có 20 người là khuyết tật, làm việc với thu nhập trên dưới 3 triệu đồng/tháng. Ngoài ra, ông còn tham gia các hoạt động từ thiện xã hội như vận động, đóng góp giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn, những ca bệnh hiểm nghèo.
Ông Giang Mãng Phước tâm sự: Tôi muốn cùng với nhiều cá nhân và đơn vị nữa chung tay để giúp cho những cuộc đời kém may mắn tìm được niềm vui của mình.
HẠ MI