Tăng cường kiểm tra an toàn đường thủy

Tăng cường tuyên truyền, đẩy mạnh kiểm tra, kiểm soát được Sở GTVT TPHCM xác định là biện pháp cần thiết để đảm bảo an toàn giao thông đường thủy trên địa bàn, nhất là trong mùa mưa bão 2020.
Khi tham gia giao thông tại bến khách ngang sông, hành khách phải mặc áo phao hoặc cầm dụng cụ nổi cá nhân để đảm bảo an toàn. Ảnh: CAO THĂNG
Khi tham gia giao thông tại bến khách ngang sông, hành khách phải mặc áo phao hoặc cầm dụng cụ nổi cá nhân để đảm bảo an toàn. Ảnh: CAO THĂNG

Phong phú, đa dạng

Hệ thống đường thủy nội địa của TPHCM có ưu điểm là kết nối thuận lợi theo cả 4 hướng Đông, Tây, Nam, Bắc, tỏa đến các tỉnh trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, vùng ĐBSCL cũng như kết nối giao thương quốc tế thông qua hệ thống cảng biển. Trong đó, tuyến sông Sài Gòn nằm tại trung tâm TP, thuận lợi trong việc vận chuyển hành khách, khách du lịch đường thủy. Khu cảng Nhà Rồng - Khánh Hội có khả năng tiếp nhận các tàu khách quốc tế lớn, tạo thuận lợi cho vận tải hành khách quốc tế và nội địa. Có nhiều điểm tham quan du lịch gắn với đường thủy, như các điểm nổi tiếng khu trung tâm TP là bến Nhà Rồng, chợ Bến Thành, dinh Thống Nhất…

Hệ thống đường thủy trên địa bàn TP có tổng chiều dài 975km, đạt mật độ bình quân 0,181km/1.000 dân và đạt 0,465km/km2. Tính ra, TPHCM có mật độ đường thủy đạt bằng 73% so với ĐBSCL, khu vực vốn dĩ có mật độ đường thủy cao nhất nước. TP đang có 92 tuyến đường thủy nội địa địa phương với chiều dài 598,7km và 5 tuyến đường thủy nội địa quốc gia với chiều dài hơn 100km.

Về luồng tuyến, hiện có các tuyến liên tỉnh, các tuyến nối tắt hoặc liên kết nội thành với khu cảng biển mới và các tuyến vận tải hành khách kết hợp du lịch. Đối với các tuyến liên tỉnh, từ TPHCM có nhiều luồng tuyến tỏa đi các tỉnh miền Tây Nam bộ và miền Đông Nam bộ. Chẳng hạn như, từ TPHCM đi Cà Mau, Hà Tiên sẽ theo kênh Tẻ - kênh Đôi - rạch Ông Lớn - kênh Cây Khô - rạch Bà Lào - sông Cần Giuộc - kênh Nước Mặn - sông Vàm Cỏ - kênh Chợ Gạo, Cà Mau - kênh Lấp Vò, Sa Đéc - sông Hậu - rạch Sỏi - kênh Rạch Giá, Hà Tiên - kênh Ba Hòn - thị trấn Kiên Lương, cự ly dài khoảng 320km theo tiêu chuẩn sông cấp III. Ở hướng Đông, từ TPHCM có thể tỏa đi Biên Hòa hoặc Bình Dương theo các sông Sài Gòn, sông Đồng Nai…

Các tuyến đường thủy nội địa trên địa bàn TP cùng với các tuyến đường thủy nội địa trung ương, tuyến hàng hải và hàng trăm cảng biển, cảng sông lớn nhỏ đã và đang tạo thành một mạng lưới GTVT đường thủy kết nối vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, nối kết giao thương vận tải và kinh tế quốc tế.

Tỷ trọng đầu tư cho đường thủy, tính 5 năm gần đây, chỉ bằng 5,4% so với đầu tư cho việc xây dựng mạng lưới giao thông đường bộ. Trong 5 năm qua, tổng vốn đã và đang đầu tư các dự án phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đường thủy khoảng 1.488 tỷ đồng, trong khi con số đó dành cho đầu tư mạng lưới giao thông đường bộ là 27.272 tỷ đồng.

