Tăng cường giải pháp hỗ trợ xuất khẩu

Tăng cường giải pháp hỗ trợ xuất khẩu

Tăng trưởng xuất khẩu quý 1-2015 chỉ bằng 50% so với cùng kỳ 2014, trong khi đó, hàng loạt mặt hàng tiêu dùng lại đang nhập khẩu ngược vào nội địa. Qua đây cho thấy, việc hoạch định chính sách và sự chuẩn bị hội nhập của cộng đồng doanh nghiệp nội đến thời điểm này đang có vấn đề.

Xuất khẩu ảm đạm

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, xuất khẩu quý 1 ước đạt 35,7 tỷ USD, chỉ tăng 6,9% so với cùng kỳ năm 2014, chỉ bằng một nửa so với cùng kỳ năm trước. Đáng chú ý, khu vực khối doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) vẫn chiếm ưu thế áp đảo trong tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa với mức 67,5%. Con số phần trăm khiêm tốn còn lại nhỉnh hơn 30% thuộc về khu vực doanh nghiệp nội địa và chủ yếu là của các doanh nghiệp quy mô vừa. Qua đây cho thấy, toàn cảnh xuất khẩu quý 1 khá ảm đạm và nhiều doanh nghiệp trong nước rất khó khăn, thậm chí không tiếp cận được thị trường xuất khẩu. Trong khi tăng trưởng xuất khẩu đang chậm lại, thì điều đáng lo ngại là trong quý 1 sự gia tăng mạnh của việc nhập khẩu các mặt hàng tiêu dùng như: ô tô đã tăng 78,5%; sắt thép tăng mạnh với mức tăng 97%; máy móc thiết bị tăng 54%; điện thoại các loại và linh kiện tăng 52%; vải tăng 32% so với cùng kỳ năm 2014... Và hầu hết các mặt hàng này đều được nhập từ Trung Quốc.

Sản lượng cao su xuất khẩu kém hơn so cùng kỳ năm ngoái. Ảnh: PHẠM CAO MINH

Sở Công thương TPHCM cũng cho biết, tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa quý 1 trên địa bàn ước đạt 6,24 tỷ USD, giảm 4% so với cùng kỳ năm 2014. Nguyên nhân là do doanh nghiệp xuất khẩu TP gặp nhiều khó khăn trong tiếp cận thị trường tiêu thụ. Đặc biệt, doanh nghiệp trong nước đang phải cạnh tranh ngày càng gay gắt giữa các nước do họ cũng tập trung cho xuất khẩu, giảm hàng tồn kho. Trong đó, sức ép cạnh tranh lớn đến chủ yếu từ các quốc gia như: Trung Quốc, Ấn Độ, ASEAN… làm cho số lượng, quy mô đơn hàng của một số ngành chủ lực của TP như gạo, cà phê, cao su… tăng không bằng cùng kỳ.

Dù vậy, một cán bộ Phòng Xuất - nhập khẩu Sở Công thương TPHCM cho rằng, giá xuất khẩu của nhiều mặt hàng nông sản trong quý 1 có xu hướng tăng so với cùng kỳ năm trước. Qua đó, phần nào bù trừ được mức giảm hoặc mức tăng không đáng kể trong sản lượng xuất khẩu của các mặt hàng này. Bên cạnh đó, cơ cấu hàng xuất khẩu vẫn chuyển dịch đúng hướng, theo hướng tiếp tục tăng tỷ trọng nhóm công nghiệp chế biến, giảm tỷ trọng nhóm hàng thô. Cụ thể, tỷ trọng nhóm công nghiệp chế biến đạt 74,3%, tăng 4,3% so với cuối năm 2014. “Nhìn chung, kim ngạch xuất khẩu trên địa bàn giảm, nguyên nhân chính là kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng nông lâm thủy hải sản và dầu thô giảm mạnh. Trong khi đó, việc nhập khẩu các nguyên liệu đầu vào sản xuất thời điểm này đang thuận lợi hơn do giá của hầu hết các mặt hàng đều có xu hướng giảm bởi ảnh hưởng của giá dầu”, cán bộ này đánh giá.

Xây dựng chính sách sát thực tế

Theo nhận định của một số chuyên gia kinh tế, xuất khẩu trong thời gian tới có thể tiếp tục khó khăn do kinh tế thế giới hồi phục chậm, giá hàng hóa thế giới có xu hướng giảm. Ngoài ra, việc Việt Nam thực hiện lộ trình giảm thuế nhập khẩu theo các hiệp định thương mại cũng được cho là sẽ tạo ra nhiều áp lực cho doanh nghiệp. “Điều đáng lo ngại nhất hiện nay là dù ngày càng nhiều hiệp định thương mại có hiệu lực, song có tới 80% số doanh nghiệp chưa chuẩn bị, trong khi hầu hết doanh nghiệp FDI sẵn sàng đón đầu hội nhập. Doanh nghiệp chúng ta vốn đã yếu, tỷ lệ doanh nghiệp nhỏ và vừa chiếm đến 97% số doanh nghiệp nên không tiếp cận được thị trường xuất khẩu. Do đó, Nhà nước cần nhanh chóng vào cuộc và có ngay những chính sách phù hợp, sát với hoạt động của doanh nghiệp để giúp họ hội nhập hiệu quả” - chuyên gia kinh tế, TS Huỳnh Minh Trí, Đại học Quốc gia TPHCM, phân tích.

Còn theo đánh giá của Bộ Công thương, nguyên nhân chính khiến những nhóm hàng sụt giảm đáng kể về kim ngạch xuất khẩu quý 1 là do nguồn cung trên thế giới dồi dào và giá hàng hóa xuất khẩu sụt giảm. Trong đó, có nguyên nhân từ áp lực cân đối cung - cầu trên thị trường thế giới. Nguồn cung trong quý 1 trên thị trường thế giới gia tăng dẫn đến áp lực cho các mặt hàng của Việt Nam cạnh tranh với các nước khác.

Do vậy, một trong những nhiệm vụ quan trọng nhất đặt ra trong năm 2015 là phải thúc đẩy xuất khẩu, phát triển bền vững thông qua các biện pháp mở rộng tìm kiếm thị trường mới. Tích cực tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại, hướng tới chất lượng, đổi mới các hình thức xúc tiến thương mại, gắn kết chặt chẽ nhu cầu của các ngành hàng, của doanh nghiệp. Tăng cường cung cấp thông tin thị trường, nghiên cứu phát triển thị trường, đồng thời giải quyết có hiệu quả các tranh chấp thương mại quốc tế, bảo vệ lợi ích của doanh nghiệp trong nước trong quá trình hội nhập. Mặt khác, sớm xây dựng văn bản hướng dẫn giúp doanh nghiệp tận dụng các cơ hội từ hiệp định thương mại có khả năng kết thúc đàm phán, ký kết trong năm nay và đơn giản hóa các thủ tục liên quan đến hoạt động xuất nhập khẩu.

THẢO TIÊN

Tin cùng chuyên mục