Những cánh rừng cổ thụ ở dãy núi Chư A Thai thuộc địa bàn huyện Phú Thiện (tỉnh Gia Lai) đã bị chôn vùi dưới dòng nham thạch của núi lửa hàng triệu năm, hình thành nên một loại gỗ đá (gỗ hóa thạch) cực kỳ quý hiếm trong lòng đất. Nhưng đã nhiều năm qua, những cánh rừng này đang bị khai thác bừa bãi không thương tiếc…
Rừng tàn
Ông Vũ Đình Hường ngụ tại thị trấn Phú Thiện (huyện Phú Thiện) - chuyên mua bán đá quý có tiếng ở tỉnh Gia Lai kể lại: Từ năm 2000, trong khi làm rẫy, người dân xã Chư A Thai đã tìm thấy nhiều khối đá có dạng hình thân cây, bán được giá rất cao.
Đến năm 2005, có tin người dân tìm được cây gỗ hóa thạch lớn, ông đã vào tận núi để mua rồi thuê người đào xuống độ sâu hơn 7m, phát hiện đường kính gốc cây 1,4m và có cả khúc rễ to. Sau đó, cây gỗ được ông dùng xe cẩu chở về bán cho Công ty cổ phần Dịch vụ - Du lịch Gia Lai với giá 35 triệu đồng.
Nhưng đến thời điểm này, đã có nhiều người tìm đến hỏi mua với giá gần 2 tỷ đồng nhưng không được. Hiện cây gỗ hóa thạch này được đặt tại Công viên Văn hóa Đồng Xanh, TP Pleiku (tỉnh Gia Lai) để phục vụ khách tham quan, du lịch.
Nạn khai thác gỗ hóa thạch rầm rộ đến nỗi người dân làng Rơ Lâm (xã Chư A Thai) phải xây 2 ụ bê tông cao gần 1m ngay ở cổng làng để ngăn chặn xe tải lớn vào chở đá. Vào những thời điểm “nóng”, số người vào núi tìm gỗ quý có thể lên đến vài trăm người.
Nhóm người này đi đến đâu thì cảnh xói mòn diễn ra đến đó. Rừng cây bị tàn phá trở thành “rừng chết”, những hố hốc bị đào xới nham nhở.Không phải là những cánh rừng đơn thuần, để đốn hạ một cây gỗ hóa thạch nằm sâu trong lòng đất thì phải đào xới trên cả diện tích rộng, độ sâu cả chục mét.
Sống gần chân núi Chư A Thai, Anh Khánh – một người dân địa phương cho biết: Từ sáng sớm, những đoàn người vác cuốc, xà beng rầm rập vào núi. Thường các nhóm khai thác tập trung từ 15 - 20 người, sau khoảng 2 – 4 ngày đào xới liên tục mới khai thác một cây gỗ lớn. Trước kia, do chưa có sự nghiêm cấm gắt gao của chính quyền địa phương nên những đoàn người (chủ yếu là thợ đào vàng) tứ xứ đổ về đây khai thác một cách ngang nhiên. Mỗi lần phát hiện ra gỗ đá, họ cho xe ủi, xe cẩu đào bới cả ngày đêm.
Anh Khánh cho biết, nếu muốn mua với số lượng lớn thì phải đặt hàng trước. Trong xã chỉ có nhà ông Tùng, ông Bảy mới có nhiều đá. Người trong vùng chỉ biết khai thác rồi bán chứ không biết chơi thứ này. “Đá có nhiều loại, bán theo ký thì giá từ 5.000 – 7.000 đồng/kg. Nhiều cây có thế, hình dáng đẹp thì bán theo giá trị hoặc kích thước của gỗ. Có cây bán từ vài chục đến vài trăm triệu đồng”.
Theo chân Khánh, chúng tôi tiến lên ngọn núi cao nhất - nơi mà anh bảo ngày trước họ đã tìm thấy cây gỗ hóa thạch to bằng mấy người ôm, tuyệt đẹp đang được trưng bày tại Công viên Văn hóa Đồng Xanh. Xung quanh cây cối bị chặt hạ tan hoang, những hố hốc sâu hoắm lồ lộ. Đó là hậu quả của những đợt lùng sục, đào xới gỗ đá của đoàn người săn lùng.