Đảm bảo an toàn trong mùa mưa

Công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông đường thủy trên địa bàn TP đòi hỏi sự chung tay, phối hợp của nhiều cơ quan, ban ngành như Công an TP, UBND các quận huyện, Cảng vụ Hàng hải TPHCM, Cảng vụ Đường thủy nội địa Khu vực 3, Công ty TNHH MTV Dịch vụ công ích Thanh niên xung phong, Thanh tra Sở GTVT… Trong đó, Công an TP cần tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát phương tiện thủy vận chuyển hành khách, hàng hóa; xử lý vi phạm đối với phương tiện chở quá số người hoặc tải trọng cho phép; kiểm tra, xử lý các bến thủy nội địa hoạt động không có giấy phép…

UBND các quận huyện, phường xã có đường thủy cần tăng cường kiểm tra, xử lý các vi phạm về bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ kết nối địa điểm kinh doanh vật liệu xây dựng, bến thủy nội địa, các điều kiện an toàn hoạt động bến thủy nội địa. Thường xuyên kiểm tra việc chấp hành quy định pháp luật về đường thủy, các điều kiện an toàn hoạt động đối với bến khách ngang sông. Xử lý nghiêm hành vi không mặc áo phao hoặc không cầm dụng cụ nổi cá nhân khi tham gia giao thông tại bến khách ngang sông. Xử lý vi phạm lấn chiếm, san lấp, xây dựng công trình trái phép trong hành lang bảo vệ bờ sông, kênh rạch.

Trong khi đó, phần việc của Công ty TNHH MTV Dịch vụ công ích Thanh niên xung phong là thường xuyên bảo dưỡng các phương tiện phà, phao nổi, hệ thống cầu dẫn, bến bãi, nhà chờ… bảo đảm đáp ứng các điều kiện an toàn hoạt động theo quy định. Cảng vụ Hàng hải TP, Cảng vụ Đường thủy nội địa Khu vực 3, Chi cục Đăng kiểm 6 tùy theo chức năng, nhiệm vụ cần tăng cường công tác phối hợp kiểm tra về an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường của phương tiện thủy; phối hợp xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường thủy tại cảng, bến thủy nội địa, bến khách ngang sông trên địa bàn TP.

Sở GTVT cũng đã chỉ đạo các đơn vị thành viên như Thanh tra Sở, Cảng vụ Đường thủy nội địa TPHCM, Trung tâm Quản lý đường thủy… tăng cường công tác đảm bảo an toàn giao thông đường thủy trong mùa mưa bão. Mấu chốt là tăng cường kiểm tra, kiểm soát và đẩy mạnh công tác tuyên truyền pháp luật liên quan như Luật Hàng hải, Luật Giao thông đường thủy. Trong chiều hướng này, Thanh tra Sở GTVT được yêu cầu chủ động phối hợp, kiểm tra xử lý vi phạm về thực hiện phương án bảo đảm an toàn giao thông đường thủy phục vụ thi công công trình trên các tuyến đường thủy, đặc biệt đối với công trình cống kiểm soát triều thuộc dự án Giải quyết ngập do triều cường khu vực TP, có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu giai đoạn 1.

Bên cạnh tăng cường tuyên truyền pháp luật, Cảng vụ Đường thủy nội địa TPHCM cũng được yêu cầu chú ý phối hợp với các đơn vị liên quan kiểm tra, xử lý vi phạm về bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường thủy, điều kiện an toàn hoạt động bến thủy nội địa đưa rước hành khách, xếp dỡ hàng hóa, phương tiện vận tải thủy. Tuyệt đối không cấp giấy phép vào hoặc rời cảng, bến thủy nội địa đối với phương tiện thủy không đáp ứng các điều kiện an toàn hoạt động theo quy định.

Tin cùng chuyên mục