Doanh số tăng trưởng qua thương mại điện tử 25%-30%/năm và mức độ tăng trưởng này được dự báo sẽ duy trì ổn định trong vòng 5 năm. Thương mại điện tử là một trong những công cụ tiếp cận đối tác, người tiêu dùng trên toàn cầu. Thế nhưng, trong khảo sát gần đây do Cục Thương mại điện tử Việt Nam thực hiện trên 800 doanh nghiệp nội cho thấy, các doanh nghiệp Việt vẫn chưa thực sự tận dụng cơ hội phát triển thông qua thương mại điện tử.
DN nội chưa xem trọng thương mại điện tử
Bà Nguyễn Thị Hạnh, Cục Thương mại điện tử, Bộ Công thương cho biết, trên thị trường thế giới, thương mại điện tử tăng nhanh. Hiện các nước mà Việt Nam đang hướng tới thúc đẩy xuất khẩu đều có tỷ lệ sử dụng internet rất lớn. Đơn cử ở châu Á, 50% giao dịch thông qua thương mại điện tử. 88% đơn vị mua hàng cho biết là họ ưu tiên mua hàng trực tuyến. 55% doanh nghiệp (DN) cho biết doanh thu từ kênh bán hàng trực tuyến tăng 10%/năm. Và 22% DN cho biết trên 50% phương thức đặt hàng là thương mại trực tuyến. Điều đáng quan tâm hơn nữa là tỷ lệ tranh chấp khi sử dụng hợp đồng điện tử rất thấp, chỉ khoảng 8%.
Chọn mua hàng của một doanh nghiệp bán lẻ trong nước qua internet. Ảnh Cao Thăng
Nhìn tổng thể, có thể thấy, Việt Nam xuất khẩu không nhỏ và không ít hàng hóa. Song một khảo sát do Bộ Công thương thực hiện trên 800 DN Việt Nam cho thấy, các DN Việt Nam chưa tận dụng lợi thế từ xuất khẩu thương mại điện tử. Cụ thể, chỉ có 42% DN xuất khẩu có website. Trong số các DN có website thì cũng chỉ có 58% DN có sử dụng ngôn ngữ nước ngoài; còn lại là sử dụng đơn ngữ là tiếng Việt.
Một vấn đề khác, trong khi nhiều DN Việt Nam quy mô lớn nhưng nội dung trên website lại nghèo nàn, còn DN nước ngoài dù là quy mô sản xuất rất nhỏ nhưng nội dung website của họ thì phong phú, thông tin luôn được cập nhật thường xuyên. Nhờ vậy mà lợi thế thu hút đối tác cũng hiệu quả hơn DN Việt Nam.
Tăng đơn đặt hàng nhờ mở kênh bán hàng trực tuyến
Nhận định về hiệu quả giao dịch thương mại thông qua kênh điện tử thì có đến 59% DN cho rằng hiệu quả tốt và 14% cho rằng hiệu quả. Nhiều DN cho biết, mở kênh bán hàng trực tuyến tăng gấp 4 lần đơn đặt hàng. Theo các chuyên gia kinh tế, thương mại điện tử sẽ là xu hướng giao dịch của tương lai. Nếu thương mại điện tử kết nối cùng ngân hàng thì việc phát triển xuất khẩu DN sẽ đạt những hiệu quả cao. Do vậy, các DN xuất khẩu cần nắm bắt thương mại điện tử để tiến xa hơn, thắng lợi hơn. Trong thế giới phẳng hiện nay thì người nhanh sẽ đánh bại người chậm. Ông Trần Xuân Thủy, Giám đốc thị trường Việt Nam của Tập đoàn Alibaba, sự khó khăn của nền kinh tế thế giới hiện tại đang thúc đẩy DN chuyển đổi từ kinh doanh truyền thống sang mô hình kinh doanh thương mại điện tử. Việc chuyển đổi này cũng gặp rất nhiều khó khăn, tác động trực tiếp đến kế hoạch kinh doanh của DN. Tuy nhiên, với phương thức đặt hàng trực tuyến thì quy mô đơn hàng cũng giảm dần về số lượng trong từng đơn hàng. Bù lại, DN sẽ có nhiều người mua hàng hơn. Lượng hàng hóa luân chuyển tốt hơn, từ đó hạn chế tình trạng tồn kho. Thương mại điện tử là điều kiện và cơ hội cho DN quy mô nhỏ cạnh tranh, khai thác thị trường. Bản thân mô hình điện tử cũng đang có sự thay đổi từ offline sang online. Cho nên các đơn vị vận hành sàn thương mại điện tử cũng thay đổi mô hình theo hướng đa dạng dịch vụ từ kết nối, tư vấn, phân tích chiến lược, phân tích và đánh giá khách hàng, thanh toán và bảo hiểm.
Tiến sĩ Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế trung ương nhấn mạnh thêm, năm 2016, kinh tế thế giới được đánh giá là khó khăn khi chỉ đạt mức tăng trưởng 2,8%, chậm hơn năm 2015 là 4,2%. Tăng trưởng kinh tế thế giới năm 2017 được dự báo là sẽ bò ngang hoặc đi xuống. Những diễn biến kinh tế thế giới cũng được nhận định sẽ có những tác động tiêu cực đến sự phát triển của nền kinh tế Việt Nam. Cụ thể, giá năng lượng, kim loại, nông sản, thực phẩm - những sản phẩm xuất khẩu chủ lực của DN Việt Nam vẫn đạt mức thấp. Những DN Việt vốn đang có thị trường xuất khẩu vào Anh và Nhật Bản cũng được cảnh báo gặp nhiều khó khăn do những biến động liên quan đến hậu Brexit. Một số DN hoạt động trong lĩnh vực dệt may cũng sẽ bị giảm sút đơn hàng do bị cạnh tranh bởi các DN dệt may tại các nước Campuchia và Bangladesh. Trong 15 năm tới, 76% lao động của Việt Nam thất nghiệp vì thế giới chuyển sang sử dụng người máy và trang thiết bị thông minh. Do vậy, chuyển đổi hình thức kinh doanh sang thương mại điện tử cũng là cách để DN nội có thể tiếp cận mạnh mẽ hơn với người tiêu dùng thế giới và giữ được nhịp độ xuất khẩu ổn định hơn trong tương lai. Bà Nguyễn Thị Hạnh cho biết, Việt Nam có 50 triệu người dùng internet, thống kê cuối năm 2015, trong đó 35 triệu người dùng điện thoại di động. Hiện các nước mà Việt Nam đang hướng tới thúc đẩy xuất khẩu như Mỹ, châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc... có tỷ lệ sử dụng internet rất cao. Vì thế, nếu các DN khai thác được thương mại điện tử để tiếp cận thị trường xuất khẩu sẽ rất hiệu quả. Do vậy, phát triển thương mại điện tử sẽ là xu hướng phát triển chủ đạo trong tương lai và sẽ dần thay thế hoạt động thương mại có tính truyền thống như thông qua trao đổi trực tiếp, hội chợ hay hoạt động xúc tiến thương mại trực tiếp…
MINH XUÂN