Chỉ vào những cánh rừng bị đốn hạ ngổn ngang phía trước, anh Khánh nói tiếp: “Ngày mới lên đây, rừng xanh bạt ngàn là thế. Vậy mà chỉ vài năm trở lại đây, rừng tàn lụi trông đến thảm thương”.
Họa từ... gỗ
Đào được cây gỗ hóa thạch có độ sâu từ 7 - 10m là việc không hề dễ dàng. Gỗ thường nằm ở khu vực có nhiều đá và khá cheo leo trên núi. “Dụng cụ chính là xà beng nên sau mỗi đợt đào gỗ nhiều người phải băng bó ở tay do bỏng, rộp da. Tìm thấy gỗ hóa thạch cũng không phải dễ, chỉ có những người chuyên đi làm việc này mới biết được ở đâu có đá. Nhiều người thấy món hời lớn cũng đi đào nát cả vùng núi đồi nhưng cuối ngày đành về tay không. Em hãi lắm, mình sức yếu ở nhà làm nông nuôi vợ con cho chắc, nghề này nguy hiểm lắm: đá rớt, sập hầm gãy tay, chân là chuyện thường” - anh Khánh tâm sự.
Nhớ lại những chuyện đã xảy ra ở núi Chư A Thai, anh Khánh vẫn còn hãi đến dựng tóc gáy: “Nhiều nhóm vào khai thác gỗ ở đây nhiều khi xích mích dẫn đến đụng độ. Người đi trước tìm đánh dấu địa điểm, người vào sau không biết nên cũng đào ngay vị trí đó nên xảy ra tranh chấp, đánh nhau. Cuốc với xẻng đụng nhau thì còn đâu là hình người nữa... Thỉnh thoảng cũng có nhiều người không làm, chờ những người khác yếu thế hơn mang gỗ về thì tìm cách gây gổ để cướp. Dạo này, các cơ quan ở địa phương can thiệp, cấm khai thác nên cũng giảm phần nào”.
Nhiều hộ dân quanh khu vực tỏ ra bức xúc, những cái hố sâu hoắm bỏ lại sau khi đào gỗ để lại khiến cho không ít trâu, bò của bà con rơi xuống hố chết. Ngay đối với con người cũng nguy hiểm, đường sá bị họ lùng sục làm cho nắng thì hứng bụi, mưa phải lội bùn.
Giá trị của gỗ hóa thạch như hiện nay thì quá rõ nhưng ít ai biết rõ công dụng của nó. Nhiều người thì mua để làm đồ trang trí, làm đẹp trong nhà như “hàng hiếm”. Bên cạnh đó, nhiều người mua để làm vật “phòng thân” mang lại may mắn, đặc biệt là dùng để chữa bệnh.
Không phủ định tác dụng chữa bệnh của gỗ hóa thạch nhưng theo ông Nguyễn Việt Hưng, Giám đốc Bảo tàng địa chất Việt Nam: Không nên lạm dụng gỗ hóa thạch để chữa bệnh. Nếu người hợp với nguồn vi chất có trong gỗ hóa thạch thì việc đá chữa bệnh có thể xảy ra. Còn nếu thể chất không tương hợp với nguồn vi chất trong gỗ hóa thạch thì không những không chữa được bệnh mà còn sinh ra một số tác dụng phụ…
Trao đổi với chúng tôi về tình hình khai thác bừa bãi nguồn tài nguyên quý báu của địa phương, ông Rơ Mah Ngoan, Chủ tịch UBND xã Chư A Thai cho biết: “Địa phương hiện đang duy trì lệnh nghiêm cấm, đồng thời cho người liên tục tuần tra không cho khai thác, đào xới bừa bãi. Tình trạng đào “chui” và buôn bán gỗ hóa thạch lén lút vẫn diễn ra, việc kiểm soát gặp nhiều khó khăn. Đặc biệt, đá ở Chư A Thai đã có tiếng nên nhiều người ở các địa phương khác cũng mang đá đến đây buôn bán để được giá cao”.
Hoạt động khai thác lén lút, đào xới vô độ của những người săn gỗ hóa thạch sẽ khiến cho nguy cơ “rừng” cổ thụ hàng trăm triệu năm tuổi ở Chư A Thai biến mất trong nay mai là điều khó tránh khỏi. Đá quý của địa phương, của quốc gia rồi sẽ về đâu?
Đức Trung