Tân Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long Trần Văn Rón: Nâng tầm hợp tác “4 nhà”

Tân Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long Trần Văn Rón: Nâng tầm hợp tác “4 nhà”

Làm thế nào để đẩy mạnh các hình thức liên kết tiêu thụ hàng nông sản cũng như thu hút các dự án đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp ở các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long đang là vấn đề thời sự cấp thiết. Phóng viên Báo Sài Gòn Giải Phóng đã có cuộc trao đổi với đồng chí tân Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long Trần Văn Rón (ảnh) xung quanh vấn đề này.

* Xin đồng chí cho biết một số nét khái quát về tình hình phát triển kinh tế của tỉnh trong những năm gần đây?

Tân Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long Trần Văn Rón: Nâng tầm hợp tác “4 nhà” ảnh 1

* Đồng chí TRẦN VĂN RÓN: Cũng như tình hình khó khăn chung của cả nước, những năm gần đây tình hình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh cũng gặp khó khăn nhất định, nhưng điều đáng mừng là năm nào cũng phát triển. Theo đó, nông nghiệp - công nghiệp và dịch vụ đều có bước tăng trưởng. Với nông nghiệp là tăng dần tỷ trọng chăn nuôi, chú trọng nông nghiệp chất lượng cao như triển khai xây dựng 6.000ha cánh đồng mẫu lớn, đầu ra sản phẩm được doanh nghiệp bao tiêu, nâng cao chất lượng lúa, giá cá ổn định hơn giúp tăng thu nhập cho bà con nông dân. Tỉnh cũng chuyển một phần diện tích trồng lúa năng suất thấp sang trồng màu và quy hoạch lại các vùng sản xuất tập trung như các huyện Tam Bình, Vũng Liêm thì sản xuất lúa, huyện Trà Ôn và Bình Minh trồng cây ăn trái.

Với thủy sản không mở rộng diện tích nuôi cá tra mà đi vào thâm canh các con nuôi khác. Về công nghiệp, tỉnh đã hoàn thành quy hoạch 2 KCN Hòa Phú, Bình Minh, trong đó KCN Hòa Phú đã cơ bản lấp đầy, KCN Bình Minh đang kêu gọi đầu tư. Tỉnh cũng chú trọng phát triển công nghiệp chế biến, ứng dụng đầu tư nông nghiệp công nghệ cao và công nghiệp phụ trợ cho nông nghiệp.

Tuy vậy, đặc điểm kính tế của Vĩnh Long chủ yếu vẫn là nông nghiệp và cũng gặp một số khó khăn như đầu ra cho nông sản; dịch bệnh trên cây trồng như bệnh chổi rồng, sâu đục thân gây hại.

* Tỉnh sẽ làm gì để giải quyết tiêu thụ sản phẩm cho nông dân?

* Tỉnh xác định, trong những khó khăn của nông nghiệp thì lớn nhất vẫn là giải quyết đầu ra cho nông sản. Do đó, tỉnh đang tập trung vào các công việc chính là tìm thị trường cùng nông dân; trong đó, trách nhiệm của Trung tâm Xúc tiến đầu tư - thương mại - du lịch tỉnh là phải tìm đầu ra cho nông sản vì để người dân tự “bơi” là rất khó; tỉnh cũng lựa chọn các sản phẩm chủ lực để đưa vào siêu thị hoặc xuất khẩu, đồng thời định hướng cho nông dân về thị trường gắn với quy hoạch vùng sản xuất.

* Đồng chí đánh giá như thế nào về liên kết tiêu thụ sản phẩm giữa Vĩnh Long với các tỉnh trong và ngoài khu vực đồng bằng sông Cửu Long?

* Theo ý kiến chủ quan của tôi thì số lượng các loại sản phẩm đi vào siêu thị còn thấp, liên kết 4 nhà giữa nhà nông với nhà nước, nhà băng (ngân hàng) và nhà doanh nghiệp chưa có pháp lý ràng buộc các bên nhằm đảm bảo lợi ích lâu dài; do đó, cần nâng tầm mối quan hệ hợp tác 4 nhà. Lãi suất so với trước đã hạ nhưng do mức độ rủi ro cao của nông nghiệp thì nên hạ thêm lãi suất, nhất là với các sản phẩm hàng hóa chủ lực của tỉnh phải đầu tư chiều sâu.

Lãnh đạo các tỉnh và doanh nghiệp cần ngồi lại với nhau, đưa ra các quy định cụ thể tiêu chuẩn hàng vào siêu thị, hàng xuất khẩu nhưng nên ưu tiên hàng tiêu thụ trong nước trước. Với khu vực đồng bằng sông Cửu Long, cần hình thành các phòng trưng bày thông tin gắn với sản phẩm cấp vùng ở TP Cần Thơ hoặc các tỉnh với hình thức các chợ đầu mối nông sản cấp vùng.

* Cải cách hành chính đang là vấn đề có tính chất quyết định đến thu hút đầu tư và tăng tưởng kinh tế, vậy vấn đề này ở tỉnh Vĩnh Long được quan tâm chỉ đạo như thế nào thưa đồng chí?

* Đây là lĩnh vực mà Tỉnh ủy - UBND tỉnh Vĩnh Long rất quan tâm chỉ đạo làm quyết liệt, mạnh tay hơn trước như giao cho các sở giảm cụ thể từng phần việc liên quan đến thủ tục hành chính; tất cả các việc liên quan đến thủ tục thành lập, triển khai các dự án và các khó khăn, vướng mắc phát sinh cần xử lý được tập trung theo cơ chế một cửa, nhà đầu tư không phải đi nhiều nơi.

Sở KH-ĐT là cơ quan tiếp nhận hồ sơ, quản lý nhà nước giải quyết hoặc phối hợp với các ngành cùng giải quyết, tham mưu cho UBND tỉnh quyết định đối với các dự án trong và ở ngoài các KCN; theo đó thời gian cấp giấy chứng nhận đầu tư đối với các dự án mới và điều chỉnh không có thẩm tra là 12 ngày, kể từ ngày nhận hồ sơ hợp lệ (theo quy định là 15 ngày); đối với các dự án mới và điều chỉnh có thẩm tra là 25 ngày, kể từ ngày nhận hồ sơ hợp lệ (theo quy định là 43 ngày); đối với doanh nghiệp đăng ký thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp chỉ thực hiện từ 1 đến 2 ngày (giảm 4 đến 3 ngày so với quy định); giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp chỉ thực hiện trong 3 - 4 ngày (theo quy định là 5 ngày); giúp doanh nghiệp khắc con dấu và nhận giấy chứng nhận đã đăng ký mẫu dấu, thông báo cơ quan quản lý và mục ngân sách nhà nước của người nộp thuế cũng ở tại Phòng Đăng ký kinh doanh.

Một mặt, tỉnh cũng ban hành các văn bản chấn chỉnh thái độ phục vụ của các cơ quan hành chính Nhà nước… nhờ đó tình hình chấp hành giờ giấc làm việc, thái độ trách nhiệm của cán bộ từ tỉnh xuống huyện, xã đã được cải thiện và qua chấn chỉnh thì chất lượng công tác đã được nâng lên thấy rõ.

* Xin cảm ơn đồng chí!

VĂN PHONG (thực hiện)

Tin cùng chuyên mục