Bộ TT-TT vừa đồng ý cho các mạng di động Việt Nam được phép tăng cước dịch vụ 3G với điều kiện không tăng quá 20% giá hiện hành. Ngay lập tức cả 3 mạng di động là Viettel, MobiFone và Vinaphone đều công bố, ngày 16-10 này sẽ chính thức áp dụng mức cước 3G mới.
Đã có rất nhiều ý kiến cho rằng lý do chính khiến nhà mạng nghĩ tới chuyện tăng giá dịch vụ 3G là do sự “bùng nổ” của các dịch vụ chuyên về thoại hoặc nhắn tin miễn phí (OTT) như Viber, Skype, Zalo, Kakao Talk, Line,... khiến nhà mạng sụt doanh thu và việc tăng cước 3G nhằm bù đắp sự thất thu đó. Mới đây, Thứ trưởng Bộ TT-TT Lê Nam Thắng khẳng định, lý do chính khiến các nhà mạng di động Việt Nam hiện nay muốn tăng cước dịch vụ 3G không phải vì sự phát triển của các dịch vụ OTT mà do giá bán dịch vụ 3G đang thấp hơn giá thành. Lãnh đạo các mạng di động lý giải: khi sinh ra mạng 3G, họ tính giá thành theo giá trị cận biên vì nghĩ rằng 3G sẽ tạo ra nguồn doanh thu mới bên cạnh doanh thu từ mạng 2G và chỉ dùng khoản chi phí tăng thêm để tính giá thành.
Đến nay 3G đang dần thay thế 2G và tất cả chi phí cho 2G dồn hết cho 3G phải “gánh”, vì vậy nhà mạng phải tính chuyện tăng giá cước 3G để đúng với giá thành đầu tư mạng 3G. Trong giai đoạn đầu phát triển, để kích cầu cho dịch vụ mới, nhiều nhà mạng đã giảm giá cước dưới mức giá thành. Vì vậy, theo các nhà mạng, giá cước 3G tại Việt Nam vào loại rẻ nhất thế giới. Theo Bộ TT-TT, cước 3G của Việt Nam rẻ hơn khoảng 10 lần so với Trung Quốc và rẻ hơn khoảng 40 lần so với các nước châu Âu. Ngay cả khi các mạng di động tăng cước 3G lên khoảng 20% thì mức cước 3G vẫn thấp hơn rất nhiều mức trung bình của 10 nước ASEAN. Cụ thể, nếu thu cước 3G trên thực tế sử dụng thì cước 3G của Việt Nam chỉ bằng 19,4% so với mức thu trung bình của ASEAN. Với mức cước mà các mạng di động đang bán cho khách hàng hiện nay cũng đang thấp hơn giá thành khá nhiều.
Như vậy, có thể hiểu là việc tăng cước 3G là không tránh khỏi, nhưng thông báo về mức điều chỉnh cước của một số nhà mạng đang gây bức xúc cho người tiêu dùng. Cụ thể, các mạng đều công bố gói thuê bao 3G trọn gói tối thiểu (MiMax của Viettel, gói Max của Vinaphone và MIU của MobiFone) sẽ tăng từ 50.000 đồng lên 70.000 đồng/tháng, tức là tăng khoảng 40%. Các nhà mạng cho biết, nếu xét riêng từng gói thì “vượt ngưỡng” quy định 20% của Bộ TT-TT, nhưng nếu xét tổng thể, thì giá cước 3G của các mạng cũng chỉ tăng gần 20% so với giá hiện hành. Cách lý giải này là rất khiên cưỡng và không thuyết phục, bởi người tiêu dùng không quan tâm các dịch vụ “tổng thể” của nhà mạng, mà chỉ quan tâm gói cước họ đang sử dụng sẽ tăng bao nhiêu? Và mức tăng tới 40% thực sự là một cú sốc khiến nhiều người đang cân nhắc việc từ bỏ dịch vụ. Cũng cần lưu ý rằng, dù chỉ “một bộ phận nhỏ” gói cước tăng sốc nhưng đa số người tiêu dùng sẽ phải móc thêm hầu bao trả phí gần gấp đôi, thậm chí cao hơn, bởi các gói MiMax của Viettel, gói Max của Vinaphone và MIU của MobiFone hiện nay là những gói cước 3G thông dụng và được nhiều người sử dụng nhất. Việc các mạng di động giải thích, quá trình tăng cước có sự điều chỉnh mạnh hơn đối với các gói cước 3G có dung lượng lớn, còn gói cước 3G để phổ cập sẽ ít điều chỉnh là không thuyết phục được người tiêu dùng. Dư luận đặt câu hỏi: phải chăng đó là sự “lách luật” của các nhà mạng hiện nay? Điều này cần có câu trả lời thỏa đáng từ phía các nhà mạng và cả cơ quan quản lý là Bộ TT-TT.
Một vấn đề khác, đó là việc tăng cước 3G có làm chất lượng dịch vụ tăng lên? Hầu hết khách hàng đều cho rằng nếu tăng cước các mạng phải cam kết đảm bảo dịch vụ, bởi hiện nay mạng 3G ở Việt Nam vẫn chưa thật sự tốt như mong đợi của người tiêu dùng. Chưa hết, các mạng cần công bố lộ trình tăng một cách công khai, để thuê bao sử dụng biết. Với số lượng thuê bao 3G và tốc độ phát triển smartphone nhanh như ở Việt Nam hiện nay, rõ ràng việc tăng cước 3G có tác động khá lớn đến người tiêu dùng. Đó là điều mà cơ quan quản lý cũng như các nhà mạng cần tính đến, với một lộ trình và mức giá tăng phù hợp để người sử dụng chấp nhận và không gây xáo trộn trên thị trường.
TRẦN LƯU