Tan nát mỏ vàng Khe Đương

Từng là “điểm nóng”
Tan nát mỏ vàng Khe Đương

Khe Đương là mỏ vàng duy nhất ở Đà Nẵng (thuộc xã Hòa Bắc, huyện Hòa Vang) từng là điểm “nóng” khi có thông tin một nhóm người đã phát hiện một khối vàng vài ký. Chính vì vậy, nhiều thông tin cho rằng mỏ vàng này có trữ lượng vô cùng lớn, thậm chí tại nhiều điểm vàng đóng thành từng lớp. Chính vì vậy, từ ngày phát hiện vào đầu năm 2006 đến nay, mặc dù đã giao cho một đơn vị đứng ra quản lý, khai thác nhưng tại mỏ vàng này đã xảy ra nhiều hệ lụy và hậu quả để lại vô cùng lớn.

Bất chấp quy định, đến nay Công ty Trường Sơn vẫn không chịu hoàn thổ, trồng lại rừng.

Bất chấp quy định, đến nay Công ty Trường Sơn vẫn không chịu hoàn thổ, trồng lại rừng.

Từng là “điểm nóng”

Trở lại thời điểm giữa năm 2006, khi có thông tin nhiều nhóm người khai thác vàng trái phép liên tục “trúng quả” bởi những khối vàng nặng vài ký. Ngay lập tức nhiều tốp người từ các nơi và cả người dân địa phương ùn ùn kéo đến tranh giành, hỗn chiến nhằm chiếm bãi vàng. Ngay lập tức, lãnh đạo TP Đà Nẵng chỉ đạo các ngành chức năng triển khai lực lượng để bảo vệ mỏ vàng này. Tuy nhiên, do sức hút quá lớn nên, nhiều người bất chấp và liều lĩnh tấn công cả lực lượng bảo vệ. Mọi chuyện chỉ yên ổn khi lực lượng công an, quân đội được tăng cường tối đa, có lúc lên đến vài trăm cán bộ chiến sĩ bảo vệ nghiêm ngặt 24/24 giờ.

Ngày 26-10-2007, trên cơ sở đề xuất của Hội đồng xét thầu (do Sở Công nghiệp nay là Sở Công thương chủ trì), UBND TP Đà Nẵng cấp phép cho Công ty TNHH Trường Sơn được lập dự án khai thác, chế biến vàng tại mỏ vàng này. Đến tháng 3-2008, UBND TP đã cấp giấy phép cho Công ty Khai thác mỏ vàng Khe Đương trên khu vực rộng 22ha trong thời gian 36 tháng. Sở Tài nguyên - Môi trường đề nghị có thể gia hạn thêm 2 năm nếu công ty thực hiện tốt các quy định trong khai thác và chế biến.

Phớt lờ quyết định

Như vậy, theo giấy phép của UBND TP Đà Nẵng cũng như đề xuất của Sở Tài nguyên - Môi trường, đến tháng 3-2013 (sau 5 năm), Công ty Trường Sơn phải hoàn trả lại bãi vàng, đồng thời có trách nhiệm hoàn thổ, trồng lại rừng theo quy định. Thế nhưng, sang đến tháng 3-2014, Công ty Trường Sơn vẫn “án binh bất động”, không chịu di chuyển thiết bị, máy móc ra khỏi khu vực. Một cán bộ thuộc Sở Tài nguyên - Môi trường TP Đà Nẵng cho rằng: Sở dĩ Công ty Trường Sơn cố tình “lờ” quyết định của UBND thành phố là nhằm tranh thủ thời gian để xin gia hạn khai thác tiếp tại mỏ vàng này. Tuy nhiên, trên tinh thần chỉ đạo của UBND TP Đà Nẵng thì các đơn vị liên quan sẽ kiên quyết đóng cửa mỏ vàng này.

Trong khi đó, ông Hồ Tăng Phúc, Chủ tịch UBND xã Hòa Bắc, cho biết: “Từ khi có quyết định đóng cửa mỏ vàng Khe Đương của UBND thành phố, chính quyền xã liên tục vào hối thúc họ di chuyển máy móc, thiết bị ra ngoài. Thế nhưng, đến nay đã quá hạn nhưng họ vẫn không chịu đi. Còn việc khôi phục môi trường, trồng rừng thay thế thì Công ty Trường Sơn vẫn không thực hiện”. Ông Phúc còn cho biết, mặc dù đứng ra khai thác mỏ vàng trên địa bàn nhưng đóng góp của Công ty Trường Sơn với địa phương hầu như rất ít. Chỉ những dịp tết, trung thu, công ty mua vài chục suất quà tặng cho người nghèo, trẻ em, ngoài ra không có bất kỳ đóng góp nào cho địa phương.

Điều ông Phúc lo lắng nhất là mới đây, UBND TP Đà Nẵng tiếp tục có quyết định thu hồi diện tích đất đã cho Công ty Trường Sơn thuê để khai thác vàng và giao lại cho UBND xã Hòa Bắc quản lý nhưng chưa thể tiếp quản vì Công ty Trường Sơn vẫn chưa chuyển đi. Hơn thế nữa, diện tích đất rừng đã bị Công ty Trường Sơn cày xới ngổn ngang, cây rừng bị chặt phá chẳng khác nào bãi chiến trường, thì khi tiếp nhận, xã lấy kinh phí đâu ra để khắc phục.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, trong khoảng thời gian từ khi cấp phép tháng 3-2008 đến tháng 3-2011, doanh nghiệp này không thực hiện đầy đủ nghĩa vụ đối với ngân sách như cam kết nhưng vẫn được cơ quan chức năng đề xuất UBND TP Đà Nẵng cấp tiếp giấy phép khai thác khoáng sản số 5258/GP-UBND ngày 22-6-2011, nghĩa là thêm 2 năm. Để đến bây giờ hậu quả chồng hậu quả và không chỉ môi trường sinh thái bị tàn phá mà tài nguyên lâm sản cũng bị xâm hại hết sức nghiêm trọng. Vậy, ai chịu trách nhiệm trước sự tổn thất không nhỏ về tài nguyên vàng và lâm sản ở Khe Đương?

NGUYỄN HÙNG

Tin cùng chuyên mục