Chống buôn lậu, gian lận thương mại
Từ đầu năm 2016 đến nay, Cục Hải quan TPHCM đã phát hiện, ngăn chặn hàng trăm vụ gian lận thương mại, trị giá trên 420 tỷ đồng. Đáng chú ý, một số vụ “núp bóng” hàng chính ngạch để vận chuyển hàng lậu, hàng cấm; lợi dụng chính sách ưu đãi để né thuế...
Trước những chiêu trò, thủ đoạn ngày càng tinh vi của các đối tượng gian lận thương mại, lực lượng chuyên ngành hải quan TPHCM đã có những giải pháp ứng phó ra sao? Ông Phạm Quốc Hùng (ảnh), Phó cục trưởng Cục Hải quan TPHCM, cho biết:
Hơn 4 tháng qua, Cục Hải quan TPHCM đã phát hiện và lập 455 biên bản vi phạm, trị giá hàng vi phạm 421 tỷ đồng, chủ yếu là máy móc đã qua sử dụng, hàng điện tử, thực phẩm chức năng... Ngoài ra, để tăng cường công tác xử lý hàng tồn đọng, hàng vô chủ không làm thủ tục hải quan tại cảng biển, Cục Hải quan TPHCM thường xuyên rà soát để có biện pháp xử lý những lô hàng có tính chất phức tạp. Từ đầu năm đến nay, số lượng hàng hóa quá 90 ngày chưa làm thủ tục hải quan là 779 container, trong đó 117 container đã xử lý, 546 container đang xử lý... Để giải quyết những trường hợp này, Cục Hải quan TP chỉ đạo đơn vị hải quan cửa khẩu triển khai thực hiện theo đúng quy định của Bộ Tài chính về xử lý hàng tồn đọng.
* PHÓNG VIÊN: Xin ông dẫn chứng vài vụ vi phạm điển hình trong thời gian gần đây?
* Ông PHẠM QUỐC HÙNG: Một số vụ vi phạm vừa bị xử phạt, truy thu số tiền lớn, chẳng hạn như: vụ Công ty TNHH XNK A. bị Chi cục Hải quan cửa khẩu Cảng Sài Gòn khu vực 1 lập biên bản vi phạm hành chính (lô hàng trị giá hơn 5,6 tỷ đồng), về hành vi nhập khẩu hàng hóa không khai báo, không đủ điều kiện, gồm sản phẩm dinh dưỡng, sữa tắm, nước hoa… Một vụ vi phạm khác với hành vi tương tự cũng vừa bị Chi cục Hải quan cửa khẩu Cảng Sài Gòn khu vực 3 ngăn chặn, là Công ty TNHH SX-TM-DV A.T.P nhập hàng không khai báo với lô hàng trị giá trên 5,4 tỷ đồng. Ngoài ra, một số doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài cũng vi phạm, với số tiền truy thu thuế lớn như Công ty TNHH C. Việt Nam bị truy thu thuế gần 2,6 tỷ đồng, do chênh lệch giữa nguyên liệu tồn kho và nguyên liệu trên hồ sơ thanh khoản.
* Các mánh lới thường được doanh nghiệp vi phạm sử dụng để qua mặt cơ quan chuyên trách là gì, thưa ông?
* Lợi dụng cơ chế quản lý rủi ro trong thông quan hàng hóa, đối tượng buôn lậu, gian lận thương mại thường sử dụng phương thức “chọn luồng”. Tức là cùng một lô hàng nhưng khai báo nhiều tờ khai ở cùng một chi cục hoặc khác chi cục; nếu bị đưa vào luồng đỏ thì hủy tờ khai, còn như được luồng vàng, xanh thì để thông quan hàng hóa. Bên cạnh đó, doanh nghiệp vi phạm cố tình thành lập nhiều công ty, ghi địa chỉ sai, thường xuyên thay đổi trụ sở (địa phương không nắm được). Nếu bị phát hiện, các đối tượng chuyển sang lấy công ty đã thành lập trên 1 năm, khai báo loại hàng bách hóa khác với loại trước để gây khó khăn trong công tác sàng lọc thông tin.
Riêng đối với hàng tiêu dùng có tuyến trọng điểm, đối tượng thường xuyên dịch chuyển hàng hóa nghi vấn qua lại giữa các cảng. Thay đổi cảng đích, thay đổi người nhận hàng, gây khó khăn trong việc theo dõi đối tượng. Ngoài ra, còn dùng giấy giới thiệu giả, chữ ký, con dấu giả của giám đốc và ghi sai tên người đi làm thủ tục hải quan để đối phó khi cơ quan hải quan phát hiện sai phạm; làm giả hồ sơ hải quan, giả con dấu... để thông quan hàng hóa. Một số thủ đoạn khác tinh vi không kém là cố tình khai báo hàng có thuế thấp, giá thấp để hệ thống phân luồng không bị kiểm tra hoặc tỷ lệ kiểm tra chỉ 5% - 10%; hay cố tình khai thuế rất cao nhưng mặt hàng thực tế nhập khẩu không đúng như khai báo, thậm chí có cả hàng cấm nhập khẩu...
Lực lượng chức năng kiểm tra lô hàng nhập lậu vào TPHCM
* Biện pháp để ngăn chặn tình trạng gian lận thương mại ở thời điểm hiện tại và sắp tới là gì?
* Để đấu tranh với các đối tượng buôn lậu và gian lận thương mại, hải quan TPHCM chủ động xây dựng các kế hoạch chuyên đề như: Tăng cường công tác kiểm soát chống buôn lậu, gian lận thương mại lợi dụng Hệ thống VNACCS/VCIS; kế hoạch đấu tranh chống buôn lậu trong tình hình mới... Đẩy mạnh công tác điều tra nghiên cứu nắm tình hình, thu thập thông tin, phát hiện các đối tượng mới phát sinh tại địa bàn để bổ sung vào danh sách trọng điểm. Đẩy mạnh công tác thu thập xử lý thông tin, quản lý rủi ro, thực thi bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, nhất là các mặt hàng thiết yếu phục vụ sản xuất (phân bón, thuốc bảo vệ thực vật...); hàng hóa trọng điểm (vàng, ngoại tệ, xăng dầu, rượu ngoại, bia...).
Thực tế hiện nay, thủ tục thành lập doanh nghiệp ngày càng thông thoáng, dễ dàng; tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp kinh doanh phát triển. Tuy nhiên, nhiều đối tượng đã lợi dụng chính sách thông thoáng này để mở các doanh nghiệp “ma” nhằm thực hiện hoạt động buôn lậu và trốn thuế. Trước thực trạng này, Hải quan TP luôn đặt mình trong tình trạng cảnh giác, kiên quyết đấu tranh với hiện tượng giả mạo hồ sơ, chứng từ để làm thủ tục hải quan; giả hồ sơ chứng từ để đưa hàng ra khỏi khu vực giám sát hải quan... Theo tôi, ngoài việc chủ động phối hợp công tác với các đơn vị nghiệp vụ (Công an, Quản lý thị trường...) thì sự nhất quán từ giải pháp đến hành động cũng là điều cực kỳ quan trọng để kịp thời ngăn chặn các hành vi vi phạm.
* Cảm ơn ông về cuộc trò chuyện này!
THI HỒNG