Ứng phó với giá lương thực tăng

Liên hiệp quốc (LHQ) cảnh báo, xung đột tại Ukraine và diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 đã tác động tới an ninh lương thực toàn cầu, trong đó có châu Á. Vì vậy, hơn lúc nào hết, các nước ở châu Á đã hành động nhằm đảm bảo an ninh lương thực và giảm thiểu tác động xấu của giá lương thực với người dân.
Người dân Indonesia được hỗ trợ mua lương thực
Người dân Indonesia được hỗ trợ mua lương thực

Quỹ Phát triển nông nghiệp quốc tế (IFAD) của LHQ cho biết, cuộc xung đột tại Ukraine khiến giá lương thực vốn đã cao do dịch Covid-19 càng leo thang, dẫn tới tình trạng thiếu lương thực chủ chốt tại nhiều vùng ở châu Á. Theo IFAD, để giảm nhẹ cuộc khủng hoảng mà người nghèo ở nông thôn đang phải đối mặt, cơ quan này sẽ tập trung vào các biện pháp can thiệp như: chuyển tiền mặt, thiết lập các nhóm tiết kiệm và cho vay, hỗ trợ các doanh nghiệp nông nghiệp.

Ở châu Á, nơi một số nước nghèo nhất cũng là nhà nhập khẩu thực phẩm ròng, điều cấp thiết là phải giữ cho thị trường mở và ngăn chặn sự hoảng loạn không cần thiết. Bộ trưởng Tài chính Indonesia Sri Mulyani Indrawati cho biết, nước này sẽ sử dụng 154.000 tỷ rupiah (14,7 tỷ USD) ngân sách bảo trợ xã hội - vốn dành để ứng phó với dịch Covid-19 - nhằm bảo vệ người tiêu dùng trước sự tăng giá lương thực.

Tuyên bố này của Bộ trưởng Sri Mulyani được đưa ra trong bối cảnh giới chức Indonesia đang gặp khó khăn để kiểm soát đà tăng vọt của giá dầu ăn, sau khi các biện pháp ban đầu không khắc phục được vấn đề. Bà Sri Mulyani cũng lưu ý, giá lúa mì đang tăng do xung đột Nga - Ukraine. Năm ngoái, Indonesia đã nhập khẩu gần 1 tỷ USD lúa mì từ Ukraine - nhà cung cấp lớn thứ hai của nước này. Cơ quan Lương thực quốc gia Indonesia đã yêu cầu các nhà nhập khẩu tư nhân giúp tăng nguồn cung và ổn định giá cả.

Còn tại Philippines, chính phủ nước này vừa khởi động Chương trình Plant 2, với ngân sách 24 tỷ peso (gần 460 triệu USD) đã được Tổng thống Duterte phê duyệt. Phần lớn ngân sách của chương trình (20 tỷ peso) được phân bổ để trợ cấp phân bón. Nông nghiệp đô thị và ven đô, sản xuất thức ăn địa phương, nuôi trồng và đánh bắt thủy hải sản, dự trữ lương thực đã được phân bổ ngân sách trị giá 1 tỷ peso mỗi ngành. Cùng với nỗ lực này là Chương trình cải cách OneDA của Bộ Nông nghiệp, dựa trên bốn trụ cột là củng cố, hiện đại hóa, công nghiệp hóa và chuyên nghiệp hóa; đồng thời đưa ra 18 chiến lược chính, nhằm mục đích làm cho ngành nông nghiệp gia tăng sức cạnh tranh trên toàn cầu và đảm bảo an ninh lương thực.

Thủ tướng Bangladesh Sheikh Hasina đã đưa ra lời kêu gọi hợp tác nhiều hơn giữa các nước châu Á - Thái Bình Dương để đảm bảo an ninh lương thực tại phiên họp lần thứ 36 của Hội nghị khu vực châu Á - Thái Bình Dương (APRC) của Tổ chức Nông Lương LHQ (FAO) hôm 17-3. Theo bà Hasina, khoảng 305,7 triệu người ở Nam Á vẫn phải chịu đói. Thủ tướng Bangladesh nhấn mạnh sự cần thiết chuyển giao và chia sẻ các công nghệ như công nghệ sinh học, công nghệ nano và robot trong lĩnh vực nông nghiệp để thúc đẩy hợp tác giữa các thành viên FAO trong khu vực. Theo bà Hasina, vì nông nghiệp hiện đại cần đầu tư lớn, nên một quỹ đặc biệt có thể được thành lập để tài trợ và hỗ trợ ngành nông nghiệp.

Các quan chức FAO cho biết, các bộ trưởng chính phủ từ hơn 40 quốc gia ở châu Á và Thái Bình Dương dự kiến sẽ đạt được sự đồng thuận nhằm ứng phó với những thiệt hại do dịch Covid-19 và xung đột Nga - Ukraine gây ra đối với cuộc sống và sinh kế của người dân.

Tin cùng chuyên mục