Tăng cường hợp tác giữa doanh nghiệp Nhật Bản và Việt Nam

Theo đánh giá của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Chi nhánh TPHCM (VCCI-HCM), Nhật Bản là đối tác kinh tế quan trọng hàng đầu của Việt Nam hiện nay. 

Cụ thể, năm 2017, tổng kim ngạch thương mại song phương Việt Nam - Nhật Bản đạt 33,3 tỷ USD. Riêng 9 tháng đầu năm 2018, giá trị xuất nhập khẩu giữa 2 nước đạt 27,8 tỷ USD. Cơ cấu hàng hóa của Việt Nam và Nhật Bản mang tính bổ sung; trong đó, Nhật Bản chủ yếu nhập khẩu từ Việt Nam các mặt hàng thủy sản, dệt may, da giày, thực phẩm chế biến và Việt Nam nhập khẩu nguyên liệu, thiết bị và máy móc phục vụ sản xuất. Về đầu tư, năm 2017, Nhật Bản là nhà đầu tư trực tiếp nước ngoài lớn nhất của Việt Nam với con số kỷ lục 9,11 tỷ USD. Trong 9 tháng đầu năm 2018, Nhật Bản đã đầu tư vào Việt Nam 7 tỷ USD, chiếm gần 28% tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài tại Việt Nam. Lũy kế đến hết tháng 9-2018, Nhật Bản có 3.899 dự án đầu tư còn hiệu lực với tổng vốn đạt 55,77 tỷ USD. Theo đánh giá của ông Yoshiyuki Fukuda, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành Tokyo SME Suport Center, Việt Nam là một trong những nước đạt tỷ lệ tăng trưởng GDP cao nhất trong khối ASEAN, khối đang có mức tăng trưởng nhanh nhất trên thế giới. Không chỉ vậy, dân số của Việt Nam đang tăng lên, chất lượng nhân lực cũng được cải thiện tích cực. Do đó, nhiều doanh nghiệp (DN) Nhật Bản có ý định phát triển sản phẩm bằng việc hợp tác với các DN Việt Nam trên tinh thần đôi bên cùng có lợi. Các DN Nhật Bản có thế mạnh về công nghệ và sản phẩm đạt chất lượng cao. Mục đích đến Việt Nam của các DN Nhật Bản không chỉ là giới thiệu sản phẩm và bán hàng, mà còn muốn đầu tư sản xuất ở những lĩnh vực Nhật Bản có thế mạnh và Việt Nam đang có nhu cầu. Bên cạnh đó, các DN Nhật Bản cũng hy vọng có thể tìm kiếm các DN Việt Nam có khả năng hợp tác lâu dài, tham gia vào các chuỗi cung ứng sản xuất, chế tạo. 

Khảo sát của Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật Bản (JETTRO) cho thấy, gần 70% DN Nhật Bản đang sản xuất, kinh doanh tại Việt Nam sẽ mở rộng đầu tư trong thời gian tới. Để có thể trở thành nhà cung ứng cho các DN Nhật Bản, các chuyên gia đến từ Nhật Bản cũng khuyến cáo các DN Việt Nam cần phải hiểu rõ hơn quan niệm sản xuất của DN Nhật Bản. Khi sản xuất ra các linh kiện phụ tùng, không đơn thuần là đồ vật mà DN Việt Nam phải cân nhắc làm sao để nâng cao giá trị gia tăng, gắn liền với các sản phẩm đó. Như vậy, DN Việt Nam sẽ có thể sánh vai cùng các DN Nhật Bản trong chuỗi công nghiệp phụ trợ toàn cầu. 

Tin cùng chuyên mục