Tầng cao, tấm lòng hẹp

Cách đây không lâu tôi có dịp đến thăm gia đình anh bạn ở khu chung cư (Q.Hà Đông, Hà Nội). May mắn anh bạn tôi mua được căn hộ giá rẻ ở tầng 16. Căn hộ 70m² khang trang với đầy đủ trang thiết bị. Vợ chồng đều là công chức, thu nhập cũng khá nên chịu khó đầu tư mua sắm các trang thiết bị gia đình. Nói vậy chứ, dù với diện tích 70m² nhưng đầy đủ nội thất từ tủ đứng, tủ tường, bàn ghế, tủ chè… dường như không còn kẽ hở. Tôi hỏi bạn tôi: Vậy con trai anh sau khi đi học ở trường, về nhà muốn vui chơi giải trí, văn hóa, thể thao thì thế nào? Anh bạn tôi trả lời thẳng thắn: Ở đây không có khái niệm sinh hoạt cộng đồng, tất cả mọi hoạt động đều diễn ra ở trường, buổi tối chỉ dành cho học tập và ngủ nghỉ. Tầng một có sân chơi nhưng cũng dành chủ yếu để kinh doanh các loại dịch vụ và làm nơi để xe. Cùng lắm thì vào dịp lễ, tết có tổ chức hoạt động thiếu nhi thì các cháu mới được tham gia cùng nhau nhưng cũng hiếm khi. Thấy vậy, tôi hỏi tiếp: Vậy những mối quan hệ tập thể của cháu ra sao? Anh bạn tôi không chần chừ: Không quen biết.

Câu chuyện của anh bạn tôi ở nhà chung cư mà thật buồn. Trước đây, khái niệm tập thể cũng nhà cao tầng nhưng tính chất lại hoàn toàn khác. Ở tập thể phần lớn là những người cùng cơ quan nên họ có quan hệ ràng buộc với nhau, hơn nữa tính chất cộng đồng, “tình hàng xóm” luôn được coi trọng. Tập thể trước đây chẳng khác gì “một cộng đồng thu nhỏ” cùng ở và cùng chung lợi ích. Còn bây giờ, những chung cư cao tầng mọc lên ngày càng nhiều do tính chất đô thị hóa nhưng tính chất quan hệ người – người ngày càng bị thu hẹp. Những người ở chung cư phần lớn ở nhiều nơi khác chuyển đến, họ không có mối quan hệ ràng buộc, không phải thể hiện trách nhiệm trước cộng đồng. Thiết bị hư hỏng có dịch vụ theo số điện thoại; đồ ăn, uống sẵn chỉ cần gọi điện là có người phục vụ, phần lớn họ suy nghĩ “ra đóng vào khóa”, thậm chí 2 nhà sát nhau sống đến 2 năm vẫn không hề biết tên nhau và về cuộc sống của nhau.

Không phải ở chung cư con người không muốn quan hệ với nhau nhưng do tính chất quan hệ công việc, do đặc thù nguyên tắc đô thị chi phối và do cả việc tổ chức các hoạt động và nội quy sinh hoạt cộng đồng còn lỏng lẻo nên họ không bị ràng buộc. Tuy nhiên, những đứa trẻ sẽ bị thiệt thòi nhất. Tại sao ta hay nói trẻ thờ ơ vô cảm, trẻ trơ lỳ tâm lý, trẻ thực dụng… điều này bắt nguồn từ việc tổ chức cuộc sống ở nơi cư trú mà người lớn phải chịu trách nhiệm đầu tiên. Những đứa trẻ lớn lên sẽ thiếu hụt sự đồng cảm, chia sẻ với cộng đồng, càng bó hẹp không gian càng rút ngắn cơ hội quan hệ, giao tiếp, tư tưởng “ra đóng vào khóa” sẽ làm cho tâm hồn trẻ ngày càng lão hóa, máy móc, lạnh nhạt, cái tôi cá nhân lấn át tập thể, sống thực dụng chỉ biết quan tâm đến bản thân.

Cần nhất thiết phải tổ chức lại cuộc sống ở chung cư, duy trì các quy định sinh hoạt hàng tuần, hàng tháng, nâng cao ý thức phê bình, biểu dương khen thưởng, đặc biệt là cần phải phát huy tốt vai trò của tổ dân phố, ban quản lý chung cư, tạo sân chơi lành mạnh cho các lứa tuổi nhất là trẻ em được giao lưu, hòa nhập. Hãy làm cho chung cư cao tầng trở thành một tập thể có môi trường văn hóa tốt, một khu dân cư đoàn kết, tương thân, tương ái.

ThS Nguyễn Văn Công

Tin cùng chuyên mục