Thời gian qua, nhiều người đổ xô về những cánh rừng ở các xã Ea Trang và Cư San (huyện M’Đrắk, tỉnh Đắk Lắk) để hái ươi. Họ mang dao rựa, rìu búa, cưa lốc lên rừng chặt hạ những cây ươi không thương tiếc để hái quả cho nhanh thay vì chờ ươi “bay” xuống để nhặt trái. Vì thế, những cánh rừng ươi nơi đây đang có nguy cơ biến mất trong một ngày không xa.
Ươi “đắt như tôm tươi”
Đi dọc theo đoạn quốc lộ 26 qua địa bàn xã Ea Trang, đâu đâu chúng tôi cũng thấy trái ươi được phơi đầy sân nhà dân. Tại các quán nước bên đường, ươi cũng là chủ đề được bàn tán khá sôi nổi. Trong vai một người thu mua ươi, chúng tôi đến một nhà dân gần chốt kiểm dịch động vật đèo Phượng Hoàng ở thôn 1, xã Ea Trang. Tại đây, chủ nhà cho biết giá quả ươi khô 185.000 đồng/kg (nếu mua nhiều có thể giảm 5.000 đồng/kg) và trong nhà họ có sẵn hơn 1 tấn ươi. Sau một hồi mặc cả, chúng tôi không ép giá được vì họ nói ươi đang bước vào cuối vụ, giá cao hơn mới bán.
Tiếp tục hành trình, chúng tôi vượt hơn 10km đường đất đến thôn Tắk Drung (xã Cư San) để tìm vào rừng ươi. Tại ngã 3 Tắk Drung, một người đàn ông tên S. chỉ tay về phía con đường đất, cho hay: “Đó là con đường duy nhất có thể vào rừng để hái ươi, thu mua và vận chuyển ươi ra ngoài. Xe máy đi khoảng 10km nữa là hết đường, muốn vào sâu hơn, xe phải có xích kéo hoặc là đi bộ”. Trên đường đi vào rừng ươi, chúng tôi gặp nhiều xe máy từ trong rừng ra với biển số ở khắp nơi như: Đắk Lắk, Đắk Nông, Khánh Hòa, Phú Yên…
Đến thôn Sông Trò (xã Cư San), chúng tôi gặp 2 thương lái tên H. và T. (đều ở xã Ea Trang). “Giá 180.000 đồng/kg, nếu các anh cần số lượng lớn thì lấy số điện thoại của tôi, tối đến nhà nói chuyện và đặt cọc tiền trước. Đảm bảo trong vòng 3 ngày sẽ có hàng”, anh H. cho biết.
Còn theo anh T., chỗ anh đang đứng là cửa rừng, anh đã bỏ làm rẫy cả tháng nay để vào đây nằm trực mua ươi. Ươi đem bán có 2 loại là ươi bay (quả già, rụng từ trên cây xuống và được gom nhặt), và ươi hạ (người ta chặt cả cây ươi xuống để hái cho nhanh). Hiện anh đang mua ươi bay với giá từ 160.000 - 180.000 đồng/kg, ươi hạ giá 100.000 - 120.000 đồng/kg và ươi tươi giá 30.000 - 32.000 đồng/kg.
“Nếu mua được ở đây, không những giá sẽ thấp hơn mà chất lượng cũng tốt hơn, có thể trộn chung 2 loại vào bán để ăn chênh lệch. Chúng tôi làm ăn nhỏ lẻ chứ nhiều đại lý có tiền, mấy ngày trước họ còn mua cả vài tấn ươi tươi/ngày”, anh T. cho biết thêm.
Bỏ bê nương rẫy
Sáng 16-7, chúng tôi thâm nhập vào những điểm có ươi ở xã Cư San và vùng giáp ranh huyện Khánh Vĩnh (tỉnh Khánh Hòa). Khu vực này có địa hình khá hiểm trở, núi cao và cây cối rậm rạp, vì thế chúng tôi phải nhờ anh V.Q.V. (người địa phương) đi cùng. Sau gần 10km đi xe máy, chúng tôi gửi xe tại một nhà dân ở thôn Sông Trò (xã Cư San) đi bộ vào sâu trong rừng.
