Tăng cường giải quyết mất an ninh lương thực toàn cầu

Trước nguy cơ thiếu hụt thực phẩm và nạn đói có thể xảy ra tại nhiều nơi thế giới, Liên minh châu Âu (EU) vừa tuyên bố đang cân nhắc chuyển hướng xuất khẩu ngũ cốc của Ukraine sang cảng Varna (Bulgaria) và cảng Constanta (Romania) nếu đàm phán với Nga về mở hành lang xuất khẩu ở biển Đen thất bại. 
Nguy cơ thiếu hụt thực phẩm và nạn đói có thể xảy ra tại nhiều nơi thế giới. Ảnh: REUTERS
Nguy cơ thiếu hụt thực phẩm và nạn đói có thể xảy ra tại nhiều nơi thế giới. Ảnh: REUTERS

Châu Âu hành động

Theo kế hoạch, ngày 8-6 tới, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov sẽ đến thủ đô Ankara của Thổ Nhĩ Kỳ để thảo luận việc mở một hành lang an ninh ở biển Đen để phục vụ hoạt động xuất khẩu ngũ cốc từ Ukraine. 

Tuy nhiên, phía Nga cho rằng, việc giải quyết cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu ngày càng tăng hiện nay phụ thuộc vào phương Tây và Ukraine vì đã đóng cửa các cảng đối với tàu, thuyền của Nga, làm gián đoạn chuỗi cung ứng và tài chính. Trong cuộc điện đàm ngày 30-5 với người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ, Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết Moscow sẵn sàng tạo điều kiện cho việc vận chuyển hàng hóa bằng đường biển, cũng như có thể xuất khẩu lượng lớn phân bón và thực phẩm... nếu các lệnh trừng phạt nhằm vào Moscow được dỡ bỏ. 

Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen cho biết cơ quan này đang nỗ lực tạo điều kiện cho việc xuất khẩu lương thực từ Ukraine, đặc biệt là với hơn 20 triệu tấn ngũ cốc đang bị kẹt tại các kho của nước này. Bên cạnh đó, EU cũng đẩy mạnh việc tự sản xuất lương thực và dự kiến lượng xuất khẩu ngũ cốc sẽ đạt mức kỷ lục 40 triệu tấn vào năm 2022 và 2023. Bà Ursula von der Leyen kêu gọi tất cả đối tác không hạn chế thương mại đối với sản phẩm nông nghiệp. Nga và Ukraine sản xuất khoảng 30% sản lượng ngũ cốc toàn cầu. Theo bà Okonjo-Iweala, Tổng Giám đốc Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), nếu không mở được những hành lang vận tải qua biển Đen để thực phẩm xuất khẩu của Ukraine có thể đến với thị trường quốc tế, cuộc khủng hoảng sẽ kéo dài thêm 1 hoặc 2 năm nữa. 

Đầu tư cho châu Phi

Trước cuộc khủng hoảng lương thực ngày càng leo thang, ngày 31-5, Chủ tịch Liên minh châu Phi (AU) đồng thời là Tổng thống Senegal Macky Sall cảnh báo, cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine, các biện pháp trừng phạt lẫn nhau giữa Moscow và phương Tây, cũng như các cuộc xung đột ở châu Phi và biến đổi khí hậu có thể khiến sản lượng thu hoạch ngũ cốc ở châu Phi giảm 20%-50% trong năm nay. Vì thế, châu lục này kỳ vọng các nước sẽ có những biện pháp thích hợp, kể cả liên quan tới các kho dự trữ ngũ cốc toàn cầu, để tránh một kịch bản thảm khốc về tình trạng thiếu hụt lương thực hoặc giá lương thực tăng cao. 

Ông Macky Sall kêu gọi các nước thành viên EU tăng cường đầu tư vào nông nghiệp ở lục địa đen, vì châu Phi là nơi có hơn 1/3 số người thiếu dinh dưỡng trên thế giới và điều tồi tệ nhất vẫn đang ở phía trước nếu xu hướng hiện nay tiếp tục. Ông cho biết giá phân bón đã đắt gấp 3 lần so với năm 2021 và sản lượng ngũ cốc ở châu Phi dự tính sẽ giảm từ 20% đến 50% trong năm nay. Chủ tịch AU nhấn mạnh rằng lục địa châu Phi có “đủ điều kiện để nuôi sống bản thân và nuôi sống hành tinh”, nhưng thiếu phương tiện để khai thác nông nghiệp. Do đó, ông Macky Sall đề xuất EU xem xét cách thức đầu tư mạnh mẽ vào nông nghiệp châu Phi. 

Hệ lụy từ xung đột Nga - Ukraine đã khiến nhiều nước ra lệnh cấm xuất khẩu các mặt hàng thực phẩm để bảo vệ an ninh lương thực trong nước - một động thái có thể làm trầm trọng thêm nguy cơ khủng hoảng lương thực toàn cầu. Hiện đã có khoảng 30 nước trên thế giới ngưng hoặc hạn chế xuất khẩu các thực phẩm cơ bản, chưa kể các hạn chế xuất khẩu đối với nhiên liệu đầu vào, hạt giống và phân bón. Tổng Giám đốc WTO Okonjo-Iweala đã phải kêu gọi, vì lý do an ninh lương thực, các nước có thể thực hiện biện pháp hạn chế trong một khoảng thời gian nhất định, nhưng quyết định này chỉ là mang tính tạm thời và phải minh bạch, cân đối.

Tin cùng chuyên mục