Tăng cường phối hợp, ngăn biến thể mới xâm nhập


Những ngày qua, thông tin về sự xuất hiện biến thể Omicron (B.1.1.529) của virus SARS-CoV-2 khiến nhiều người dân hoang mang lo lắng. Song, các chuyên gia nhận định, dù có tốc độ lây lan nhanh hơn các biến thể cũ nhưng các dữ liệu cho thấy, Omicron gây bệnh nhẹ hơn. Mặc dù vậy, người dân không được chủ quan, lơ là và mấu chốt để phòng bệnh vẫn là tiêm vaccine và tuân thủ biện pháp 5K.
Nhân viên y tế làm thủ tục xét nghiệm Covid-19 cho hành khách tại sân bay Phú Quốc. Ảnh: VIẾT CHUNG
Nhân viên y tế làm thủ tục xét nghiệm Covid-19 cho hành khách tại sân bay Phú Quốc. Ảnh: VIẾT CHUNG

Lây lan nhanh nhưng không gây bệnh nặng

Theo PGS-TS Đỗ Văn Dũng, thành viên Tổ tư vấn chính sách phòng chống dịch Covid-19 và phục hồi kinh tế TPHCM, vẫn còn quá sớm để có những kết luận về biến thể Omicron, song theo nguyên lý tiến hóa chung của virus, các biến thể mới sẽ lây nhiễm nhiều hơn nhưng ít gây chết người hơn, bởi nếu chủng virus gây chết người nhiều quá thì sẽ không còn vật chủ để lây lan. Do đó, virus sẽ giảm độc tính để ít gây chết vật chủ nhất. Về mặt sinh học phân tử, trong số 50 đột biến của Omicron có tới 32 đột biến nằm ở gai protein, thành phần giúp virus SARS-CoV-2 bám vào các tế bào, do đó biến thể này có khả năng xâm nhập nhanh hơn. Mặt khác, biến thể Omicron xuất hiện ở Nam Phi - nơi mà biến thể Delta đang hoành hành, chứng tỏ biến thể này lây lan nhanh và mạnh hơn biến thể Delta.  

Về mức độ nguy hiểm, theo thông tin từ Tổ chức Y tế thế giới (WHO), các bệnh nhân ở Nam Phi nhiễm biến thể Omicron có triệu chứng chủ yếu là đau cơ, không viêm phổi nhiều. Theo PGS Đỗ Văn Dũng, trong bối cảnh chưa hiểu rõ về mức độ nguy hiểm của biến thể mới thì biện pháp tốt nhất là cần cô lập để tránh virus lây lan. Đây là lý do mà nhiều quốc gia đang thực hiện biện pháp giới hạn, cách ly người về từ các vùng nguy cơ.

PGS Đỗ Văn Dũng cũng cho biết, hiện các nhà khoa học tại Nam Phi đang thực hiện các thử nghiệm, xem xét Omicrion có bị kháng thể của vaccine tiêu diệt hay không. Song, dự đoán biến thể này có thể “trốn” được vaccine nhưng không hoàn toàn. Dẫn chứng là một số bệnh nhân nhiễm biến thể Omicron có triệu chứng nhẹ khi đã tiêm đủ 2 liều vaccine.

Đồng tình với nhận định biến thể mới Omicron lây lan nhanh nhưng sẽ không gây bệnh nặng như các chủng cũ, bác sĩ Trương Hữu Khanh, chuyên gia bệnh truyền nhiễm, Bệnh viện Nhi đồng 1 lý giải, virus không bao giờ muốn “tiêu diệt” ký chủ, nó phải nhờ tế bào ký chủ để sinh sôi con đàn cháu đống. “Quy luật sinh học đã chứng minh, virus càng thuần với con người thì càng lây lan nhanh và mắc bệnh càng nhẹ. Điều đáng mừng là những bệnh nhân đầu tiên mắc biến thể mới không có triệu chứng mất khứu giác - triệu chứng của chủng “hoang dại” từ động vật mà chỉ gây mệt mỏi, đau mình rất giống cảm cúm”, bác sĩ Trương Hữu Khanh cho hay. 

