Ngày 25-10-2016, Thành ủy TPHCM đã ban hành Chương trình hành động số 14-CTrHĐ/TU về thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ X về “Chương trình giảm ùn tắc giao thông, giảm tai nạn giao thông giai đoạn 2016-2020”. Mục tiêu chính của chương trình hành động là tập trung phát triển đồng bộ hệ thống cơ sở hạ tầng giao thông đô thị, gắn với việc nâng cao năng lực quản lý nhà nước về giao thông đô thị. Ưu tiên đầu tư xây dựng các tuyến đường vành đai, đường xuyên tâm, đường hướng tâm, đường trên cao, các tuyến đường sắt đô thị; kết nối tốt hệ thống giao thông TPHCM với các tỉnh trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
Một trong 7 nhiệm vụ, giải pháp của Chương trình giảm ùn tắc giao thông, giảm tai nạn giao thông giai đoạn 2016-2020 là phát triển đồng bộ kết cấu hạ tầng giao thông, trong đó xác định các công trình giao thông trọng điểm cần triển khai xây dựng và hoàn tất trong giai đoạn 2016-2020, như các nút giao thông trọng điểm; nâng cấp, mở rộng các tuyến cửa ngõ, trục chính ra vào thành phố thường xuyên xảy ra ùn tắc giao thông…
Và điều chắc chắn là các dự án cơ sở hạ tầng giao thông đô thị tại TPHCM có sử dụng vốn ngân sách sẽ đem lại hiệu quả tốt hơn nếu có các biện pháp quản lý hữu hiệu. Nói cách khác, việc triển khai các giải pháp hữu hiệu sẽ giúp nâng cao hiệu quả trong công tác quản lý dự án. Điển hình như Khu quản lý giao thông đô thị (KQLGTĐT) số 2, thuộc Sở GTVT TPHCM, ngay từ giai đoạn đề xuất dự án để thông qua chủ trương đầu tư, KQLGTĐT số 2 đã tập trung nghiên cứu các phương án cụ thể và chi tiết về quy mô, chi phí cũng như tiến độ thực hiện dự án, qua đó thuận tiện cho các cấp thẩm quyền có cơ sở thông qua dự án. Sang giai đoạn lập dự án cũng như thiết kế bản vẽ thi công, KQLGTĐT số 2 thực hiện lựa chọn đơn vị tư vấn có năng lực phù hợp với từng dự án để tiếp nhận hồ sơ liên quan như hồ sơ quy hoạch, hồ sơ khảo sát, hồ sơ hiện trạng các công trình; qua đó tiết giảm chi phí và rút ngắn thời gian lập dự án mà vẫn đảm bảo chất lượng hồ sơ dự án và hồ sơ thiết kế.
Việc lựa chọn đơn vị thi công, tư vấn giám sát trong giai đoạn thực hiện dự án cũng được KQLGTĐT số 2 đặc biệt quan tâm, thậm chí xem như yếu tố quan trọng hàng đầu để đảm bảo chất lượng, tiến độ công trình. Trong vấn đề này, mấu chốt là lựa chọn được đơn vị có đủ kinh nghiệm, năng lực về nhân sự, thiết bị và tài chính.
Trong quá trình thi công, chủ đầu tư dự án và tư vấn giám sát sẽ kiểm tra, phối hợp chặt chẽ với nhà thầu thi công, qua đó kịp thời giải quyết các vấn đề phát sinh trên công trường. Mặt khác, sự phối hợp nhuần nhuyễn, sâu sát giữa các bên cũng là yếu tố góp phần đẩy nhanh tiến độ thi công, rút ngắn thời gian hoàn thành.
Một kinh nghiệm khác giúp nâng cao hiệu quả quản lý dự án, đó là sự phối hợp chặt chẽ với các đơn vị có liên quan đến mặt bằng thi công, đặc biệt là các địa phương. Cách làm của KQLGTĐT số 2 trong thời gian qua là ngoài việc phối hợp giao ban định kỳ với các địa phương, KQLGTĐT số 2 còn bố trí phó giám đốc khối xây dựng chủ động sắp xếp họp đột xuất với lãnh đạo các địa phương để tháo gỡ khó khăn trong công tác giải tỏa mặt bằng. Bên cạnh đó, các chuyên viên quản lý dự án cũng tham gia cụ thể vào tổ công tác của hội đồng bồi thường từng dự án, nhằm nắm bắt kịp thời, chặt chẽ những thông tin liên quan đến công tác bồi thường.
Bằng cách làm này, hạ tầng giao thông đô thị ở khu vực cửa ngõ phía Đông thành phố (địa bàn do KQLGTĐT số 2 quản lý) thời gian qua đã được nâng cao rõ rệt về hiệu quả thực tế. Điển hình như các dự án nút giao Mỹ Thủy giai đoạn 1, đường Vành đai phía Đông, cầu Bà Cua… đáp ứng nhu cầu giao thông tại khu vực quận 2. Sau khi đưa vào khai thác, các công trình này đã góp phần giảm khoảng 35% lượng xe vào nút, không còn xảy ra tình trạng ùn ứ phương tiện vào cảng Cát Lái. Lãnh đạo KQLGTĐT số 2 cho biết, trong thời gian tới đơn vị sẽ tập trung đẩy mạnh tiến độ xây dựng tuyến kết nối từ cảng Cát Lái đến đường Vành đai 2 nhằm góp phần chia bớt lưu lượng phương tiện tham gia giao thông, giảm áp lực cho tuyến đường Nguyễn Thị Định cũng như nút giao thông Mỹ Thủy, đồng thời sớm triển khai thực hiện hoàn thiện nút giao thông Mỹ Thủy (giai đoạn 2) để giải quyết triệt để hơn nữa tình trang giao cắt trong nút.
Một ví dụ khác là công trình cầu qua đảo Kim Cương. Sau khi hoàn tất, đưa vào sử dụng, công trình đã đáp ứng mục tiêu chia tách một phần lưu lượng ô tô, gắn máy không phải đi chung với xe tải, xe container cũng như giảm áp lực đáng kể cho tuyến đường Đồng Văn Cống, đồng thời góp phần hoàn thiện tuyến đường ven sông theo quy hoạch và mang lại diện mạo đô thị hiện đại cho khu vực phường Bình Khánh, quận 2.