Trên đường đi, anh V.Q.V. chia sẻ: “Ươi là loại cây hơn 4 năm mới có quả một lần, năm nay ươi vừa được mùa, vừa được giá nên người dân đổ xô vào rừng hái ươi về bán. Cách đây nửa tháng, lúc cao điểm lên đến cả ngàn người/ngày”.
Vượt qua những quả đồi quanh co, chúng tôi hòa vào nhóm của người dân địa phương đi hái ươi để đến khu vực bìa rừng. Biết chúng tôi chỉ đi xem và mua ươi chứ không phải tranh giành hái, nhóm người đi cùng mạnh dạn trò chuyện hơn. “Từ năm 2006 đến nay, chúng tôi mới thấy ươi lại ra nhiều như vậy. Trước đây, chúng tôi cũng vào rừng lấy ươi nhưng chủ yếu là bằng hình thức hái lượm, mỗi ngày được khoảng 10kg chứ không phải đi chặt cây xuống rồi hái như bây giờ”, anh H. đi cùng đoàn chia sẻ.
Dừng chân bên một sườn đồi, anh K. (một người đi cùng nhóm) chỉ tay về cánh rừng phía xa, vui vẻ nói: “Phía bên đó còn nhiều ươi nhưng lại thuộc địa phận huyện Khánh Vĩnh (tỉnh Khánh Hòa) nên chúng tôi không dám sang đó hái. Ươi đang được giá, mùa ươi cũng sắp hết nên gia đình tôi bỏ cả nương rẫy để lên đây hái quả ươi về bán. Biết là phải đi thật sâu vào rừng mới có, nhưng cả nhà đều cố gắng đi, vì làm mấy ngày cũng bằng cả mùa làm nông rồi”.
Mất mạng vì ươi
Theo ông Lê Văn Ba, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện M’Đrắk, ươi là một loại cây thuộc nhóm gỗ tạp (ít có giá trị kinh tế) nhưng quả ươi lại có tác dụng thanh nhiệt, giải độc... Ươi là cây rừng tự nhiên nên việc người dân vào rừng, thu lượm quả bằng các hình thức thủ công không có gì sai. Nhưng việc một số người chặt hạ cây ươi xuống để hái quả theo kiểu tận diệt thì không được.
“Cây ươi thường cao hơn các loại cây khác, khi quả ươi già thì toàn bộ lá cây biến sắc, đỏ rực và rất dễ phân biệt với các loại cây khác. Vì cây ươi rất cao nên khi bị chặt hạ, nó kéo theo nhiều cây rừng xung quanh ngã theo, thiệt hại rất nhiều”, ông Ba cho hay.
Vì tranh giành lãnh địa có cây ươi, nhiều người cũng đã “đổ máu”. Trong lúc đó, có người lại bị cây ươi ngã đè bị thương, hoặc chết trong lúc nhặt quả. Vào ngày 1-7, trong lúc vào rừng tìm nhặt “ươi bay”, chị Vàng Thị Dính (27 tuổi, ở thôn 9, xã Cư San) bị 1 cây ươi do người khác đốn hạ ở gần đó đè chết. Cái chết của người phụ nữ Mông nghèo, để lại những đứa trẻ nheo nhóc.
Ông Trần Thanh Bình, Phó Chủ tịch UBND xã Cư San, cho biết: “Tình trạng người dân vào rừng hái ươi bắt đầu từ đầu tháng 7 và kéo dài đến nay. Chúng tôi đã phối hợp với các lực lượng chức năng thường xuyên tuyên truyền, vận động người dân không được chặt phá cây ươi; tổ chức truy quét, kiểm tra người và các phương tiện đi vào rừng… nhằm đảm bảo an ninh, trật tự tại địa phương. Tuy nhiên cũng rất khó ngăn chặn”.
Được biết, những cây ươi bị chặt ít nhất 10 năm sau mới lên lại. Với cách khai thác theo kiểu tận thu như hiện nay, chẳng bao lâu nữa cây ươi sẽ bị xóa sổ khỏi những cánh rừng, và người dân nơi đây cũng chẳng bao giờ nhận được “lộc” mỗi chu kỳ từ việc thu lượm quả ươi.
| |
CÔNG HOAN - LÊ PHƯỚC