Tăng cường giải pháp bảo vệ môi trường biển

Nước thải chưa qua xử lý, các sự cố môi trường như tràn dầu, doanh nghiệp (DN) xả thải sai quy định... đang là những nguyên nhân chính tác động lên môi trường biển của Việt Nam. Điều này đang gây thiệt hại lớn về kinh tế, đời sống, sinh kế của cộng đồng dân cư ven biển và nhiều tổn hại khó lường với các hệ sinh thái, sinh vật biển. 
Rừng ngập mặn ven biển giúp hạn chế nước, rác thải xả trực tiếp ra biển tại xã Vĩnh Trạch Đông, TP Bạc Liêu. Ảnh: CAO THĂNG
Rừng ngập mặn ven biển giúp hạn chế nước, rác thải xả trực tiếp ra biển tại xã Vĩnh Trạch Đông, TP Bạc Liêu. Ảnh: CAO THĂNG

Áp lực từ phát triển đô thị  

Việt Nam có 28/63 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có biển với dân số khoảng 51 triệu người, tốc độ gia tăng dân số trung bình khoảng 0,91%. Cùng với quá trình đô thị hóa, kéo theo nhu cầu tiêu dùng của người dân tăng, đồng nghĩa với gia tăng phát sinh chất thải gây sức ép lên môi trường.

Bên cạnh đó, việc đẩy mạnh các ngành kinh tế biển, đảo với hàng loạt hoạt động như khai thác dầu khí, hàng hải, nuôi trồng thủy sản, phát triển du lịch biển... đã và đang gây sức ép đến môi trường nước, trầm tích biển khu vực ven bờ. Theo Bộ Xây dựng, ước tính năm 2019, lượng nước thải phát sinh tại các thành phố lớn, thành phố du lịch khoảng 122-163 triệu m3/ngày. Con số này ở TPHCM là hơn 17 triệu m³/ngày. 

Đặc trưng của nước thải sinh hoạt có chứa hàm lượng các chất hữu cơ, hợp chất chứa ni tơ, chất rắn lơ lửng, photsphat, clorua. Ngoài ra, còn có các thành phần vô cơ, vi sinh vật và vi trùng gây bệnh khác, nếu không được quản lý, kiểm soát chặt chẽ sẽ gây ảnh hưởng đến chất lượng môi trường nước biển ven bờ. Trong khi, đến hết năm 2019 cả nước chỉ có 38/178 đô thị loại IV trở lên có hệ thống xử lý nước thải tập trung, tỷ lệ 21,35%. Tỷ lệ nước thải ở các đô thị này được xử lý đạt chuẩn chỉ đạt 12,5% và vẫn còn khoảng 26% lượng chất thải rắn chưa được thu gom, thải thẳng ra môi trường biển. 

Thống kê của Bộ TN-MT cũng cho thấy, môi trường biển còn đang chịu tác động bởi các sự cố môi trường như tràn dầu, DN xả thải sai quy định. Chỉ riêng năm 2019, đã có 7 sự cố tràn dầu. Điển hình là sự cố tràn dầu tàu Vietsun chở gần 150 tấn dầu bị chìm ngày 19-10-2019 tại khu vực sông Lòng Tàu (huyện Cần Giờ, TPHCM), trên tàu có khoảng 150m3 dầu FO và 20m³ dầu DO gây ảnh hưởng trực tiếp đến khu vực phòng hộ rừng Cần Giờ và các khu vực nuôi trồng thủy hải sản.

Hay sự cố chìm tàu Nordana Sophia của Thái Lan trên vùng biển Hà Tĩnh ngày 28-11-2019, gây ra hiện tượng vón cục trôi dạt trên bờ biển xã Kỳ Lợi, huyện Kỳ Anh... Sự cố tràn dầu thường để lại những hậu quả nặng nề đối với môi trường, hệ sinh thái và tác động trực tiếp đến kinh tế biển như du lịch, đánh bắt và nuôi trồng thủy hải sản, tác động trực tiếp đến sinh kế của người dân. 

Ngoài những sự cố tràn dầu trên biển, thời gian qua hiện tượng xả nước thải chưa qua xử lý ra môi trường, vùng ven biển đã gây hậu quả nghiêm trọng đến môi trường, ảnh hưởng không nhỏ đến phát triển kinh tế, ảnh hưởng đời sống của người dân. Điển hình là sự cố môi trường nghiêm trọng do Công ty TNHH gang thép Hưng Nghiệp Fomosa (2016) đã để lại hậu quả rất nghiêm trọng trên nhiều phương diện, gây thiệt hại lớn cho nền kinh tế đất nước; đặc biệt là 4 tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế. Các thông số được xác định là nguyên nhân gây ra sự cố môi trường (Fe, Xyanua, Phenol) trong môi trường nước biển và màng bám keo tụ. 

Tăng cường kiểm soát, chế tài

 Đề bảo tồn, bảo vệ môi trường biển và phát triển kinh tế biển hiệu quả, Bộ trưởng Bộ TN-MT Trần Hồng Hà đã yêu cầu các đơn, địa phương tăng cường giải pháp để triển khai. Cụ thể là rà soát, khoanh vùng các đối tượng có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, rủi ro xảy ra sự cố môi trường và có biện pháp kiểm soát chặt chẽ hoạt động xả thải, phòng ngừa sự cố môi trường bằng biện pháp kỹ thuật- công nghệ phù hợp, kết hợp thanh tra, kiểm tra, giám sát bảo vệ môi trường đối với dự án, cơ sơ sản xuất có hoạt động xả thải.

Đặc biệt là nguồn xả nước thải lớn như vùng duyên hải, ven biển, các lưu vực sông. Kiên quyết xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, đặc biệt đối với cơ sở thuộc danh mục gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng phải xử lý triệt để. Tăng cường năng lực và đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong xử lý một số vấn đề môi trường biển nổi cộm như quản lý rác thải nhựa đại dương; ứng phó, khắc phục, giải quyết hậu quả sự cố tràn dầu trên biển; bảo tồn đa dạng sinh học; ngăn ngừa ô nhiễm từ tàu biển. 

Theo Sở TN-MT TPHCM, thời gian qua, TP thường xuyên tổ chức các hoạt động tuyên truyền về biển, đảo như vẽ tranh tuyên truyền, trồng cây ở rừng ngập mặn Cần Giờ; ra quân làm sạch môi trường biển. Song song đó, TP cũng khen thưởng các điển hình tiên tiến, mô hình hay, sáng kiến có giá trị trong bảo tồn đa dạng sinh học, giảm rác thải nhựa ra đại dương. Giai đoạn 2021-2-25, TPHCM tiếp tục tăng cường công tác bảo vệ môi trường biển, hải đảo, tài nguyên nước, khoáng sản bằng các giải pháp như quản lý chặt chẽ nguồn nước và khoáng sản, hạn chế khai thác nước ngầm; ngăn ngừa khai thác khoáng sản trái phép trên địa bàn. Đặc biệt sẽ tăng cường kiểm tra việc xả thải vào nguồn nước, khai thác nước không phép.

Tin cùng chuyên mục