Tận dụng lợi thế ưu đãi để tăng lợi nhuận

Theo các chuyên gia kinh tế, khi gia nhập EVFTA (Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU), TPP (Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương), doanh nghiệp (DN) cần tận dụng triệt để những lợi ích có được chẳng hạn như quy tắc xuất xứ; quy tắc cộng gộp. Trong đó, DN nên nâng cao tỷ lệ nội địa, mở rộng chuỗi cung ứng của đối tác hạ nguồn, giảm tỷ lệ sản xuất thủ công…

Ông Claudio Dordi, Tư vấn trưởng dự án EU - MUTRAP, chỉ ra rằng, tính tới thời điểm này, có khoảng 431 sản phẩm của Việt Nam bị châu Âu cảnh báo về an toàn, nhất là thực phẩm. Một số DN Việt Nam gặp phải vấn đề xuất khẩu sản phẩm sang châu Âu nhưng không quan tâm đến sản phẩm đó “sống chết” thế nào. Cụ thể như, cuối tháng 5-2015, một số loại rau quả Việt Nam bị Thụy Sĩ cảnh báo hàm lượng nitrat quá cao (4.700 mg/kg), ngoài ra cơ quan chức năng còn phát hiện các chất trái phép carbendazim, chlorfenapyr, chlorfluazuron tồn tại trong cải xoăn… Trước tình hình này, DN Việt Nam nên nắm bắt các giá trị gia tăng cao, bằng cách mở rộng, tiếp cận kênh phân phối của Liên minh châu Âu (EU) thông qua sản xuất thân thiện với môi trường và xã hội. Bên cạnh đó, cải thiện chất lượng, an toàn của sản phẩm quốc gia, tập trung vào việc tuân thủ quy tắc vệ sinh và kỹ thuật quốc tế, đặc biệt là EU, mở rộng thị trường ngách. Đáng lưu ý, thực tế hiện nay cho thấy, biên độ lợi nhuận xuất khẩu quá lớn. Ví dụ, sản xuất một đôi giày tại Việt Nam chỉ 5,5 USD, nhưng khi xuất qua châu Âu được bán với giá hàng trăm USD. Lợi nhuận này rơi vào tay các đơn vị trung gian. Do vậy, để cải thiện tình hình, DN Việt cần tận dụng, tiếp cận lợi thế ưu đãi để tăng lợi nhuận. Cần thực hiện sản xuất đạt chuẩn ngay từ đầu đối với tất cả sản phẩm thuộc các ngành nghề.

Ở góc độ Bộ Công thương, ông Vương Đức Anh, Trưởng nhóm đàm phán Quy tắc xuất xứ Cục Xuất nhập khẩu, nhấn mạnh, trong đàm phán hiệp định thương mại tự do, quy tắc xuất xứ và mức độ mở cửa thị trường có mối quan hệ chặt chẽ với nhau. Đối với mặt hàng tân trang, được linh hoạt cho phép sử dụng các nguyên phụ liệu thu được từ việc tháo dỡ hàng hóa đã qua sử dụng để xử lý, làm sạch đưa về điều kiện hoạt động tốt được xem là nguyên phụ liệu có xuất xứ. Ví dụ, tivi cũ nhập khẩu từ nước bạn về tháo dỡ, lắp ráp thành tivi tân trang có bảo hành của nhà sản xuất, nếu xuất sang các nước thành viên TPP được hưởng thuế suất ưu đãi TPP. Trong tương lai, Việt Nam phải mở cửa, nhập khẩu hàng tân trang sau khi gia nhập TPP. Còn hiện tại, luật pháp cấm nhập khẩu hàng đã qua sử dụng. Tuy vậy, lợi thế xuất khẩu hàng tân trang không lớn. DN nên tận dụng cơ hội tiềm năng đối với việc dịch chuyển các nhà máy tân trang hàng của Nhật Bản, Mỹ qua Việt Nam trong quá trình tháo rời, lắp ráp, chỉnh sửa các bộ phận máy móc. Công đoạn này tốn thời gian, cần nhiều nhân công và Việt Nam có lợi thế này.

Có một thực tế, các chuỗi cung ứng xuất khẩu hiện nay chưa được ràng buộc chặt chẽ, dễ bị ngắt khúc, đứt đoạn. Chính nguyên nhân này đã ảnh hưởng không nhỏ đến quá trình xuất khẩu hàng hóa, ảnh hưởng đến uy tín, gây thiệt hại kinh tế cho doanh nghiệp, dù rằng cơ hội mở ra khi hội nhập là cực kỳ to lớn. Dẫn chứng về vấn đề này, ông Hoàng Phước Bính, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội hồ tiêu Chư Sê, cho rằng, không nhiều bà con nông dân, DN xuất khẩu hồ tiêu nắm rõ lợi ích cũng như thách thức khi gia nhập TPP, EVFTA. Đối với người dân, họ vẫn cảm thấy việc cầm viết nặng hơn cầm quốc, nên cập nhật thông tin mới là điều khó khăn. Do vậy, rất khó để hướng người dân loại bỏ thói quen canh tác truyền thống… Điều quan trọng nhất là phải xâu chuỗi, liên kết giữa nhà nông với DN. DN muốn thành phẩm đạt chuẩn để xuất vào thị trường EU, nâng chất lượng, hàm lượng giá trị gia tăng cao, nhưng nhà nông lại lười biếng, thiếu hợp tác thì việc sản xuất sẽ rất khó đi vào guồng quay ổn định, chỉ hoạt động cầm chừng kiểu “bữa đực bữa cái”!

Ông Claudio Dordi, Tư vấn trưởng dự án EU - MUTRAP, khuyến cáo: “DN nên nâng cao tỷ lệ nội địa; xây dựng thị trường thương mại; giảm tỷ lệ sản xuất thủ công; xây dựng thị trường thương hiệu quốc tế… Bên cạnh đó, Nhà nước cũng cần thông tin rõ ràng cho các DN về thời hạn, chi tiết của EVFTA và tất cả các hiệp định khác. Xác định rõ mục tiêu nhập khẩu cũng quan trọng như xuất khẩu. Cải cách thể chế là chìa khóa để cải thiện việc kinh doanh và môi trường pháp lý cho DN”.

THI HỒNG

Tin cùng chuyên mục