Tăng cường giải pháp nội địa hóa ô tô

Theo Vụ Công nghiệp nặng, Bộ Công thương, ngành công nghiệp ô tô được Chính phủ xác định là ngành công nghiệp rất quan trọng, có tác động lan tỏa đến rất nhiều ngành công nghiệp khác nhau như: Cơ khí, điện tử, luyện kim hay hóa chất, đặc biệt là tạo điều kiện để các doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào các chuỗi sản xuất toàn cầu.

Tuy nhiên, đến nay tỷ lệ nội địa hóa ngành còn tương đối thấp. Nếu theo định hướng chiến lược và quy hoạch đưa ra đến năm 2020, tỷ lệ nội địa hóa phải đạt 40% và đến năm 2025 đạt 45% thì nhiều chỉ tiêu vẫn chưa đạt được. Cụ thể, dòng xe hơi mới chỉ đạt được từ 10%-20%; xe buýt là hơn 30% và xe tải khoảng hơn 40%. Và như vậy, khoảng cách để đạt được tiêu chí về nội địa hóa nhằm hưởng các ưu đãi trong thuế quan của AFTA và TPP còn khá xa. Nguyên nhân là nền công nghiệp hỗ trợ trong nước chưa phát triển, chủ yếu phải nhập khẩu linh kiện để lắp ráp, từ đó dẫn đến giá thành ô tô trong nước khó cạnh tranh hơn nhiều nước trong khu vực.

Trên thực tế, doanh nghiệp tham gia lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam chủ yếu thuộc loại nhỏ và vừa, chỉ sản xuất được một số ít chủng loại phụ tùng đơn giản, hàm lượng công nghệ thấp như gương, kính, ghế ngồi, bộ dây điện, ắc quy, sản phẩm nhựa… Ngay cả lĩnh vực sản xuất linh kiện phụ tùng ô tô để xuất khẩu, các doanh nghiệp Việt Nam cũng chỉ mới làm được một số sản phẩm đơn giản. Do đó, để có thể tạo những động lực mới cho công nghiệp ô tô Việt Nam, nhiều chuyên gia khuyến nghị, Nhà nước cần tập trung kết nối kinh doanh, hỗ trợ tài chính, xây dựng năng lực cho doanh nghiệp trong nước, đồng thời xây dựng chiến lược xuất khẩu phụ tùng linh kiện ô tô và thay thế nhập khẩu. Chính phủ cần nhất quán về chính sách thuế, ban hành phải có lộ trình để doanh nghiệp có cơ sở đầu tư phát triển. Áp dụng mức thuế suất ưu đãi thuế nhập khẩu đối với các vật tư, nguyên liệu, bán thành phẩm trong nước chưa sản xuất được để sản xuất phụ tùng ô tô. Song song đó, áp dụng thuế suất thuế giá trị gia tăng các loại xe buýt, ô tô tải và các xe tiết kiệm nhiên liệu ở mức hợp lý; tiếp tục quy định các dự án đầu tư sản xuất phụ tùng ô tô thuộc Danh mục lĩnh vực khuyến khích đầu tư, là lĩnh vực công nghiệp mũi nhọn được sử dụng từ nguồn vốn tín dụng đầu tư phát triển của Nhà nước, như áp dụng hỗ trợ đầu tư cho xe buýt, xe tải có tỷ lệ nội địa hóa trên 60%… ª

VĂN DIỆU

Tin cùng chuyên mục