Tấm lòng với vùng quê nghèo

Chưa đến 5 giờ sáng, nhiều người trong đoàn công tác từ thiện của Hội Mắt kính TPHCM đã tụ tập tại nhà của bác sĩ Nguyễn Phú Thiện, giảng viên Đại học Y Dược TPHCM, Chủ tịch Hội Mắt kính TP. 
Đoàn công tác từ thiện của Hội Mắt kính TPHCM đo khúc xạ cho người cao tuổi
Đoàn công tác từ thiện của Hội Mắt kính TPHCM đo khúc xạ cho người cao tuổi
Các máy đo mắt điện tử, thiết bị đo khúc xạ và mắt kính được chuyển lên xe. Các máy đo mắt điện tử, thiết bị đo khúc xạ và mắt kính được chuyển lên xe. Mọi việc được chuẩn bị chu đáo để lên đường về huyện Cần Giuộc (tỉnh Long An). 
Khi đoàn đến điểm hẹn tại Trường THPT Đông Thạnh, hàng trăm người già đã có mặt để được đo mắt và tặng kính thuốc. Mỗi người một việc, máy móc thiết bị được chuyển vào các phòng và lắp đặt nhanh chóng. Tiếng loa đọc tên lần lượt mời từng người vào khám mắt. Ông Bùi Văn Tràng (75 tuổi, thương binh bị cụt 2 tay, hư 1 mắt) là người được mời vào đo mắt trước. Cầm tờ giấy có chỉ số khúc xạ trên tay, ông Tràng được hướng dẫn đến phòng cuối cùng để chọn kính. Chỉ tay về phía khay đựng kính, ông Lê Văn Bồng, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Mắt kính TPHCM, tươi cười hướng dẫn ông Tràng chọn kính: “Mắt của ông 1,25 độ. Ông chọn kính trong khay này, cái nào ông vừa ý thì ông nói con lấy cho!”. Sau khi chọn kính xong, ông Tràng cầm tờ báo SGGP lên đọc và cười rất tươi: “Sáng quá! Vậy là từ nay có thể đọc báo được rồi. Trước nay, toàn nheo mắt đọc, bị mỏi mắt, riết rồi làm biếng đọc luôn!”.
Tại vùng quê này, dù đang đô thị hóa, đường sá khang trang, điện nước đầy đủ, nhưng với nhiều người cao tuổi, cái kính lão vẫn như là một thứ xa xỉ, lạ lẫm. Bà Đoàn Thị Thoại (69 tuổi, nhà ở xã Phước Vĩnh Tây, cách đấy hơn chục cây số) sau khi nhận kính, được cháu đưa về đến nhà, lại vội vàng kêu chở quay trở lại. Bà thắc mắc: “Mấy con coi lại xem có đưa lộn kính không? Sao mà lúc nãy đeo kính ở đây, tôi đọc chữ rõ mồn một, nhưng khi về đến nhà, đeo kính vô thì thấy chói lòa. Nếu đeo kính này đi đường, chắc té chết quá!”. Ông Bồng cười cười lấy tờ báo đưa cho bà Thoại đọc thử và giải thích: “Chữ rõ ràng phải không má! Tụi con vô ý quá nên quên dặn, cái kính này dùng để đọc báo, đọc sách, may vá, thêu thùa, chớ không phải để đi đường hay xem ti vi. Mắt của má nhìn xa vẫn còn tỏ, không cần đeo kính đâu!”.
Đến 9 giờ, trong sân Trường THPT Đông Thạnh xuất hiện nhiều học sinh. Cứ chốc chốc lại có một tốp học trò được thầy cô chủ nhiệm đưa đến. Theo kế hoạch, trong đợt công tác từ thiện này, Hội Mắt kính TPHCM sẽ khám và tặng kính cho 500 học sinh Trường THPT Đông Thạnh và Trường THCS - THPT Nguyễn Thị Một. Các em lần lượt được kêu tên vào các phòng đọc bảng chữ, đo mắt điện tử, đo khúc xạ… Nhìn tờ giấy ghi nhận độ đo mắt điện tử và đo khúc xạ tại chỗ, cô Mỹ Duyên, kỹ thuật viên đo khúc xạ của Bệnh viện Mắt TPHCM, ngạc nhiên khi thấy có không ít em bị cận, loạn thị nặng nhưng lâu nay vẫn chưa đeo kính. Khi được hỏi: “Trong lớp học, con có nhìn thấy chữ trên bảng không?”, các em trả lời tỉnh rụi: “Chữ trên bảng mờ lắm. Con phải đọc và chép lại từ tập của bạn bên cạnh!”. 
Bác sĩ Nguyễn Phú Thiện cho biết: “Khi phát hiện trường hợp nào cần nạo cườm, lột mây thịt, đặt thủy tinh thể…, tôi viết toa thuốc rồi dặn họ đem đến các bệnh viện để điều trị tiếp. Đây được xem như tờ giấy giới thiệu để các bệnh viện xếp lịch mổ cho bà con. Riêng các em học sinh, chúng tôi chỉ tổ chức đo mắt. Các em đến phòng chọn kính mà mình yêu thích. Với các chỉ số đã khám, đo mắt… việc lắp tròng cận, viễn, loạn thị sẽ được tiến hành tại tiệm kính của anh em trong Hội Mắt kính TPHCM. Khoảng 10 ngày sau, các em sẽ nhận được mắt kính”.
Phòng chọn kính lúc nào cũng nườm nượp các em học sinh. Khi biết mình bị cận, các em có vẻ ngỡ ngàng, nhưng rồi lại hân hoan khi được tự tay chọn chiếc kính mình yêu thích trong hàng trăm kính đủ màu sắc, kiểu dáng. Em nào cũng cầm vài cái kính trên tay, rồi đi nhanh đến chiếc gương để ngắm nghía, săm soi. Em Nguyễn Tường Vi, học sinh lớp 9 Trường Nguyễn Thị Một, cười rất tươi và nói: “Các cô chú nói con bị cận 2 độ. Con chọn kính rồi, nhưng vài ngày sau sẽ có kính đeo. Vậy là từ nay con sẽ nhìn rõ chữ hơn. Con mừng lắm và sẽ giữ kính thật tốt để không phụ lòng của các cô chú”.
Trong lúc mọi người đang dọn dẹp máy móc, thiết bị, ông Lê Văn Bồng ngồi tính số lượng người khám và được tặng kính rồi cho biết: “Theo kế hoạch, đợt này chúng tôi sẽ tặng kính cho 300 người già và 500 học sinh. Thực tế, số học sinh gần 500, còn người già thì gần 350. Rất may là chúng tôi đã dự trù và đem dư kính thuốc cho người già, nên không thiếu”.

Tin cùng chuyên mục