Vaccine và 5K

Đánh giá nguy cơ biến thể Omicron xâm nhập vào Việt Nam nói chung và TPHCM nói riêng, các chuyên gia cho rằng, không nên quá lo lắng bởi Việt Nam có khoảng cách địa lý khá xa; bên cạnh đó Việt Nam vẫn đang “siết chặt” việc kiểm soát người từ nước ngoài về. Tuy nhiên, để hạn chế thấp nhất những ảnh hưởng của biến thể mới đối với tính mạng, sức khỏe của người dân thì việc đẩy nhanh tốc độ phủ kín 2 mũi vaccine Covid-19 cho toàn dân là vô cùng quan trọng. Đồng thời cần tăng cường tiêm mũi vaccine thứ 3 cho những đối tượng ưu tiên cao nhất, như: người cao tuổi, người có bệnh lý nền, nhân viên y tế… Bổ sung về các biện pháp phòng ngừa biến thể Omicron xâm nhập và lây lan, bác sĩ Trương Hữu Khanh nhận định: Bất cứ chủng virus lây lan qua đường hô hấp, dù có lây nhanh thế nào cũng khó có thể thoát được lớp khẩu trang. Do đó, tuân thủ các biện pháp 5K một cách nghiêm chỉnh vẫn luôn là phòng tuyến vững chắc nhất. 

Theo ông Phạm Đức Hải, Phó trưởng Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 TPHCM, một trong bốn mối quan tâm lớn nhất của thành phố lúc này là biến thể Omicron. Mặc dù chưa ghi nhận trường hợp nào nhiễm biến thể Omicron trên địa bàn nhưng lãnh đạo thành phố đã giao Sở Y tế thường xuyên theo dõi các chỉ đạo về biến thể Omicron của Bộ Y tế; đồng thời chuẩn bị các kịch bản ứng phó với Omicron. Cụ thể, lên kế hoạch kích hoạt lại các bệnh viện dã chiến, chuẩn bị chăm sóc F0, tăng cường trạm y tế lưu động, củng cố trạm y tế phường xã, tăng cường tiêm vaccine… Bên cạnh đó, thành phố tăng cường phối hợp chặt chẽ, bài bản hơn trong 3 nhóm: y tế công và y tế tư; đông y và tây y; quân y và dân y.

Để chủ động ứng phó và kiểm soát tình hình dịch Covid-19 trong nước và đồng thời ngăn chặn nguy cơ xâm nhập và lây lan của biến thể mới Omicron vào Việt Nam, Bộ Y tế đã đề xuất Chính phủ xem xét chỉ đạo tạm dừng tổ chức các chuyến bay quốc tế đến và đi từ các quốc gia: Nam Phi, Botswana, Namibia, Zimbabwe, Eswatini, Lesotho, Mozambique và tạm dừng cấp phép nhập cảnh với hành khách đến/đi về từ các quốc gia trên. Bộ Y tế cũng đã chỉ đạo hệ thống giám sát tăng cường giám sát dịch Covid-19 nhằm phát hiện sớm những dấu hiệu bất thường của các ổ dịch Covid-19; yêu cầu Viện Vệ sinh dịch tễ, Viện Pasteur chủ động thực hiện giải trình tự gien các trường hợp nghi ngờ nhiễm biến chủng mới, đặc biệt là những trường hợp có tiền sử dịch tễ về từ các quốc gia khu vực Nam Phi.

Theo TS Kidong Park, Trưởng Đại diện WHO tại Việt Nam, trong những ngày tới, WHO sẽ tổ chức họp để điều phối và sắp xếp các nghiên cứu toàn cầu về vấn đề biến thể Omicron. Về mức độ nghiêm trọng của bệnh, hiện tại vẫn chưa rõ liệu nhiễm Omicron có gây ra bệnh nặng hơn so với nhiễm các biến thể khác. Dữ liệu sơ bộ cho thấy tỷ lệ nhập viện ngày càng tăng ở Nam Phi, nhưng điều này có thể là do tổng số người bị nhiễm bệnh ngày càng tăng, chứ không phải là kết quả của nhiễm chủng Omicron. Về hiệu quả của vaccine, WHO đang làm việc với các đối tác kỹ thuật để hiểu tác động tiềm tàng của biến thể này đối với các biện pháp ứng phó hiện có.

Tin cùng chuyên mục